Chuyện ly kỳ về việc tìm mộ Bà Chúa Me

Bà Chúa Me – Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, Thái phi của Chúa Trịnh Cương(1686-1729), tên Vũ Thị Tông, thụy là Từ Đức, húy là Ngọc Nguyên, được tôn phong là Ý công Hậu đức Trang hạnh Đoan Nghi Khuông vận Diễn phúc Quốc Thánh mẫuTheo Vũ tộc phả ký, Bà là đời thứ bẩy trong Gia phả gia tộc, là con gái cụ Vũ Tất Tố làm quan chức Tuấn (Duệ) Trạch Côngngười My Thử, Đường An, nay là thôn Phục Lễ, Vĩnh Hồng, Bình Giang, Hải Dương

Khi nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Bà, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu về nơi yên nghỉ của Bà, nhưng không có tài liệu nào ghi chép về điều đó, kể cả Gia phả dòng họ. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ để bảo đảm an toàn, đối với các bậc vua chúa, quân vương, đại thần người xưa thường giữ kín, coi đây là bí mật. Tuy nhiên, có thể là cơ duyên, năm 2010, mộ Bà đã được tìm thấy qua 3 lần tìm kiếm nhờ một nhà ngoại cảm. Câu chuyện về việc tìm được mộ Bà Chúa là việc ly kỳ, đầy màu sắc tâm linh. Mặc dù Bà mất đã trên 300 năm nhưng đủ thấy sự linh thiêng của Bà vẫn còn cho đến ngày nay.

(Ảnh: Lăng mộ hiện tại của Bà Chúa Me tại cánh đồng Phủ Bà, thôn Phục Lễ)

Vào năm 2010, nghe tin tại Ân Thi, tỉnh Hưng Yên nổi danh Thầy Hài có nhiều khả năng trong lĩnh vực ngoại cảm, nhất là trong việc tìm mộ, hài cốt người đã mất, chúng tôi những người con cháu của Bà Chúa Me, tâm thành, lễ mọn đến nhà Thầy nhờ giúp đỡ.

Lần đầu tiên, vì nóng lòng muốn được thỏa tâm nguyện, chúng tôi khởi hành từ rất sớm (khoảng 2- 3h sáng đã từ Bình Giang để sang Ân Thi). Tuy nhiên, vẫn phải chờ đợi vì Thầy 6h mới làm việc và rất đông người đã chầu chực  Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý nguyện, thực hiện một số thủ tục, Thầy nói mộ của Bà còn và ở đó (tức là tại khu Lăng Phủ Bà – làng Phục Lễ). Thầy dùng một tờ giấy vẽ ra một bản đồ sơ lược về vùng đất quê chúng tôi, các đường giao thông đi lại, đường từ thị trấn Kẻ Sặt đi xã Nhân Quyền, đường đia lại trong thôn.v.v…. Liên quan đến khu đất có mộ Bà, Thầy còn vẽ cụ thể thêm các thửa ruộng và khu lăng mộ của Bà và khẳng định, lăng mộ của Bà trước đây rất lớn, nhưng bị đào lên cải táng lại xuống ruộng, chứ không phải là nguyên thủy như ban đầu và hiện đang được chôn trong một cái nồi động đình. Thầy chỉ giúp chúng tôi phương vị, khoảng cách để tìm được mộ của Bà, chỉ rõ những đặc điểm xung quanh. Ví dụ, từ phía lăng cũ, đi về phía Tây, phía trước có mương nước, đăng sau có sông.v.v…Tất cả những mô tả của Thầy hoàn toàn đúng như thực địa, mặc dù Thầy chưa bao giờ đến đó. Điều này làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Thầy còn nói trong khu vực đó có 2 ngôi mộ, một của Bà và một của một dòng họ khác.

Theo chỉ dẫn của Thầy, chúng tôi đã về tìm trong khu đất đó, nhưng do khi về thực địa chúng tôi đã đặt ngược sơ đồ Thầy vẽ nên việc tìm kiếm theo hướng ngược lại, đáng nhẽ phải tìm về hướng Tây, chúng tôi lại tìm về hướng Đông nên đã không thể tìm thấy.

Vì vậy, lần thứ hai chúng tôi lại đến nhà Thầy nhờ giúp đỡ, sau lần tìm kiếm trước một ngày. Lần này đến, không hiểu sao được Thầy gọi vào ngay không phải xếp hàng theo lượt như hôm trước. Khi vào chúng tôi có nói với Thầy: “Nhờ Cậu xem lại và hướng dẫn cho, hiện nay ở nhà (tức là tại khu Phủ Bà làng Phục Lễ) các cụ trong dòng họ cũng đang ở đó rồi đợi hướng dẫn”. Thầy vẫn ngồi và phán: “Ngoài lăng kia làm gì có ai” và gọi người khác vào để xem. Sau khi xem xong cho người này, chúng tôi lại đề nghị Thầy xem lại cho. Lúc này Thầy mới nói: “Có người rồi đây. 2 ông đang ngồi trên lăng, dưới ruộng kia có 5 ông đang cầm cọc” (thực ra có 5 ông đang cầm xà beng để đào mà Thầy gọi là cọc). Thầy nói: “Gần thửa ruộng này có một cây táo, từ cây táo đi ra có một tấm vải nhựa xanh do người đi làm ruộng vứt lại, sau dó đi nữa tới các cây vảy ốc, hoa đỏ (một loại cây mọc hoang ở ruộng). Các cây này mọc ở ruộng nhà Hạnh Vổ thì dưới đó là mộ của Bà”. Chúng tôi có nói hỏi lại là nhà Hạnh Cố phải không? (ở làng có anh Hạnh con nhà bà Cố nên thường gọi tục là Hạnh Cố) chứ lúc đó chúng tôi không nghĩ ra Hạnh Vổ là ai. Thầy đáp: “Không, ở ruộng nhà Hạnh Vổ”. Mãi sau này, chúng tôi mới biết đến Hạnh Vổ vì người này thực tế không ở làng, nên ít người biết, không ai nhớ.

Khi về nhà tìm, chúng tôi tìm mãi chỉ thấy mảnh vải nhựa xanh, chứ không thấy cây vảy ốc hoa đỏ, và nhất là không biết nhà Hạnh Vổ, nên việc tìm kiếm càng khó khăn. Ngày hôm đó, vì quyết tâm cao chúng tôi thuê thêm một số nhân công từ làng bên sang, chọc, thuốn, đào bới, nông có, sâu có khắp nơi xung quanh khu vực đó để tìm, nhưng cũng không thấy. Chán nản, chúng tôi quyết định ngày hôm sau lấp lại những chỗ đã đào để không bị người dân trong làng kêu ca, phàn nàn. Sáng hôm sau, anh Tâm là trưởng tộc, nói lại với chúng tôi là tối qua ngủ mơ tìm thấy mộ của Bà. Chúng tôi nghĩ mơ mộng thì không phải là thực tế, nhưng vẫn lóe lên những hy vọng. Buổi sáng, chúng tôi ra lại cánh đồng ngắm lại khu đào bới hôm qua thì gặp chị T. con dâu nhà bà Hoãn (người cùng làng) đang ở cánh ruộng gần đó và hỏi: “Ông tìm mộ ở đâu”. Chúng tôi đáp: “Thầy bảo tìm ở ruộng nhà Hạnh Vổ, mà tôi thấy làng mình làm gì có Hạnh Vổ nên chưa tìm thấy”. Chị T. đáp: “Nhà Hạnh Cung ông ạ. Ruộng đây, cháu đang cấy cho nhà anh ấy mà”. Hóa ra, chúng tôi đào ở phía dưới, mà mộ ở ruộng nhà Hạnh Cung thì ở phía ngoài này. Chiếu lại theo chỉ dẫn mảnh vải nhựa xanh, cây vảy ốc hoa đỏ đều đúng cả. Tuy nhiên, do đống gạch xây dựng đổ ra ruộng đã vùi lấp các cây vảy ốc hoa đỏ, nên chúng tôi không nhận ra.

Mặc dù đã xác định được địa điểm, nhưng do mệt mỏi và không có người, nên đợt đó chúng tôi không tiếp tục tìm kiếm nữa. Cuối năm đó, chúng tôi lại lần nữa đến nhà Thầy Hài để xác định chắc chắn. Một mặt ở nhà, chúng tôi nhờ bà Hòa (một bà thầy cúng trong làng) làm lễ tại khu vực tìm kiếm, mặt khác nhờ Thầy chỉ dẫn từ ở Hưng Yên. Ở khu vực tìm kiếm, chúng tôi cắm một cây gậy buộc dải lụa đỏ làm mốc đề Thầy ở Hưng Yên dễ quan sát và chỉ dẫn.

Lần thứ ba vào nhà Thầy Hài cũng may mắn như lần trước được vào ngay mà không phải chờ đợi. Thầy nói: “Nếu không tìm thấy, thì thôi cứ để vậy, sau này chỗ đất này sẽ được chia cho dân, sẽ có một con đường to chạy qua đấy. Chỗ ngôi mộ của Bà người ta sẽ dựng một cột điện. Khi nào người làm ta làm đến đó thì ra nhận là được.” (điều rất lạ, hiện nay năm 2015, khu vực Thầy Hài nói đã quy hoạch đúng như vậy). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề nghị Thầy chỉ dẫn để tìm được mộ Bà. Thấy chúng tôi quyết tâm Thầy nói: “Sắp đến rồi đấy, lần này Bà cho tìm thấy đấy. Cách đó khoảng 1m nữa thôi về phía Tây Nam; nông thôi; chỗ đấy vỡ hết rồi. Nếu thấy thì 4h sáng mới được thực hiện các nghi lễ bốc hót. Bốc hót xong phải đặt vào chỗ mới trước 5h sáng”.

Từ nhà Thầy, chúng tôi về tới nhà lúc nửa buổi (khoảng 9h sáng), các con cháu lại tiếp tục ra sức đào bới xung quanh khu vực Thầy chỉ dẫn. Lần này, chúng tôi có thắp hương, làm lễ cẩn thận tại khu vực đó. Sau một hồi đào bới, những nhát cuốc đầu tiên chạm vào khu vực có các mảnh sành vỡ. Theo đó, dần dần, mộ của Bà hiện ra, nằm cách mặt ruộng chỉ khoảng 25cm. Toàn bộ quách đựng đã bị nát vụn, do tác động của thời gian, của việc canh tác, cầy, bừa, cuốc xới. Chúng tôi nhặt hết các mảnh sành vỡ cho vào một quách và chuyển tất cả phần còn lại vào trong một quách mới, sau đó chuyển đến chỗ ngôi miếu mới xây dựng cho Bà, cũng ngay trong khu đất đó.

Việc tìm ra mộ Bà hiện nay, làm sáng tỏ thêm một số di tích của thôn Phục Lễ, sáng tỏ thêm một số thông tin, sự kiện trong một câu chuyện đầy màu sắc dân gian của người dân Phục Lễ trước đây.

Chuyện kể rằng, trước đây mộ Bà Chúa được xây dựng nguy nga, trên thành dưới quách, trong một khu đất rộng có tên là Lăng Phủ Bà (ngày nay khu vực này vẫn được gọi là Lăng Phủ Bà). Tuy nhiên, cũng từ rất lâu, mộ Bà đã bị kẻ trộm đào bới nhằm tìm vàng bạc, châu báu, do vậy đã bị cải táng lại (điều này trùng khớp với thông tin của Thầy Hài đã xem và thực tế mộ Bà khi tìm thấy). Khi kẻ trộm đào lên, bật quách ra không thấy vàng, bạc, châu báu đâu cả, nên đành phải cho hài cốt vào hũ động đình chôn trở lại (điều này trùng khớp với thông tin của Thầy Hài đã xem và thực tế mộ Bà khi tìm thấy). Những tấm áo quan rất dày và nặng được người dân nhặt mang bán cho người ở phố Kẻ Sặt để làm thùng gánh nước (ngày xưa thùng gánh nước đều làm bằng gỗ). Khi xẻ gỗ, người thợ mộc phát hiện ra trong lòng vách tấm áo quan dày là rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người thợ mộc đã dùng số tiền đó để công đức xây dựng đình chùa và làm ăn kinh doanh, nhờ vậy mà trở lên rất giàu có. Hiện nay, gia đình này đã di cư vào Nam sinh sống.

Với việc tìm thấy mộ Bà Chúa tại Lăng Phủ Bà, câu chuyện tương truyền nêu trên có tính chân thực hơn, không còn là sự thêu dệt.

Hiện nay, mộ của Bà đang tọa lạc khiêm tốn trong khu đất trống có tên gọi là Phủ Bà hay Lăng Phủ Bà. Nhà nghiên cứu Trịnh Yên, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu các dòng họ Việt Nam, sau khi đến thăm mộ Bà (ngày 29/4/2015) có nhận định, mặc dù Bà mất đã lâu (hơn 300 năm) nhưng linh khí còn nguyên, đề nghị địa phương hãy trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử của quê hương./.

Trịnh Vũ Anh Xuân (ghi theo lời kể của ông Vũ Tất Huynh, người cao  tuổi thôn Phục Lễ)