Vũ Thị Ngọc Xuyến (còn gọi là Ngọc Huấn) là Chiêu nghi[1] Đệ nhất cung tần, vợ chúa Trịnh Tạc (vị chúa Trịnh thứ 3), thời Lê trung hưng. Bà là một trong hai bà chúa tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và còn được ít người biết đến.

Thân thế và gia đình

Vũ Thị Ngọc Xuyến (hay Ngọc Liên), phật hiệu Huệ trưởng kiên cố Đại bồ tát, sinh ngày 8 tháng 3 Giáp Thìn, Hoằng Định thứ 5 (1604); mất ngày 8 tháng 6 năm Bính Dần (1686), hưởng thọ 82 tuổi. Bà là người họ Phạm, nguyên quán xã Minh Hạo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); bố là Phạm Phúc Hiền, mẹ là Bùi Tự Đức. Từ nhỏ Bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, theo về My Thự, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)[2],[3] làm con nuôi gia đình họ Vũ (cụ Vũ Phúc An, chức Tham đốc, Quận công).

Trước đó, do cha mẹ mất sớm, khoảng 10 tuổi[4] Bà đã phải theo người bán cỏ ở ven kinh thành để kiếm sống. Quận công Vũ Phúc An khi đó làm quan ở cục vàng bạc thấy vậy nhận Bà làm con nuôi[5]. Khi 14 tuổi, Bà đã trở lên xinh đẹp, đoan trang, tư cách ôn nhuần, có đầy đủ tứ đức[6], được Trịnh Tạc (lúc đó còn làm Thế tử) đem lòng yêu mến, lấy làm vợ (năm 1619)[7]. Đến lúc Trịnh Tạc lên ngôi chúa (năm 1657), bà trở thành cung phi, được phong làm Chiêu nghi, Đệ nhất cung tần[8], được chúa Trịnh Tạc rất là yêu mến. “Bia Báo đức” Đền Sóc Xuân Đỉnh (lập năm 1686)[9] còn ghi lại: “Bà được phong làm Chiêu nghi, ban cho thẻ bạc, dải xanh, kiệu sơn, võng tía. Ơn vinh sủng, rất là rạng rỡ”.

Gia phả dòng họ Vũ[10] tại thôn Phục Lễ còn ghi lại sự tích về Bà như sau:“Ngày xưa có người làng My Thử là Vũ Tất Phù làm ở Cục vàng bạc, nhân lúc ngồi nhàn trông thấy một người ở huyện Từ Liêm, xã Minh Tảo làm nghề bán cỏ lại dắt theo một cháu bé gái, ước chừng mười tuổi, vừa đi vừa nói rằng, mày cha mẹ đều đã không còn, mày nên tìm nơi mà gửi thân cho qua cơn đói khát, còn theo ta, ta cũng không đủ sức cung nuôi mày được. Rồi Vũ Tất Phù nghe thấy nói thế mới hỏi xin làm con nuôi mình. Một hôm Thế tử đi chơi qua xem công nhân đang mài ngọc, trông thấy người con gái hình dáng đoan trang, tư cách ôn nhuần, trong lòng rất yêu mến mới hỏi thợ mài ngọc rằng, cô bé là con nhà ai. Vũ Tất Phù vội đứng dậy thưa rằng, cháu là con gái tôi, cháu còn nhỏ dại lắm. Thế tử rất vui vẻ, mừng nói rằng, khi nào ta lên ngôi, ông cho ta nhé. Vũ Tất Phù thưa, Thế tử nói vui thôi, xin người lượng thứ, chẳng phải là con gái Vua Nghiêu, làm sao sánh cùng Vua Thuấn được. Thế tử nói rằng, thiên duyên xe tóc tự nhiên mà gặp, chính là do tiền định mà nên, há phải nói vui mà thôi đâu. Đến khi Thế tử nối ngôi, lập tức triệu tuyển vào đệ nhất cung tần phong làm Chiêu nghi phu nhân”.

