Trong Đền thờ Quốc Thánh Mẫu Vũ Thị Ngọc Nguyên (Bà Chúa Me), tại gian thờ phía bên phải, cung bêm ngoài có phối thờ Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Bính Quận công Vũ Tất Thận. Ông là em trai của Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, là bậc quan võ đầu triều của nhà Lê Trịnh.
I. Thân thế
Bính Quận công Vũ Tất Thận còn có tên gọi là Vũ Thiết, khi được mang quốc tính (theo họ của Chúa Trịnh) gọi là Trịnh Thiết, được phong Súy Trung Dực vận Công thần Đồng Tham tụng Trung Roanh khuôn quân roanh Đô đốc phủ chánh Đô đốc Thự phủ sự kiêm Tôn nhâm phủ Hữu Tôn chính Đại tư đồ Bỉnh trung công Vũ Tất Thận[1].
Theo gia phả dòng họ, Ông sinh giờ Thìn, ngày 25/9/1705 (năm Đinh hợi) (1705); mất ngày 28/9/1766 (năm Bính Tuất, 1766), hưởng thọ 61 tuổi, là thế hệ thứ 7 trong dòng họ Vũ tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, là con trai thứ hai của cụ Vũ Phúc Lý (Tuấn Trạch công, Tuấn Duệ công)[2].
Anh chị em của Ông:
1. Chị gái Vũ Thị Ngọc Nguyên, Thái phi của chúa Trịnh Cương (Quốc Thánh Mẫu, Bà Chúa Me)[3];
2. Anh trai Vũ Trạc (Trạc Quận công), được phong Phụ quốc Thượng tướng quân, Chỉ huy sứ Trạc Quận công;
3. Em gái Vũ Thị Lưu, Viên không hoà thượng, gia phong Trung khiết Hiếu hạnh, Trang tĩnh Từ tuệ Đại bồ tát, Bồ tát vương.
Ông có chính thất Lê Thị Trí, sinh được 5 con trai đều rất trưởng thành, đều được phong tước Công và tước Hầu:
1. Vũ Tất Nhậm (Nhiệm Quận công), là Tạo sĩ là con trai trưởng
2. Hữa Trấn Bạt, con trai thứ hai;
3. Cơ Trung hầu con trai thứ ba;
4. Dực Trung hầu con trai thứ tư;
5. Tử Trung hầu con trai út.
Ông được phụng thờ tại Đền thờ ở Phường Hà Khẩu nay là Phố Hàng Buồm, Hà Nội; thân tượng tại Chùa Từ Vũ[4]. Từ năm 2019, Bính Quận công Vũ Tất Thận được phối thờ tại Đền thờ Quốc Thánh Mẫu Vũ Thị Ngọc Nguyên (Bà Chúa Me) tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang, Hải Dương[5]. Tuy nhiên, hiện nay không có tài liệu nào, kể cả Gia phả dòng họ nói về việc lăng mộ của Ông táng ở đâu.
II. Sự nghiệp
Bính Quận công Vũ Tất Thận là bậc võ quan, được xếp vào hàng công thần, đứng đầu trong triều đình, tham gia việc triều chính, trực tiếp cầm quân ở nhiều trận đánh, dẹp giặc loạn. Với công lao và đóng góp cho triều đình, Ông đã được phong nhiều chức vụ, tước vị, phẩm hàm cao[6]. Về sự nghiệp của Ông sử sách còn ghi lại:
1. Phò giúp Chúa Trịnh Doanh lên ngôi thay Chúa Trịnh Giang
Khi ở ngôi Chúa, Trịnh Giang ăn chơi không lo việc triều chính. Bên ngoài, nhân dân nhiều nơi nổi dậy khởi nghĩa. Nhân cơ hội đó, tháng 12 năm 1738, các hoàng thân Lê Duy Mật, Lê Duy Quy (con của vua Lê Dụ Tông và là chú ruột của Duy Diêu) cùng Lê Duy Chúc (con của vua Lê Hy Tông) định làm binh biến diệt họ Trịnh ở kinh thành nhưng không thành công, bèn trốn ra ngoài dấy quân chống chúa Trịnh ở Thanh Hoa. Trước tình hình biến loạn, triều đình và gia tộc họ Trịnh buộc phải ép Trịnh Giang thoái vị, đưa em là Trịnh Doanh lên ngôi vào tháng Giêng năm 1740. Ở sự kiện này, các sách sử đều ghi chép công lao của Ông:
– Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[9] ghi lại như sau:
“Trịnh thái phi là Vũ Thị cho triệu Nguyễn Quý Cảnh, bồi tụng giữ chức hữu tư giảng, vào phủ, bảo Quý Cảnh khuyên Trịnh Doanh đứng ra thay Trịnh Giang để trừ hoạn nạn trong cung phủ. Lúc ấy Quý Cảnh đương có trọng tang ở nhà, bèn ngầm biên tiên hương binh, dự chia thành từng bộ phận, rồi nhân lúc nhàn rỗi nói với Doanh, Doanh khóc và ngăn cản đi. Quý Cảnh đem việc ấy nói với bồi tụng Nguyễn Công Thái và thân thần là bọn Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đinh Hoàn, cùng tán thành cả;
Sau khi chúa Trịnh Doanh lên ngôi chúa đã ban thưởng cho những đại thần có công phò giúp:
“…Bàn luận công bầy tôi giúp rập: cho Vũ Tất Thận được chữ hiệu “công thần”, mũ và đai lưng được trang sức bằng vàng, theo thể lệ mũ và đai của vương thân; phong Nguyễn Công Thái, Nguyễn Quý Cảnh làm công thần Suy trung và Dực vận còn những người khác đều được thăng thưởng người cao người thấp khác nhau.”
– Sách Đại việt sử ký toàn thư[10] (Bản kỷ tục biên) cũng ghi chép việc chúa Trịnh Doanh ban thưởng cho Ông như sau:
“Thăng thưởng chức tước cho những công thần có công tôn phò. Định chữ hiệu “công thần”. Chúa cho Bính trung công Vũ Tất Thận mũ đai trang sức bằng vàng theo lệ vương thân (Lúc bấy giờ Vũ Tất Thận đã được ban họ tên là Trịnh Thiết nắm giữ quân dinh Trung Khuông, kiêm Tôn nhân phủ hữu tôn chính, Thự phụ sự, Tả đô đốc, thăng Đại tư đồ)”.
– Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[11]:
“Phong thêm thái ấp cho bầy tôi có công[12].
Trịnh Doanh nghĩ đến công lao bầy tôi giúp đỡ phò lập lên ngôi chúa, bèn phong thêm thái ấp cho họ, có người nhiều người ít khác nhau. Những người được phong là bọn Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Đình Hoàn, Giáp Nguyễn Khoa, Vũ Đình Trác, Trương Khuông, Trịnh Trụ, Đinh Văn Giai và Nguyễn Công Thái, gồm 10 người.”
2. Giúp Chúa Trịnh Doanh lập vua Lê Hiển Tông
Thời Lê trung hưng, nhà Lê chỉ là vị thế, hình thức, triều chính do các chúa Trịnh thực hiện. Việc lập vua, thậm chí lập hoàng hậu và thái tử đều có sự can thiệp của họ Trịnh. Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục có ghi lại việc Bính Quận công Vũ Tất Thận tham gia vào việc lập vua Lê Hiển Tông như sau[13]:
“Duy Diêu, râu rồng, mắt phượng, là con trưởng Thuần Tông và là cháu nhà vua [Ý Tông Duy Thận] . Duy Diêu lấy địa vị người con trưởng, đáng được lập làm vua từ trước. Nhưng vì chú ruột là Duy Mật dấy quân, nên Trịnh Giang truất đi, đã lâu vẫn bị giam cấm.
Trịnh Doanh mật sai người dời Duy Diêu đến ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận. Trước đây, Tất Thận chưa biết việc này. Một đêm, nằm mộng thấy một người “kẻ cả” đến nhà, cờ quạt âm nhạc, hệt như nghi trượng thái bình thiên tử. Sáng hôm sau, thấy Duy Diêu đến. Tất Thận bèn đem việc này nói với Doanh. Doanh muốn nhờ vào phúc đức Duy Diêu, mới cùng các đại thần bàn định tôn lập làm vua và xin nhà vua nhường ngôi cho Duy Diêu. Trong tờ chiếu nhường ngôi của Ý Tông có câu nói: “Nghĩ bọn ngoan ngu có quấy rối chốn biên cương, nên muốn cho kinh kỳ được yên, bốn biển được tĩnh; theo lẽ chính đáng nên suy tôn người đích trưởng, cốt là để kính trọng tông thống, thuận theo lòng dân”. Tờ chiếu ban ra, lòng người rất vui vẻ.”
3. Trực tiếp làm đại tướng cầm quân dẹp loạn khởi nghĩa nông dân và tham gia với Chúa Trịnh Doanh trong nhiều cuộc chinh chiến
– Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[14]:
“Nguyễn Tuyển đánh phá huyện Đường Yên[15], bọn Vũ Tất Thận chống cự lại, nhưng không thắng được.
Hai đại tướng Bính quận công Vũ Tất Thận và Trình quận công Hoàng Công Kỳ đem quân đến xã Yên Nhân, ngần ngại không dám tiến. Nguyễn Tuyển bèn đốt phủ đệ và từ đường Mi Thữ[16], rồi tung quân ra cướp phá ồ ạt, thành ra dân ở vùng này làng xóm bị tiêu điều, biến dần ra rừng rậm”.
“Tháng 10, mùa đông. Trịnh Doanh đem đại quân đánh giặc Ngân Già, bình định được.
….. Doanh sai các tướng là bọn Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận và Trương Khuông đốc suất quân các doanh ra đánh”.
– Sách Danh tướng Việt Nam, tập 3 của Nguyễn Khắc Thuần[17], còn mô tả chi tiết về một số trận chiến của cụ Vũ Tất Thận như sau:
– “Tháng 6 năm 1740, hai viên đại tướng của Trịnh Doanh là Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ được lệnh cầm quân tiến thẳng đến Đường An.
Vũ Tất Thận tức Bính Quận Công, vốn là một trong những người có công tôn Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Để trả ơn, tháng 1 năm 1740 (tức là ngay sau khi được lên ngôi chúa), Trịnh Doanh đã xếp Vũ Tất Thận vào hàng công thần, mũ và đai của Vũ Tất Thận được trang sức bằng vàng, tương tự như mũ và đai của các bậc thân vương.
Hoàng Công Kỳ tức Trình Quận Công, cũng là một trong những võ quan cao cấp của Trịnh Doanh. Cùng với Vũ Tất Thận, Hoàng Công Kỳ đem quân đến làng An Nhân. Làng này tục danh là làng Bần, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Tới nơi, vì thấy lực lượng của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ quá mạnh, Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ chần chừ không dám đánh. Đúng lúc đó thì Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cho quân ồ ạt tấn công. Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ chống đỡ không nổi, đành phải tháo chạy tán loạn. Nhân đó, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cho quân đốt trụi phủ đệ và từ đường Mi Thữ.”
“Tháng 11 năm 1740, đại binh của Trịnh Doanh đóng tại khu vực Vũ Điện, sau đó, chuyển sang đóng tại Hiến Doanh. Mục tiêu đầu tiên của Trịnh Doanh là khép kín vòng vây, tiêu diệt cho bằng được lực lượng của Vũ Đình Dung ở Ngân Già, lấy chiến thắng Ngân Già cổ vũ quân sĩ xông lên đánh thắng lực lượng Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ.
Đại quân của Trịnh Doanh do các tướng Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận và Trương Khuông làm tiên phong đã tấn công rất quyết liệt vào Ngân Già. Nghĩa quân Vũ Đình Dung tuy chiến đấu rất ngoan cường, nhưng không sao chống đỡ nổi. Trịnh Doanh chiếm được Ngân Già”.
– Sách Bình Tây thực lục, Quyển 1[18], ghi chép việc bình định, đem quân đi đánh giặc của Chúa Trịnh Doanh. Trong các bài khải mừng của các quan đại thần theo hầu, của các quan văn võ mừng thắng trận thì tên của Bính Quận công Vũ Tất Thận luôn đứng ở vị trí thứ 2 trong hàng bá quan văn võ, đại thần hồi đó.
4. Tham gia bảo vệ Kinh thành
– Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[19]:
“Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1724). (Thanh, năm Càn Long thứ 7). Tháng giêng, mùa xuân.
Hạ lệnh cho Chưởng phủ Vũ Tất Thận và tham tụng Nguyễn Quý Cảnh chia nhau quản lĩnh hương binh ở các huyện gần kinh kỳ. Vì chưa dẹp yên được bọn giặc cướp, các quân lính phải phân phối đi đánh phá càn quét, trong kinh vắng bóng binh lính. Các quan giữ chính quyền trong phủ xin tạm kén dân các huyện gần kinh kỳ, cứ 5 suất đinh kén lấy một người làm hương binh, tha dao dịch cho họ, duyệt tập theo như phép lính chính thức. Bèn hạ lệnh cho Tất Thận và Quý Cảnh chia nhau quản lãnh, phân phối hương binh đóng ở ngoài kinh thành, để phòng bị việc bắt trắc xảy ra.” . Như vậy, Ông giữ chức Chưởng phủ lúc mới 19 tuổi.
5. Được ban chức tước, phẩm hàm quan trọng
Với công lao đóng góp cho triều đình Ông đã được phong:
– Súy trung Dực vận[7] công thần, đồng Tham tụng Trung doanh khuôn quân doanh Đô đốc phủ, Chánh Đô đốc Thự phủ sự, kiêm Tôn nhân Phủ (là cơ quan nắm sự vụ của hoàng thất tôn tộc, coi việc sổ sách, xếp đặt tước lộc, giáo dục, mệnh lệnh; là cơ quan để đánh giá, xem xét năng lực của các con cháu trong tôn thất họ Trịnh ở các chi phái để đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ. Chức này bao giờ cũng dùng người thân tộc); hữu Tôn chính Đại tư đồ Bính trung công; Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đại Tư đồ Quốc lão Quận công đốc khánh;
– Khởi phục Quốc lão thần Bính Quận công, bao phong Trang nghi Thuần ý huân liệt đại vương; gia phong Duệ thông chính trực, Đốc khánh đại vương[8].
Vào năm Bính Thìn, Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736), Chúa Trịnh Giang đã ban cho Bính Quận công Vũ Tất Thận là Thử phụ sự[20] (lúc này cụ Vũ Tất Thận mới 31 tuổi).
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[21]:
“Tháng 7, mùa thu[22]. Trịnh Doanh gia phong cho cậu là Vũ Tất Thận làm Đại tư đồ, cho đổi họ tên là Trịnh Áo. Doanh nhận thấy Tất Thận, một người cậu ruột rất thân, nên ban cho họ và tên, để tỏ ra yêu quý khác thường. Sau lại sai quản lãnh chức Hữu tông chánh trong Tông Nhân Phủ, để xét duyệt con cháu công thần trong các chi phái họ Trịnh, xem người nào đáng dùng được thì xin lệnh chỉ của chúa Trịnh rồi phân biệt cất nhắc.”
“Tháng 6, mùa hạ[23]. Trịnh Doanh phong cho người ngoại thích là Vũ Tất Thận làm Đại tư đồ, Bính trung công; Nguyễn Mậu Du làm đại tư đồ, Luân trung công.”
6. Được Chúa Trịnh Doanh yêu quý, ban thơ khen tặng
Trong tập thơ “Càn nguyên ngự chế thi tập”[24], tập thơ Nôm gồm 268 bài thơ của Chúa Trịnh Doanh có một số bài thơ Chúa Trịnh Doanh ban tặng cho Bính Quận công Vũ Tất Thận thể hiện sự tin tưởng, yêu quý của Chúa đối với Ông:
Bài 1. Ban Bính Quận công
(Ban cho Bính Quận công)
Bài trong tập Khiển chúng tướng vu chinh (sai các tướng đi đánh trận)
“Nguyễn Vĩ ngu xuẩn gây hung bạo ở miền đông, có thói phóng túng chó cùng cắn trộm, mạo phạm xưng danh, là lũ rông càn, sói cùng độc ác, dám dấy binh xâm phạm, khiến cho dân tình kinh sợ náo loạn, vậy phải nên cất quân đánh dẹp ngay. Đặc biệt lệnh cho bậc thân huân, tạm rời cửa khuyết, phải gắng không phạm một mảy may của dân, thể hiện đức độ bao dung, cốt sao đáp lòng mong đợi của họ. Nay trong lòng tin tưởng dân sẽ vui theo, để dẹp tan bọn gian hùng, để giữ vững nền xã tắc. Bèn thuật bài quốc âm để tỏ chút ngưỡng vọng.
Nghĩ bề phế phủ thiết trong tình,
Vì việc bang gia mới khải hành,
Lao lai mựa khuy ra sức cả,
Vỗ ninh tua ghín dỗ dân lành.
Lương hàn chữ hãy rành rành nết,
Thị hiến phên còn soi soi danh.
Tư phúc vốn đành thiên hạ phụng,
Tua gìn cho xứng việc kinh doanh.”
Chú giải:
– Vỗ ninh: Vỗ về cho yên ổn
– Ghín: Cẩn thận (từ cổ)
– Lương hàn: tên một bài thơ trong Kinh thi
– Thị hiến: Chưa rõ nghĩa
– Tua: nên (từ cổ)
Bài thứ 2. Ban Tương Bính Quận công, Liêu Quận công
(Ban khen Bính Quận công, Liêu Quận công)
“Nghĩa nhiệm tinh vi chớ chớ từng.
Khen vì chữ tín khéo như rằng.
Càng tường càng tỏ niềm trung ái,
Đạo sự quân dàn vẹn đạo hằng.”
Chú giải:
– Nhiệm: Màu nhiệm
– Đạo hằng: Đạo thường
Bài thứ 3. Ban Bính Quận công chí sĩ
(Ban cho Bính Quận công về hưu)
Năm nghề vốn sẵn một dòng nhà,
Tướng chủng danh lừng đấng trảo nha.
Trấn góc thành vàng êm thỏ quật,
Ngự ngoài duềnh biếc lặng kình ba.
Khôn tam nghĩa vẹn bề tòng sự,
Tân tiếp lề noi nghĩa dưỡng già,
Vị quốc xiết bao công dực vận,
Lời ghi đái lệ tạc sơn hà.
Chú giải:
– Trảo nha: Nanh vuối, ỉ tướng tài;
– Thỏ quật: hang thỏ
– Kinh ba: Sóng kình. Cả 2 câu này chỉ sự yên ổn, không có giặc giã;
– Khôn tam:
– Công dực vận: Công phò tá, giúp đỡ
– Đái lệ: do câu “Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ” (Sông hoàng là như cái dải, núi Thái Sơn như hòn đá mài)
7. Đánh giá
(1) Bính Quận công Vũ Tất Thận là quan đại thần thời Lê Trung hưng không xuất thân từ con đường thi cử đỗ đạt nhưng là người thực sự có năng lực, trưởng thành từ người làm tướng nơi trận chiến, trực tiếp cầm quân và tham gia nhiều cuộc bình định của Chúa Trịnh Doanh. Do vậy mới được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng; được phong nhiều tước phẩm cao từ khi rất trẻ, thuộc hàng công thần và một trong số quan võ đứng đầu triều (chức Đại tư đồ, tước Quận công). Năm 1724 Ông đã là quan Chưởng phủ lúc 19 tuổi; năm 1736 Ông được phong chức Thử phụ sử lúc 31 tuổi. Theo Từ điển quan chức Việt Nam của Đỗ Văn Ninh thì “tháng 11/1664, triều đình đặt quan Chưởng phủ sự và Thử phủ sự của 5 phủ Đô Đốc. Dùng các trọng thần thân thuộc hay có công giữ chức ấy cùng với Tham tụng bên bàn chính sự”; chức này có hàm (trật) Chánh Nhất phẩm.
Nếu cho rằng ông là em bà Thái phi mới được như vậy thì không đúng vì em bà Thái phi không chỉ có một người. Ngoài ra còn có nhiều vương thân, công tử là chú bác, anh em của chúa Trịnh Cương và nhiều đời chúa khác nữa nhưng không phải ai cũng được ban các chức tước quan trọng như Ông.
(2) Việc thay chúa Trịnh Giang không còn đủ năng lực bằng chúa Trịnh Doanh tài giỏi hơn, năng lực hơn là ý chỉ của Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên nhưng Ông cũng là một trong những đại thần có công lao để thực hiện thành công ý chỉ đó, tránh được cảnh huynh đệ tương tàn, tranh giành triều chính, gây rối loạn đất nước thời đó.
(3) Tham mưu cho chúa Trịnh Doanh lập vua. Lê Duy Thận là đích trưởng tử của vua Lê Thuần Tông, lên ngôi tháng 5 năm 1740 là Lê Hiển Tông, làm vua được 47 năm, thọ 70 tuổi, là vị vua ở ngôi lâu nhất và là vua thọ nhất của nhà Hậu Lê. Đáng nhẽ, sau khi vua Lê Thuần Tông mất, Duy Thận sẽ được nối ngôi nhưng do Trịnh Giang thích Duy Diêu (con nuôi của Bà Thái phi) nên lấy cớ là Duy Diêu giống tiên đế nên đã lập Duy Diêu làm vua Lê Ý Tông, triều đình bất bình nhưng không ai dám ý kiến. Sau này khi Trịnh Doanh lên ngôi chúa, Duy Thận được lập trở lại làm vua Lê Hiển Tông. Tuy nhiên, việc lập vua Lê Hiển Tổng được coi là một sự kiện hy hữu trong lịch sử các triều đại phong kiến, được sử sách ghi chép lại khá nhiều, vì chỉ thông qua một giấc mơ của một quan đại thần là Bính Quận công Vũ Tất Thận, Trịnh Doanh đã bàn quần thần đề nghị vua tại vị là Lê Ý Tông thoái vị, nhường lại ngôi vua cho Lê Hiển Tông cho đúng với lẽ phải[*][*].
Nhiều sử sách có ghi chép lại giấc mơ của Bính Quận công Vũ Tất Thận dẫn đến việc lên ngôi của vua Lê Hiển Tông nhưng có thể đây không thuần túy chỉ là giấc mơ mà còn là thâm ý của Ông muốn sửa lại cái sai do Trịnh Giang gây lên, trả lại cương thường, đạo lý để yên lòng các quan và bàn dân trăm họ, nên Ông mới kể lại giấc mơ cho Trịnh Doanh và có ý tham mưu cho chúa Trịnh Doanh đưa Duy Thận (Lê Hiển Tông) lên ngôi.
Vua Lê Ý Tông là con nuôi của Bà Thái phi, Bà Thái phi là chị ruột của Ông. Như vậy, đối với Vua Lê Ý Tông ông và chúa Trịnh Doanh cũng là rất thân cận. Tuy nhiên, Ông vẫn tham mưu để lập vua mới cho chính đạo, thể hiện sự công tâm, chính trực của bầy tôi. Vì đề xuất đúng đắn, nên vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho vua Lê Hiển Tông cũng rất thuận. Nhiều sử sách còn ghi lại[25]: “Tờ chiếu ban ra, lòng người rất vui vẻ”.
(4) Nhiều sử sách chép lại việc ông trực tiếp làm đại tướng cầm quân, có khi tham gia cùng với chúa Trịnh Doanh trong nhiều lần bình định giặc loạn. Tuy nhiên, lần thất bại của Ông trong trận chiến với quân khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ dẫn tới việc quân khởi nghĩa đã kéo tới đốt trụi phủ đệ, từ đường quê hương của Ông; rồi tung quân ra cướp phá ồ ạt, thành ra dân ở My Thử, Đường An làng xóm bị tan hoang, tiêu điều, biến dần ra rừng rậm.
(5) Cả chúa Trịnh Giang và chúa Trịnh Doanh đều tin tưởng, yêu quý Ông, phong chức tước quan trọng khi Ông còn rất trẻ. Ngoài ra, Ông là một trong số rất ít quan đại thần được chúa Trịnh Doanh có nhiều thơ ban tặng khi cử đi đánh trận, khi thắng trận lập được công và khi về nghỉ hưu. Điều này thể hiện tình cảm mến yêu của chúa Trịnh Doanh không phải chỉ đối với bậc vương thân mà đối với bậc quan đại thần có nhiều công lao, đóng góp.
(6) Sau này, đến đời nhà Nguyễn, vào ngày 25 tháng 7 năm 1924, Vua Khải Định đã có sắc phong[26] cho Bính Quận công Vũ Tất Thận là là “Đoan túc dực bảo Trung hưng tôn Thần”, nghĩa là “Vị Thần tôn quý, ngay thẳng, cung kính có công giúp đỡ bao vệ thời Trung Hưng”, ghi nhận công lao đóng góp của Bính Quận công Vũ Tất Thận cho triều đại phong kiến Việt Nam./.
Trịnh Vũ Anh Xuân
Tháng 8/2023
[1] Trịnh Như Tấu (1933), Trịnh gia chính phả, là quyển gia phả của chúa Trịnh, chép hết công việc của 12 đời chúa, từ lúc thịnh đến lúc suy.
[2] Trịnh Đình Mai (1914), Sách gia phả dòng họ Vũ thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (bản dịch từ chữ Hán);
[3] Theo Trịnh Như Tấu (1933)
[4] Theo Trịnh Đình Mai (1914)
[5] http://bachuame.com
[6] Trịnh Đình Mai (1914), Sách gia phả họ Vũ
[7] Quan chế triều Lê có 24 bậc để đặc ân vinh phong cho bầy tôi có công “Suy trung”, và “dực vận” là hai bậc đứng đầu trong 24 bậc (theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, trang 832)
[8] Sắc phong của Vua Khải Định hiện đang lưu giữ tại Nhà thờ họ Vũ thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng
[9] Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 831, 833
[10] Sách Đại việt sử ký toàn thư, Tập 1, Bản kỷ tục biên (1676-1740), trang 243, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1932
[11] Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 897
[12] Năm Tân Tỵ (1761)
[13] Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 838, 839
[14] Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 841, 842
[15] Huyện Đường Yên nay là huyện Bình Giang
[16] Phủ đệ từ đường Mi Thữ là quê hương của Bà Chúa Me và cụ Vũ Tất Thận
[17] Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam, Tập 3, NXB Giáo dục Việt Nam
[18] Bình Tây thực lục, Quyển 1, Viên Nghiên cứu Hàn Nôm, Đinh Khắc Thuân (chủ biên) (2012), trong tập Thơ văn Phủ chúa Trịnh, NXB Văn hóa thông tin;
[19] Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 853, 854;
[20] Đại việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên 1676 – 1740), trang 225.
[21] Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 869
[22] Năm 1745
[23] Năm Mậu Dần (1758)
[24] Nguyễn Tá Nhí (chủ biên) (2008), Tổng tập văn học Nôm Việt Nam”, NXB Khoa học Xã hội.
[25] Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển XXXVIII, trang 839
[26] Theo Tài liệu Hán Nôm Đền bà chúa Me, https://bachuame.com/tai-lieu-han-nom-di-tich-den-ba-chua-me
[*] Ông vua lên ngôi nhờ giấc mộng của người khác
[*] Chuyện lên ngôi kỳ lạ bậc nhất lịch sử