Thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang là một ngôi làng cổ nằm trên trục tỉnh lộ 395 đoạn nối từ thị trấn Kẻ Sặt, đến Thành phố Hải Dương. Nơi đây có ngôi đình thờ thành hoàng làng Nguyệt Thái công chúa, thời Hùng Vương, tương truyền có công âm phù nhà Trần đánh giặc Chiêm Thành, được các triều đại phong kiến ban 8 sắc phong, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Đặc biệt, nơi đây còn là mảnh đất của những dấu tích lịch sử về Bà Chúa Me thời Lê Trung hưng.

Năm 2012, khi về làng Phục Lễ tìm hiểu, nhà nghiên cứu Đặng Văn Lộc, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã có bài viết trên Báo Hải Dương với tựa đề “Những di tích ở làng Phục Lễ bị lãng quên” và bài “Văn bia hơn 300 tuổi bị bỏ quên” đăng trên Báo Người đại biểu nhân dân. Qua hai bài viết,  tác giả đã khắc họa sơ lược về làng Phục Lễ với nhiều hạng mục di tích lịch sử văn hóa có giá trị, nhất là di tích Bia Sinh từ cách đây hơn 300 năm, ghi chép về một nhân vật thời hậu Lê được nhân dân trong vùng tôn gọi là Bà Chúa Me.

Tuy nhiên, trong bài viết của mình, qua những gì ghi tại văn bia, tác giả Đặng Văn Lộc đã nêu nghi vấn rằng, rất có thể cung tần Chiêu nghi Vũ Ngọc Huấn (người được ghi trong văn bia) và Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, Thái phi của Chúa Trịnh Cương chỉ là một người. Vậy Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn và Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là như thế nào?

Trên cơ sở nghiên cứu Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, Trịnh Gia chính phả, Trịnh Thị ngọc phả, Gia phả dòng họ Vũ tại thôn Phục Lễ, Di tích lịch sử Đền Sóc tại Xuân La, Xuân Đỉnh, các tài liệu lịch sử có liên quan và nhất là Văn bia sinh từ[1a], một tài liệu lịch sử sống, hiện còn lại tại thôn Phục Lễ, có thể khẳng định, đây là vùng đất của hai Bà Chúa: Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn và Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên.

Về Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn

(Ảnh. Tượng bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến, vợ chúa Trịnh tạc, hiện thờ tại Đền Sóc, Xuân La, Xuân Đỉnh, Hà Nội – Ảnh của: họa sĩ Trịnh Quang Vũ, trong “Trang phục triều Lê Trịnh” của NXB Từ điển Bách Khoa)

Theo Gia phả dòng họ Vũ tại thôn Phục Lễ[1], Bà là Vũ Thị Ngọc Lễ (Liên), người Minh Cảo, Từ Liêm, làm con nuôi của Thượng tướng quân, Tham đốc Đồng tri Vũ Tất Phù, người My Thử, Đường An (nay là Phục Lễ, Vĩnh Hồng). Bà là Chiêu nghi của Chúa Trịnh Tạc. Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ ghi lại như sau:“Ngày xưa có người làng My Thử là Vũ Tất Phù làm ở Cục vàng bạc, nhân lúc ngồi nhàn trông thấy một người ở huyện Từ Liêm, xã Minh Tảo làm nghề bán cỏ lại dắt theo một cháu bé gái, ước chừng mười tuổi, vừa đi vừa nói rằng, mày cha mẹ đều đã không còn, mày nên tìm nơi mà gửi thân cho qua cơn đói khát, còn theo ta, ta cũng không đủ sức cung nuôi mày được. Rồi Vũ Tất Phù nghe thấy nói thế mới hỏi xin làm con nuôi mình. Một hôm Thế tử đi chơi qua xem công nhân đang mài ngọc, trông thấy người con gái hình dáng đoan trang, tư cách ôn nhuần, trong lòng rất yêu mến mới hỏi thợ mài ngọc rằng, cô bé là con nhà ai. Vũ Tất Phù vội đứng dậy thưa rằng, cháu là con gái tôi, cháu còn nhỏ dại lắm. Thế tử rất vui vẻ, mừng nói rằng, khi nào ta lên ngôi, ông cho ta nhé. Vũ Tất Phù thưa, Thế tử nói vui thôi, xin người lượng thứ, chẳng phải là con gái Vua Nghiêu, làm sao sánh cùng Vua Thuấn được. Thế tử nói rằng, thiên duyên xe tóc tự nhiên mà gặp, chính là do tiền định mà nên, há phải nói vui mà thôi đâu. Đến khi Thế tử nối ngôi, lập tức triệu tuyển vào đệ nhất cung tần phong làm Chiêu nghi phu nhân”.