Bà và chúa Trịnh Tạc có hai người con gái:

(1). Trưởng công chúa Trịnh Thị Ngọc Án, được ví đẹp như một vầng trăng, một cành hoa trong vườn thượng uyển (7)[11]. Quận chúa đã được phong: “Thục thái, gia hạnh, trinh tiết, thuần đức, phương dung, uyên mục, hòa huệ, tề ý, an lạc, thuần thục, từ mỹ, đoan trang, cung chính, khang quốc, bảo dân” – (Là người xinh đẹp, hiền thục; đức hạnh, tốt đẹp; trinh tiết, thành thực, khoan  dung, đức hạnh, sâu rộng, hòa thuận, hòa nhã, nhân ái, chỉnh tề, yên vui, thuần thục, hiền từ, đoan trang, cung kính, giữ yên nước, bảo vệ dân),  tặng: “Kim hoa, từ tiết, kính thận Trưởng công chúa Đại vương”[12].

(2). Thứ công chúa Trịnh Thị Ngọc Giang (Cang)[13], là con cháu dòng dõi nhà vua, lấy chồng danh giá, là trụ cột của đất nước[14].

Bà và các con gái của Bà được đánh giá là rất xinh đẹp, giỏi giang và có tấm lòng từ bi, nhân hậu, thương người dân nghèo khổ, được người dân thời đó ghi nhớ công ơn, khắc bia, dựng tượng tôn thờ.

Sự nghiệp của Bà Chiêu nghi

1. Yêu quê hương, thương dân nghèo

Thời Lê -Trịnh, làng Xuân Tảo thuộc vùng nghèo ít ruộng đất, chủ yếu là đầm lầy, hoang hóa, dân tình rất đói khổ (thời Lý – Trần nơi đây thường dùng làm nơi nhốt tù binh Chiêm Thành). Khi về thăm quê, thấy cảnh người dân đói khổ, Bà và con gái Quận chúa Ngọc Giang đã bỏ tiền mua ruộng, ao tặng dân làng và cúng tiến cho các chùa (Bà mua 10 mẫu 2 sào, 8 thước ruộng tặng làng; con gái mua 6 mẫu 2 sào ruộng, ao cúng vào các chùa). Ngoài ra, Bà còn mua hơn 529 mẫu ruộng đất của nhà Chúa để hiến cho người dân làm ruộng cày (không thu tô); cải tạo đất hoang hóa trở thành mầu mỡ, giúp người dân thêm đất ruộng để sinh sống (10, 11)[15],[16].

Với vùng quê My Thử, Đường An, Hải Dương (quê của bố mẹ nuôi), Bà xác định đây cũng là quê ngoại, cũng dùng tiền của mình mua ruộng, tặng ngân lượng, tiền cho người dân sinh sống và dùng vào việc thờ tự sau này[17].

“Bia Báo đức” tại Đền Sóc đã ghi: “Nhờ bà ơn vua lộc nước tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu làm rạng rõ cho quê hương, làng xóm. Tấm lòng thương yêu dân xã lại cao quý biết nhường nào. Bà đã tậu ruộng phì nhiêu cho dân thờ cúng. Ơn đức của bà đối với dân thấm nhuần như nước mùa xuân, ấm áp như mặt trời tháng giá vậy. Trẻ già trong tám giáp tôn kính bà như thần minh, ngưỡng mộ bà như đỉnh núi”[18].

“Bia sinh từ” tại thôn Phục Lễ đã ghi: “Từ xưa đến nay có phong tục đều lập sinh từ, lấy đó để lưu truyền lâu dài, vững chắc. Được lòng của nhân dân là vậy! Mà mỗi lần cung nhân hay quý nhân có ơn với dân, tất được nhân dân báo đáp. Nay lại có người con gái trong gia đình trượng phu được như thế”.[19]

2. Góp công của trùng tu, xây dựng đền chùa

Sinh thời, Bà là người có tâm đức, đóng góp nhiều vào việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền, chùa ở hai quê.

Khi Trịnh Tạc mất, Bà trở về sinh sống tại Xuân Tảo, Từ Liêm. Bà đã bỏ tiền ra tu sửa lại đền, chùa, mua ruộng cúng tiến vào chùa, tặng ruộng cho làng làm ruộng công để chia cho trai đinh. Khi đã cuối đời, Bà dốc tâm sức, tiền của trùng tu Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương (còn gọi là Đền Sóc), được xây dựng từ thế kỷ 12 (thời Lý) với quy mô khang trang. Đây là một ngôi Đền linh thiêng, có ý nghĩa tâm linh ở Thăng Long. Thời trước các vua Lý, Trần, Lê … thường về tế lễ hàng năm đến cuối đời nhà hậu Lê do chiến tranh, loạn lạc mới thôi[20].

