TÀI LIỆU HÁN NÔM DI TÍCH ĐỀN BÀ CHÚA ME

XÃ VĨNH HỒNG – HUYỆN BÌNH GIANG – TỈNH HẢI DƯƠNG

————o0o————-

* GIAN HẬU CUNG:

I/ Hoành Phi:

– Phiên âm: Ý công hậu đức

– Dịch nghĩa: Công đức cao dầy

– Đặc điểm: Kích thước: (262 x 81)cm; gỗ mới, sơn màu vàng – đỏ. Nền vàng nan thúng, chữ đen nổi; xen kẽ giữa các chữ chạm vân xoắn nổi cách điệu. Khung tròn nổi, chạm cành hoa thị xen kẽ ô hoa thị cách điệu. Bốn góc chạm lá cúc xen kẽ ô hoa thị cách điệu.

II/ CÂU ĐỐI:

1.  

 

– Phiên âm: Xã bản canh nông, sở cầu tứ nông hoạch cát;

                            Dân năng hành thiện, khả nguyện vạn thiện đồng quy.

– Dịch nghĩa:

             Bản xã vốn làm nghề nông, mong cho bốn nghiệp canh nông đều tốt

             Dân hay làm việc thiện, cầu xin muôn điều thiện cùng về.

– Đặc điểm: Kích thước: (230 x 45)cm, gỗ mới, kiểu lòng máng, sơn màu vàng – đỏ. Nền vàng chạm nan thúng, chữ đen nổi, xen kẽ giữa các chữ chạm vân xoắn nổi cách điệu; diềm xung quanh chạm cành tùng, trúc, cúc, mai xen kẽ ô hoa thị, ô nan thúng cách điệu. Hai đầu trên lưỡng hổ phù ngậm chữ Thọ tròn cách điệu, hai đầu dưới chạm mâm hoa quả cách điệu.

2.

 

– Phiên âm: Thiên cổ lưu phương, tiết liệt hữu quang danh quốc sử

                             Nhất niên chưởng chính, quốc đô an ổn thế xưng kỳ.

– Dịch nghĩa:  Nghìn năm lưu truyền tiếng thơm, gương sáng tiết liệt tên còn ghi trong sử sách

          Một thời nắm giữ quyền hành, giữ yên được kinh đô, người đời khen thật kỳ tài.

– Đặc điểm: Kích thước: (301 x 45)cm, gỗ mới, kiểu lòng máng, sơn màu vàng –đỏ. Nền vàng nan thúng, chữ đen nổi, xen kẽ giữa các chữ Hán chạm vân xoắn nổi cách điệu; diềm xung quanh chạm dây vân xoắn xen kẽ ô hoa thị cách điệu. Hai đầu trên chạm lưỡng dơi ngậm chữ Thọ cách điệu, hai đầu dưới chạm mâm hoa quả cách điệu.

III/ BÀI VỊ:

1.    

– Phiên âm: Quốc Thánh mẫu song thân Vũ Quận Công cập phu nhân chi linh vị.

– Dịch nghĩa: Linh vị của song thân (cha mẹ) Quốc Thánh Mẫu là Vũ Quận Công cùng phu nhân.

– Đặc điểm: Kích thước: Bài vị cao 53cm, gỗ mới, sơn màu vàng – đỏ. Nền vàng trơn, chữ vàng, lòng khắc dòng chữ Hán dọc ở giữa, diềm xung chạm dây triện vuông cách điệu. Gương tròn nổi, chạm đầu hổ phù đao hỏa cách điệu, cổ nối với thân bài vị chạm vân xoắn nổi cách điệu. Diềm ngoài xung quanh thân bài vị chạm lưỡng long đao hỏa cách điệu. Bài vị dựng trên đế hình hộp chữ nhật (đế cao 15cm; mặt đế trên dài 21cm, rộng 12,5cm; mặt đế dưới dài 23cm, rộng 15cm ) thắt giữa giật cấp, mặt trên chạm mã hóa long cách điệu, mặt dưới chạm đầu hổ phù đao hỏa cách điệu.

2.  

– Phiên âm: Quốc Thánh mẫu thân muội quy y Pháp tạng thụ Bồ Tát giới chi linh vị

– Dịch nghĩa: Linh vị của em gái bà Quốc Thánh Mẫu là quy y Pháp tạng thụ Bồ Tát.