Theo tác giả Văn Sáu (trong bài viết “Làng Xuân Đỉnh” trên Báo Hà Nội mới online, ngày 11/4/2007), tại phía Đông làng Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội có đền Sóc, thờ Phù Đổng Thiên Vương, một di tích lịch sử nổi tiếng tương truyền là được dựng từ thời Lý. Tại Đền Sóc còn phối thờ bà phi Vũ Thị Ngọc Xuyến, vợ chúa Trịnh Tạc  thời Lê Trung Hưng (1657-1682), vì bà đã bỏ tiền công đức trùng tu Đền. Theo tác giả, nghe các già làng kể lại thì, ngày ấy bà là một thiếu nữ đoan trang, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn, đi cắt cỏ ở ven thành Thăng Long đã lọt vào mắt chúa Trịnh Tạc khi đi du ngoạn, và Chúa đã cưới bà làm vợ[17].

Theo tác giả Vũ Thọ Đạt và Vũ Xuân Kiên (www.hovuvovietnam.com), Bà Chiêu nghi đã có công giúp dân khai khẩn ruộng hoang, lập nên vùng đất làng xã Minh Cảo – Xuân Đỉnh (nay thuộc phường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Bà đã mua 529 mẫu ruộng hoang hiến cho dân làng xã Minh Cảo – Xuân Đỉnh cày cấy. Sau này, theo gương mẹ mình, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cang đã mua 10 mẫu 2 sào 8 thước cúng tiến cho đền chùa. Năm 1682, Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến và con gái Trịnh Thị Ngọc Cang đã cho tu sửa lại Đền Sóc, nơi thờ Phủ đổng Thiên vương Thánh Gióng với quy mô khang trang và cúng tiến vào Đền. Sau khi mẹ con Bà mất, dân làng đã xây Miếu thờ hai Bà ngay tại phía Tây cung cấm. Năm 1991, Đền Sóc làng Xuân Tảo, Từ Liêm đã được Bộ Văn hóa công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp nhà nước.

Hiện nay, Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến được thờ chính tại Phủ Chúa, tại khu phố Lộc, phường Xuân Đỉnh, trên nền móng của Chiêu nghi phủ hay còn gọi là Quế phủ, là nơi ở của Bà Chiêu nghi và con gái Trịnh Thị Ngọc Cang trước đây (Bia Sinh từ tại Phục Lễ ghi là Trịnh Thị Ngọc Giang). Tại đây, ngoài Phủ Chúa (Quế Phủ) vẫn còn khu lăng mộ của Bà và đã được xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật [18]. Dưới đây là một số hình ảnh về Quế Phủ (nơi thờ Bà Chiêu nghi) theo website www.hovuvovietnam.com.

 Ảnh: Lăng mộ Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (theo www.hovuvovietnam

Về Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên

Các cuốn chính sử như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt sử ký tục biên, Trịnh gia chính phả của Trịnh Như Tấu, Trịnh Thị Ngọc phả và Gia phả dòng họ Vũ thôn Phục Lễ đều ghi nhận trùng khớp nhau.

Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, chính phi của Chúa Trịnh Cương, tên Vũ Thị Tông, thụy là Từ Đức, húy là Ngọc Nguyên, được tôn phong là Ý công Hậu đức Trang hạnh Đoan nghi Khuông vận Diễn phúc Quốc Thánh mẫu [5],[6],[7],[8],[9],[10]. Bà là người sinh ra chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh.

Theo Gia phả họ Vũ và sưu khảo của tác giả Vũ Hiệp[11], Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên sinh ngày 21 tháng 3 năm 1688 (Mậu Thìn), mất ngày 21 tháng 9 (âm lịch – năm 1751, Tân Mùi[12], thọ 63 tuổi. Bà lấy Chúa Trịnh Cương năm 1706 (tức là lúc đó Bà 18 tuổi), khi ấy Trịnh Cương đang giữ chức Khâm Sai Tiết Chế các xứ, Thủy Bộ chư Dinh, kiêm Tổng Quốc Chính, hàm Thái Úy Phổ Quốc Công, Kinh Quốc Phủ.

Ngày 27 tháng 10 năm 1751 (năm Cảnh hưng thứ 12), Minh đô vương Trịnh Doanh có Lệnh chỉ cho nhân dân trong vùng cùng Gia tộc họ ngoại tổ chức kính tế cho Bà (nội dung Lệnh chỉ hiện còn ghi trong gia phả họ Vũ tại Vĩnh Hồng- Bình Giang- Hải Dương)[13].

Theo nhiều tài liệu, Bà là con gái cụ Vũ Tất Tố được phong Tuấn (Duệ) Trạch Công[14],[15] người My Thử, Đường An[16].

Quay lại với Bia sinh từ

Tại Phục Lễ hiện còn có một nhà Bia lưu giữ 2 tấm bia lớn hình trụ vuông. Theo nhà nghiên cứu Đặng Văn Lộc (Sở VHTTDL Hải Dương), một tấm bia được dựng năm 1679 (Vĩnh Trị tứ niên). Tác giả bài ký trong văn bia là Tiến sỹ, Đông các Đại học sỹ đệ nhị danh Hồ Sỹ Dương, chức vụ: Tham tụng, Thượng thư Công Bộ, Đông các Đại học sỹ, tước Quận công, quê ở Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bài ký ghi về Vương phủ đệ nhất cung tần Chiêu nghi họ Vũ, tên húy là Ngọc Huấn, Phật hiệu là Huệ Trưởng Kiên Cố Thượng Đại Bồ Tát. Thông tin về Trưởng Công chúa Trịnh Thị Ngọc Giang, cũng được ghi trong văn bia.

Tấm bia thứ 2, Phụng tự chi bi (bia phụng sự việc thờ cúng) nội dung nói về quy chế thờ cúng nhân vật được lập sinh từ. Tấm bia này có niên đại muộn hơn, năm Chính Hòa 17 (1696). Tác giả là Tiến sỹ Lê Phủ, chức Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng, Thượng thư Hình Bộ tri trung thư giám, tước Lai sơn tử.

Như vậy, căn cứ vào cứ liệu ghi trên Bia Sinh từ thì văn bia này không phải dành cho Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, Thái phi của Chúa Trịnh Cương, người sinh ra chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh như nghi vấn của nhà nghiên cứu Đặng Văn Lộc vì:

Thứ nhất, Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên sinh năm 1688; Chúa Trịnh  Cương sinh năm 1686, trong khi Bia Sinh từ được lập năm 1679, nghĩa là Bia này được lập 9 năm trước khi Bà Thái phi Ngọc Nguyên được sinh ra và 65 trước khi Bà Thái phi Ngọc Nguyên mất (Bà mất năm 1751).

Thứ hai, Bia này được lập vào thời Chúa Trịnh Tạc (1657-1682), vì, người lập văn bia này là Tiến sĩ, Đông các Đại học sỹ đệ nhị danh Hồ Sỹ Dương, chức vụ: Tham tụng, Thượng thư Công Bộ, Đông các Đại học sỹ, tước Quận công, quê ở Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, chính biên, quyển thứ XVII (trang 706): Hồ Sĩ Dương: Người xã Hoàng Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652) năm Khánh Đức thứ 4 triều Lê Thần Tông. Và cũng theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục tại các trang 725, 729, 734, 739… thì Hồ Sĩ Dương là trọng quan của Chúa Trịnh Tạc (đời chúa thứ 4, sau mới đến đời thứ 5 là Trịnh Căn, đời thứ sáu là Trịnh Cương). Mặt khác, các bài minh trong Bia sinh từ[16a] đều ca ngợi Bà Chiêu nghi Vũ Quý thị (húy Ngọc Huấn) và 2 con gái là Trịnh Thị Ngọc Án và Trịnh Thị Ngọc Giang.

Do vậy, từ hai cứ liệu trên có thẻ khẳng định, Bia sinh từ hiện nay ở làng Phục Lễ cách đây hơn 300 năm không phải lập để cho Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên mà là cho Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn, vợ của Chúa Trịnh Tạc. Hiện nay có nhiều tư liệu về Bà Chiêu nghi. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Bà Chiêu nghi Vũ Quý Thị (Ngọc Huấn, tên gọi ở văn bia), Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Lễ (tên gọi ở Gia phả họ Vũ), Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (thờ ở Xuân La, Xuân Đỉnh) là một người, vì cả ba nơi này đều có một tư liệu trùng lặp: Bà là chiêu nghi của Chúa Trịnh Tạc và có Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cang (Giang).

Vì là ở mảnh đất có hai Bà chúa, nên nhiều tài liệu cổ cũng có sự nhầm lẫn giữa hai nhân vật này. Trong tác phẩm “Vũ Trung tùy bút” của tác giả Phạm Đình Hổ, nói về Bà Võ Thái phi, sinh ra Chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh, quê Tử Hỏa, Yên Mỹ, Hưng Yên, bố mẹ mất sớm nên là con nuôi của Vũ Công ở My Thữ. Tuy nhiên, theo Trịnh gia chính phả và Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ và nhất là những nội dung ghi trên Bia sinh từ như đã trình bày ở trên, Bà Chiêu nghi Vũ Ngọc Huấn, vợ Chúa Trịnh Tạc, quê ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm Hà Nội do bố mẹ mất sớm được là con nuôi của họ Vũ (cụ Vũ Phúc An). Còn Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên chính phi của Chúa Trịnh Cương, là con gái ruột của cụ Vũ Tất Tố.

Như vậy, qua nghiên cứu và những lý giải ở trên cho thấy, Phục Lễ, Vĩnh Hồng là mảnh đất của hai Bà Chúa: Bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (Ngọc Huấn), chiêu nghi của Chúa Trịnh Tạc (1606 – 1682) và Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, chính phi của chúa Trịnh Cương (1686 – 1729). Mỗi thế hệ các bà chúa cách nhau khoảng gần 100 năm. Qua đó, càng thấy thêm mảnh đất Phục Lễ, Vĩnh Hồng là mảnh đất văn vật, với nhiều di tích và nhân vật lịch sử./.

Trịnh Vũ Anh Xuân, tháng 12/2016


Ghi chú và tài liệu tham khảo

[1a] Văn bia sinh từ tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, do Hoàng Thị Phương Lan, Tăng Bá Hoành (Bảo tàng tỉnh Hải Dương) dịch thuật.
[1] Trịnh Đình Mai (1914), Gia phả họ Vũ tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
[2] Trịnh Như Tấu (1933), Trịnh Gia chính phả – Là quyển gia phả của chúa Trịnh, chép hết công việc của 12 đời chúa, từ lúc thịnh đến lúc suy
[3] Trịnh Thị Ngọc Phả ký, Gia phả của Trịnh Đình Trinh, làng Đôn Thư, xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Tây
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chíTập 1, trang 141, Viện Sử học Hà Nội dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội
[5] Theo Trịnh Gia chính phả
[6] Theo Trịnh Thị Ngọc phả
[7] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chíTập 1, trang 759, Viện Sử học Hà Nội dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội;
[8] Theo Gia phả họ Vũ
[9] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 38, trang 1
[10] Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, năm 1991.
[11] Vũ Hiệp, Những người phụ nữ họ Vũ – Võ nổi tiếng trong lịch sử, Website: http://donghovuvo.vn
[12] Theo Trịnh gia chính phả;
[13] Theo Gia phả họ Vũ
[14] Theo Trịnh Thị Ngọc phả;
[15] Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, trang 765;
[16] Theo Gia phả họ Vũ;
[17] Theo “Làng Xuân Đỉnh” của tác giả Văn Sáu, Anh Thu, trên báo Hà Nội mới online ra ngày 11/4/2007 (http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/1000_nam_thang_long/125978/lang-xuan-272%3B7881%3Bnh)
[18] Theo Vũ Xuân Kiên, Vũ Thọ Đạt, Website: http://hovuvovietnam.com/The-he-tre-ho-Vu-Vo-dang-huong-cac-di-tich-ho-Vu-tai-Xuan-dinh-Ha-Noi_tc_304_338_1300.html