Ngoài Đền Sóc, bà và con gái Ngọc Giang cũng đã cung tiến, công đức tôn tạo, xây dựng đền chùa. Tại Chùa Hương (làng Yến Vĩ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) trong Bia chùa Thiên Trù còn ghi công đức của Bà trong tôn tạo “Kim Dung bảo điện” của chùa Thiên Trù (tháng 3 năm Chính Hòa thứ 7 (1686) (tại đây Bà đã công đức 6 quan tiền cổ; con gái Trịnh Thị Ngọc Giang và Nguyễn Đăng Lục cúng 20 quan tiền cổ) (14)[21]. Tại My Thử, Đường An bà đã tặng các làng xung quanh ngân lượng, ruộng tiền để tu sửa đền chùa, làm nơi thờ tự (15)[22].

3. Được triều đình ghi công lao, hậu thế tôn thờ

Tại Quế phủ (Phủ Chúa)

Sau khi bà mất, nhớ tới công ơn, dân làng Xuân Tảo và vùng ven kinh thành bên Hồ Tây đã lập Châu cung Quế phủ (còn gọi là Phủ Chúa, nay là Khu Lộc, phường Xuân Đỉnh) và dựng tượng thờ bà. Pho tượng Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (Ngọc Huấn) tại Quế phủ là một trong 2 pho tượng thuộc loại điêu khắc chân dung quý hiếm ở Việt Nam, đan bằng mây song – sơn mài bên ngoài (pho tượng thứ hai là Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Láng).

Pho tượng Chiêu Nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (Ngọc Huấn) được tạo hình có tỷ lệ các kích thước như người thật, ngồi trong thế ngồi thanh nhàn, đế vương, tay trái đặt trên đùi, tay phải đặt trên gối. Tượng thể hiện được những chuẩn mực về vẻ đẹp của phụ nữ Á Đông, kiêu sa, quý phái nhưng lại hiền từ, phúc hậu. Làng Xuân Tảo nổi tiếng về đan mây tre nên pho tượng là tác phẩm của chính nhưng người nghệ nhân trong làng thổi hồn vào bức tượng với tấm lòng biết ơn Bà [23],[24],[25]. Ngày nay, hàng năm, dân làng Xuân Đỉnh và vùng ven đô bên Hồ Tây vẫn làm lễ những ngày húy kỵ của Bà, và gọi là Bà Chúa Châu cung Quế phủ.

Tại Đền Sóc (Phù Đổng Thiên Vương)

Hai bên Đền chính là hai ngôi đền phụ. Đền bên trái thờ quan Thái Giám, có công phân chia lại đất cho Xuân Tảo và Quán La; Đền bên phải thờ bà Vũ Thị Ngọc Xuyến và con gái là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Giang đã có công đức tu sửa lại đền Sóc (19)[26]. Đằng sau Đền còn một tấm bia đá lớn chạm rồng chầu mặt nguyệt, có tiêu đề “Báo đức bi ký” ghi công đức của mẹ con bà Vũ Thị Ngọc Xuyến trong việc tu sửa Đền và đối với dân làng Xuân Tảo. Bia dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686), do tiến sĩ họ Lê, tự là Sơn Khê, chức Bồi tụng Lại bộ thị lang, tước Lai sơn Nam soạn (20, 21)[27],[28]. Ngày nay, Đền Sóc đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa (ngày 15-11-1991) (22) [29].

Tại Khu di tích Đền thờ Quốc Thánh mẫu (Hải Dương)

Tại Hải Dương từ trước đến nay mới biết đến ba trường hợp được lập sinh từ, gồm Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Thiếu úy, Thái bảo, Quận công Đinh Văn Tả ở Hàm Giang, thành phố Hải Dương và Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn ở thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang (23)[30]. Trong nhà bia, có hai tấm bia: Một Bia được lập năm 1679, ghi lại công đức của Bà, do Tham tòng công bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Quận công, Hồ Sỹ Dương phụng soạn; tấm bia thứ 2, nói về việc thờ cúng. Tấm bia này được lập năm Chính Hòa 17 (1696), do Tiến sỹ Lê Phủ, chức Tham tụng, Thượng thư Hình bộ Tri trung Thư giám, tước Lai sơn tử phụng soạn (24)[31].