– Đặc điểm, kích thước: Giống bài vị trên.

* GIAN TIỀN TẾ:

1. Cuốn thư:       

(丁 酉 年 秋)

– Phiên âm: Tán văn

                            Hải Dương My Thự,

                            Vũ tộc thế gia.

                            Đĩnh sinh hiền nữ,

                            Trịnh phủ chính tòa.

                            Quốc xưng Thánh Mẫu,

                            Gia viết Thái Bà.

                           Quốc gia thịnh trị,

                           Bách tính âu ca.

                           (Đinh Dậu niên thu)

          – Tạm dịch: Bài tán văn rằng:

                    Làng My Thự tỉnh Hải Dương,

                    Có dòng họ Vũ thế gia

                  Sinh ra người con gái hiền thục,

                  Được vào làm Chính phi ở phủ chúa Trịnh.

                  Trong nước gọi bà là Quốc Thánh mẫu,

                  Ở nhà tôn kính gọi bà là Thái phi.

                  Góp công xây dựng đất nước thịnh trị,

                  Trăm họ cùng nhau cất vang tiếng ca ngợi.

                                                    Mùa Thu năm Đinh Dậu (2017).

          – Đặc điểm: Kích thước: (233 x 107)cm, gỗ mới sơn màu vàng – đỏ. Nền đỏ trơn, chạm 10 hàng chữ Hán dọc, diềm xung quanh chạm dây triện vuông cách điệu; hai bên thư cuốn đốc kiếm, chạm hoa thị cùng nửa chữ Thọ tròn cách điệu. Diềm trên ngoài cùng chạm thủng lưỡng long chầu mặt nguyệt đao hỏa cách điệu, diềm dưới chạm lưỡng quy chầu bông hoa cúc cách điệu, diềm hai bên chạm ly, phượng cách điệu.

          II/ BÀI VỊ:

1. 元 帥 統 國 政 威 南 王 鄭 杠 長 男 之 尊 位

– Phiên âm: Nguyên Soái thống Quốc chính uy Nam Vương Trịnh Giang (trưởng nam) chi tôn vị.

– Dịch nghĩa: Bài vị của (con trai bà là trưởng nam) Nguyên Soái thống Quốc chính uy Nam Vương Trịnh Giang.

– Đặc điểm: Kích thước: Bài vị cao 53cm, gỗ mới, sơn màu vàng – đỏ. Nền vàng trơn, chữ vàng, lòng khắc dòng chữ Hán dọc ở giữa, diềm xung chạm dây triện vuông cách điệu. Gương tròn nổi, chạm đầu hổ phù đao hỏa cách điệu, cổ nối với thân bài vị chạm vân xoắn nổi cách điệu. Diềm ngoài xung quanh thân bài vị chạm lưỡng long đao hỏa cách điệu. Bài vị dựng trên đế hình hộp chữ nhật (đế cao 15cm; mặt đế trên dài 21cm, rộng 12,5cm; mặt đế dưới dài 23cm, rộng 15cm ) thắt giữa giật cấp, mặt trên chạm mã hóa long cách điệu, mặt dưới chạm đầu hổ phù đao hỏa cách điệu.

2. 元 帥 總 國 政 明 都 王 鄭 楹 次 男 之 尊 位

– Phiên âm: Nguyên Soái tổng quốc chính minh đô Vương Trịnh Doanh (thứ nam) chi tôn vị.

– Dịch nghĩa: Bài vị của (con trai thứ của bà) Nguyễn Soái tổng quốc chính minh đô Vương Trịnh Doanh

– Đặc điểm, kích thước: Giống bài vị trên.

3.

– Phiên âm: Án Đô Vương Trịnh Bồng trưởng tôn chi linh vị.

 – Dịch nghĩa: Linh vị của (cháu trưởng của bà) Án Đô Vương Trịnh Bồng.

– Đặc điểm, kích thước: Giống bài vị trên.

          4.  

– Phiên âm: Nguyên Soái tổng quốc chính tĩnh đô vương Trịnh Sâm (đích tôn) chi tôn vị.

– Dịch nghĩa: Bài vị của (cháu của bà) Nguyễn Soái tổng quốc chính tĩnh đô vương Trịnh Sâm

– Đặc điểm, kích thước: Giống bài vị trên.

          5.  

– Phiên âm: Điện đô vương Trịnh Cán (tằng tôn) chi linh vị.

– Dịch nghĩa: Linh vị của (chắt của bà) Điện đô vương Trịnh Cán

– Đặc điểm: Kích thước: Giống bài vị trên.

6.  端 南 王 鄭 楷 曾 尊 之 靈 位

– Phiên âm: Đoan Nam Vương Trịnh Khải (tằng tôn) chi linh vị.

– Dịch nghĩa: Linh vị của (chắt của bà) Đoan Nam Vương Trịnh Khải

– Đặc điểm, kích thước: Giống bài vị trên.

III/ ĐẠI TỰ:

1.              

– Phiên âm: Quốc Thánh Mẫu từ.

– Dịch nghĩa: Đền thờ bà Quốc Thánh Mẫu.

– Đặc điểm: Kích thước: (262 x 81)cm, gỗ mới, sơn màu vàng – đỏ. Nền vàng nan thúng, chữ đen nổi, xen kẽ giữa các chữ Hán chạm vân xoắn nổi cách điệu. Khung tròn nổi, xung quanh chạm dây hoa thị, hoa cúc xen kẽ ô hoa thị cách điệu. Bốn góc chạm lá cúc xen kẽ ô nan thúng cách điệu.

2.             

– Phiên âm: Hộ quốc công Thần.

– Dịch nghĩa: Vị Thần có công bảo vệ đất nước.

– Đặc điểm, kích thước: Giống câu trên.

3.             

– Phiên âm: Hộ quốc tí dân.

– Dịch nghĩa: Bảo vệ nước, che chở cho dân.

– Đặc điểm, kích thước: Giống câu trên.

IV/ CÂU ĐỐI:

1.  

 

– Phiên âm: Đặc địa ngật sùng từ, thiên thu hưởng tự;

                            Kinh thiên tiêu để trụ, bách thế tôn vinh.

        – Dịch nghĩa: Đất quý xây dựng đền thiêng, nghìn năm hưởng thờ tự;

                              Cột cột nhỏ mà chọc trời, trăm đời được tôn vinh.

– Đặc điểm: Kích thước: (301 x 45)cm, gỗ mới, kiểu lòng máng, sơn màu vàng –đỏ. Nền vàng chạm nan thúng, chữ đen nổi, xen kẽ giữa các chữ chạm vân xoắn nổi cách điệu; diềm xung quanh chạm cành tùng, trúc, cúc, mai xen kẽ ô hoa thị, ô nan thúng cách điệu. Hai đầu trên lưỡng dơi ngậm chữ Thọ tròn cách điệu, hai đầu dưới chạm mâm hoa quả cách điệu.

2.  

 

– Phiên âm: Biệt chiếm động thiên, thanh thảo bạch vân tằng kỷ độ

                             Trường lưu thốn địa thanh phong minh nguyệt cộng thiên thu.

– Dịch nghĩa: Riêng một góc trời, cỏ xanh mây trắng đã trải qua mấy độ;

                              Lưu lại tấc đất, gió mát trăng thanh còn mãi với ngàn thu.

 – Đặc điểm: Kích thước: (230 x 45)cm, giống câu trên.

3.  

 

– Phiên âm:

Thiên thiết Hải Dương vượng khí huân thành kim Thánh Mẫu;

          Địa chung My Thự tinh anh hội tụy tiểu càn khôn.

– Dịch nghĩa:

Trời sắp đặt tại Hải Dương, nay vượng khí hun đúc nên bậc Thánh Mẫu;

Đất thiêng làng My Thự, nhiều tinh anh hội tụ lập thành vùng đất trời riêng.

– Đặc điểm: Kích thước (301 x 45)cm: Giống câu trên.

4.   

 

– Phiên âm: Bích thụ thập hàng, hưởng tống phong cầm ca thánh trạch

                           Xuân giang nhất sắc, ba trừng thủy tĩnh biểu dân phong.

          – Dịch nghĩa:

 Cây xanh mọc đủ mười hàng, âm động gió rung ngợi ca ơn thánh;

           Sông xuân một màu êm ả, sông yên nước lặng thể hiện dân thuần phong.

– Đặc điểm: Kích thước: Giống câu trên.

          V/ THƯỢNG LƯƠNG:

越南次丁酉年六月閏十五日黄道時竪柱上樑大吉

– Phiên âm: Việt Nam tuế thứ Đinh Dậu niên lục nguyệt Nhuận thập ngũ nhật hoàng đạo thời thụ trụ thượng lương đại cát.

– Dịch nghĩa: Việt Nam, giờ đẹp ngày 15 tháng 6 Nhuận năm Đinh Dậu (2017) dựng cột, đặt nóc rất tốt đẹp.

VI/ SẮC PHONG:

– Phiên âm: Sắc Hải Dương tỉnh, Năng An huyện, Phục Lễ xã phụng sự: “ Tiền Lê đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân đại tư đồ quốc lão quận công đốc khánh Vũ Công Bính tôn Thần”, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trứ gia tặng: “Đoan túc dực bảo Trung hưng tôn Thần”. Đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

                   Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

          – Dịch nghĩa: Sắc cho xã Phục Lễ, huyện Năng An, tỉnh Hải Dương  phụng thờ : “Vị Thần tôn kính làTiền Lê đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân đại tư đồ quốc lão quận công đốc khánh Vũ Công Bính”, có công giúp nước, che chở cho dân, tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Nay đúng dịp lễ lớn chúc mừng Trẫm tròn 40 tuổi, Trẫm ban bảo chiếu ân lớn, lễ long trọng có phong tước vị. Nổi tiếng được tặng thêm: “Vị Thần tôn quý, ngay thẳng, cung kính có công giúp đỡ bao vệ thời Trung Hưng”. Đặc biệt cho phép phụng thờ để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ tự. Kính cẩn thay!

                                         Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

– Đặc điểm: Kích thước (135 x 52) cm, có dấu son đỏ, nền màu mơ vàng thẫm, giấy long vân thẫm nhũ vàng, diềm xung quanh hoa văn bát giác hoa thị. Rách nhỏ đầu phải sắc.

VII/ CỔNG TAM QUAN:

1. ĐẠI TỰ: (bằng xi măng).

– Phiên âm: Quốc Thánh Mẫu từ.

– Dịch nghĩa: Đền thờ bà Quốc Thánh Mẫu.

2. CÂU ĐỐI: (bằng xi măng).

a.       鄭譜榮名人傑地靈萬古太平歌大德

黎朝出世郿江顯蹟千家昌盛頌神庥

– Phiên âm:

Trịnh phả vinh danh nhân kiệt địa linh, vạn cổ thái bình ca đại đức

Lê triều xuất thế My giang hiển tích thiên gia xương thịnh, tụng Thần hưu.

– Dịch nghĩa:

Trịnh phả được vinh danh là nơi đất thiêng, người tài, muôn thủa thái bình ngợi ca đức lớn

Xuất thế từ triều Lê với hiển tích ở sông My (Me) nghìn nhà được thịnh vượng, công ơn của Thần luôn ghi nhớ.

b.     天柱地維今古 綱常皆有主

   禮門義千秋崇奉的之

– Phiên âm: Thiên trụ địa duy, cổ kim cương thường giai hữu chủ

                   Lễ môn nghĩa hộ, thiên thu sùng phụng đích chi hương.

– Dịch nghĩa: Trụ cột của trời đất, xưa nay cương thường đều có chủ

                     Cửa nhà có lễ nghĩa, ngàn năm thờ phụng tại làng này.

VIII/ 

1. Bia số 1: (04 mặt)

生 祠 碑 記

(Sinh từ bi ký – Trưởng công chúa bi ký)

– Niên hiệu: Ngày đẹp mùa Thu năm Hoàng triều Vĩnh Trị thứ 4 (1679).

– Đặc điểm: Kích thước: (180 x 60 x 61)cm, khoảng 3000 chữ. Bia hình trụ tứ diện, đỉnh chóp, mái vòm, mỗi mái khắc hình một con vật trong bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng); trán bia chạm lưỡng long chầu mặt nguyệt cách điệu; tên bia được đặt trong ô tròn khuyết góc cách điệu; diềm xung quanh có khắc chữ Hán. Bia được đặt trong nhà bia.

– Tạm dịch nghĩa:

+ Mặt 1: 生祠碑記

 (Sinh từ bi ký)

Lập đền thờ khi còn sống.

Có bài minh rằng:

My Thự, Đường An

Phong thủy nơi ấy

Rồng ôm chọn núi

Hổ quấn quanh gò

Địa thế hun đúc

Nữ quý nhân che chở

Thái tần sinh ra

???

Yểu điệu xinh đẹp

Miệng nói như cười

Tay ấy múa đẹp

Ngày xuân trải khắp

???

Hoa sen nơi đó

Thấp bị bạo ngược

Làm bạn cây dương

???

Như vàng được cất trong phòng

Hai bảy tuổi trang điểm vào thành

Đến hầu hạ nơi cửu trùng[1]

Lễ phép, nâng khăn cẩn thận

Thơ tiếp khuông cử

Hai nước chín trời

Bạc tính muôn vạn

Châu ngọc thật nhiều

Quần áo chỉnh tề

Dự phong tiên nhân

???

Yêu thương tiếp nối

?

Trưởng là tiên muội

Buổi sớm trời trong

Cung kính đền My

Thong dong tằm nhả

??

Chúa xưng nữ thứ

Nhà ở làng Me

Người thân tâm kính

Quy ước trăm năm

Uy nghi vang muôn dặm

Anh em cùng hưởng tiếng thơm

Điều phúc không thừa

Bảy ? có dư

Trăm kỳ còn chờ đợi

Phòng đẹp nhớ nhà

Ngân tiên ban chữ

Đệ nhất cung tần

Chiêu Nghi thượng tự

Mọi người cung kính

Người đến đã rõ

Năm trăm tiền bạc

Chia đều bốn thôn

Ơn ghi từ đó

Dân mãi không quên

???

???

Báo đáp phụng thờ

Lễ nghi đúng mực

Bốn mùa các tiết

???

Trăm đời vạn năm

Hương hoa dân dã

???

Hương bay khắp chốn

Cung kính lập miếu đền

Không chuyển xà chuông

Quần chúng đồng lòng

Ba vật ??

Muôn đời nương tựa

Nhất không ??

Quy ước lớn lập thành

???

Sáng tỏ chiếu khắp

Vững bền như đá

Ngày nay mãi lưu truyền.

Ngày đẹp mùa Thu năm Hoàng triều Vĩnh Trị thứ 4 (1679).

Khoa Nhâm Thìn (1652), đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi (1659), Đông các đệ nhị danh đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tham tòng công bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Quận công, Hồ Sỹ Dương quê ở Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An phụng soạn.

Xã An Lạc, huyện Thanh Lâm thị nội Chiêu Dương Nam viết.

Xã Kính Chủ, huyện Hiệp Sơn khắc bia đá.

Xã My Thự, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng: Quan viên, phó cai, đội trực vệ sự hiền ? Vũ Văn Hiển; hương lão Vũ Thế Lộc, Hoàng Văn Đặc; tri tụng Lê Tuấn Khang, Vũ Hữu ?, Hoàng Hữu Trí, Nguyễn Viết Phú, Vũ Văn Đạo, Vũ Thế Lễ, Hoàng Nhân Thị, Vũ Gia Trâm, Vũ Văn Uy, Vũ Vi Triều, Nguyễn Như Nghiêu, Nguyễn Tiến Thu, Vũ Đình Đại, Nguyễn Hữu Đạo, Lê Kim Doanh, Nguyễn Văn Tích cùng các bậc trên dưới trong toàn xã.

Đệ nhất cung tần Đức Chiêu Nghi, hiệu là Huệ Trưởng Kiên Cố Bồ Tát thả từ khoái lạc thượng đã xuất gia phí cổ tiền 400 quan; bạc 100 lạng. Hứa cùng các bậc trên dưới trong thôn, xã phân chia rồi lưu truyền cho con cháu muôn đời thờ tự. Ngày sau, bản quan thiết lập miếu đường vang vọng đến trăm đời vạn năm. Về sau, bốn mùa các tiết, các thôn trong bản xã cùng nhau tế tự phụng thờ. Các tiết phụng thờ được liệt kê ở phía sau để lưu truyền mãi mãi.

+ Mặt 2      

Liệt kê:

– Nhất, xin cho bản quan ngày sau của cải, đất đai. Lại mua sắt, gỗ, đá cùng các vật dụng khác để làm miếu đường. Bản xã cùng nhận đóng góp sức lực.

– Nhất, xin cho ngày sau. Hàng năm, cứ vào ngày giỗ; theo lệ, bản xã sắm lễ gồm thịt 04 phần, xôi 04 bàn, rượu 04 hũ, kim ngân 04 bàn tề tựu tại miếu đường tế lễ theo nghi thức.

– Nhất, xin cho ngày sau. