Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Án

LBT. Trong Khu Di tích Đền bà chúa Me có khu lăng mộ Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Án. Tác giả Trịnh Vũ Anh Xuân đã có bài viết trên Website ghi lại về việc tìm mộ Quận chúa. Vậy Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Án là ai? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc sáng tỏ nội dung này.

Theo gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ[1], Thần phả làng My Thữ và nhất là tư liệu ghi trên Bia sinh từ tại thôn Phục Lễ[2], Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến là vợ của Chúa Trịnh Tạc (1606-1682). Bà Chiêu nghi là người họ Phạm, nguyên quán xã Minh Hạo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội); bố là Phạm Phúc Hiền, mẹ là Bùi Quý Thị. Từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, Bà Chiêu nghi được cụ Vũ Phúc An, chức Thượng tướng quân, Tham đốc đồng tri, Quận công và vợ là cụ bà Lê Quý Thị, hiệu Từ Tiên, quê xã My Thự, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng nhận làm con, nuôi dưỡng từ bé. Do vậy, Phục Lễ, Vĩnh Hồng được bà Chiêu nghi coi là quê ngoại và đã triều đình đã cho lập Bia sinh từ ở đây.

Bà Chiêu nghi có với chúa Trịnh Tạc 2 người con gái: (1) Trưởng công chúa Trịnh Thị Ngọc Án và Thứ công chúa Trịnh Thị Ngọc Giang.

Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Án, sinh ngày 17 tháng Giêng và mất ngày 12 tháng Chạp, lúc mới 22 tuổi. Mộ của Bà được táng tại Phục Lễ (đúng vị trí Lăng mộ tại Đền Bà chúa Me hiện nay). Theo Bia sinh từ, làng My Thữ từ ngày Quận chúa mất đến nay vẫn thờ phụng như một nhân thần của làng.

Quận chúa đã được phong: “Thục thái, gia hạnh, trinh tiết, thuần đức, phương dung, uyên mục, hòa huệ, tề ý, an lạc, thuần thục, từ mỹ, đoan trang, cung chính, khang quốc, bảo dân” – (Là người xinh đẹp, hiền thục; đức hạnh, tốt đẹp; trinh tiết, thành thực, khoan  dung, đức hạnh, sâu rộng, hòa thuận, hòa nhã, nhân ái, chỉnh tề, yên vui, thuần thục, hiền từ, đoan trang, cung kính, giữ yên nước, bảo vệ dân),  tặng: “Kim hoa, từ tiết, kính thận Trưởng công chúa Đại vương”.[3]

Khi sinh thời, Quận chúa vô cùng xinh đẹp. Bia sinh từ còn ghi lại như sau:

“Người đẹp như một vầng trăng, một cành hoa trong vườn thượng uyển. Tại nước nhà, được tiến phong: “Kính thận công chúa” – (Vị công chúa cung kính, cẩn thận).

“Dáng vẻ yểu điệu như đóa phù dung, trong như nước, sáng như trăng. Ơn đức thấm nhuần, bao trùm rộng khắp, nhan sắc đẹp như tiên nga. Vời vợi mà hun đúc sự linh thiêng, thần diệu”.

Sau này, Bà còn nhận được 5 sắc phong của các triều đại phong kiến với tước hiệu là Kim hoa Trưởng công chúa: “Kim hoa trưởng công chúa là bậc Đại vương Đoan trang, mềm mỏng, đức hạnh, nết na, dịu dàng, xinh đẹp, tươi tắn, hiền lành, chân thật, nhã nhặn, thuận hòa, nghiêm nghị, đứng đắn, ngay thẳng, lặng lẽ, thông minh, sáng suốt”

(Sắc phong ngày 26 tháng 7 Cảnh Hưng thứ 44 (1783); Sắc phong ngày 22 tháng 3 năm Chiêu Thống nguyên niên (1787); Sắc phong ngày 28 tháng 7 năm Quang Trung thứ 5 (1792); Sắc phong ngày 17 tháng 5 năm Bảo Hưng thứ 2 (1802); Sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).[4]

Do Quận chúa Ngọc Án mất sớm, nên sau này nhiều tài liệu lịch sử cũng chỉ nhắc đến Thứ Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Giang[5].

Trịnh Vũ Anh Xuân
Tháng 8/2023


[1] Trịnh Đình Mai (1914), Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ

[2] Tài liệu Hán Nôm Đền bà Chúa Me của Hoàng Thị Phương Lan, Bảo tàng tỉnh Hải Dương, năm 2018. Truy cập 20/8/2023

[3] Ghi tại mặt bia thứ 3 của Binh sinh từ;

[4] Nguyễn Thị Ngọc Lan (2013), Tài liệu Hán Nôm Đình – Chùa My Thử xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương

[5] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang 157.