Hiện nhà Bia sinh từ thuộc quần thể Khu tích Đền thờ Quốc Thánh Mẫu Vũ Thị Ngọc Nguyên (Bà Chúa Me), di tích lịch sử cấp tỉnh Hải Dương (25)[32]. Tại đây, lăng mộ của Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Án cũng được phối thờ trong Khu Di tích[33]./.

Trịnh Vũ Anh Xuân
Tháng 8/2023


[1] Chiêu Nghi là một cấp bậc vợ lẽ của vua, ở trong hàng tam chiêu (chiêu nghi, chiêu dung và chiêu viên) thuộc bậc cửu tần (chín
cung tần), dưới hậu và hoàng phi (Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, trang 431.

[2] Nguyễn Bích Ngọc (biên soạn)(2010), 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội, NXB Thanh Niên, trang 121

[3] Tài liệu Hán Nôm Đền bà Chúa Me của Hoàng Thị Phương Lan, Bảo tàng tỉnh Hải Dương, năm 2018. Truy cập 20/8/2023

[4] Theo Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ

[5] https://bachuame.com/phuc-le-vinh-hong-vung-dat-cua-hai-ba-chua/

[6] https://bachuame.com/noi-dung-van-bia-hon-300-nam-tuoi-tai-thon-phuc-le/

[7] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157.

[8] Nguyễn Bích Ngọc (biên soạn)(năm nào???), 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội, NXB Thanh Niên, trang 121

[9] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 159

[10] Theo Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ

[11] Theo Tài liệu Hán Nôm Đền bà chúa Me (Bia sinh từ) của Hoàng Thị Phương Lan, Bảo tàng tỉnh Hải Dương, năm 2019.

[12] Ghi tại mặt thứ 3 của Bia sinh từ thôn Phục Lễ

[13] Theo Bia báo đức tại Đền Sóc thì ghi là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Vòng (Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157)

[14] Theo Tài liệu Hán Nôm Đền bà chúa Me.

(Theo Bia báo đức tại Đền Sóc thì ghi là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Vòng (Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157)

[15] Nguyễn Bích Ngọc (2010), 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội, NXB Thanh Niên, Bài “Cung phi Vũ Thị Ngọc Xuyến”, trang 121-222

[16] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157

[17] https://bachuame.com/noi-dung-van-bia-hon-300-nam-tuoi-tai-thon-phuc-le/, mặt

[18] Theo Hồ Phương Lan;

[19] Theo Tài liệu Hán Nôm Đền bà chúa Me.

[20] Theo Hồ Phương Lan, trang 157

[21] Nguyễn Tá Nhí, Đặng Văn Tu, Nguyễn Thị Trang, Lưu Đình Đăng (1993), Văn bia Hà Tây, Bảo tàng tổng hợp Sở Văn hóa thông tin thể thao, Hà Tây, trang 210.

[22] Bia sinh từ Phục Lễ

[23] Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết (2004), Từ điẻ̂n địa danh văn hóa và thá̆ng cảnh Việt Nam, trang 220, 221

[24] Nguyễn Bích Ngọc (2010), 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội, NXB Thanh Niên, trang 122-123

[25] Vũ Thanh Sơn (2004), Những vị thấn được thờ ở Hà Nội, NXB Hà Nội, Bài “Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến”, trang 341

[26] Theo Hồ Phương Lan (2004), trang 157

[27] Vũ Thanh Sơn (2004), Những vị thấn được thờ ở Hà Nội, NXB Hà Nội, Bài “Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến”, trang 341

[28] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157

[29] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157

[30] https://daibieunhandan.vn/van-hoa/Van-bia-hon-300-nam-tuoi-bi-bo-quen-i176339/

[31] https://bachuame.com/noi-dung-van-bia-hon-300-nam-tuoi-tai-thon-phuc-le/

[32] https://baohaiduong.vn/le-hoi/binh-giang-khanh-thanh-den-tho-ba-chua-me-104576

[33] https://bachuame.com/chuyen-ly-ky-ve-viec-tim-mo-ba-chua-me/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *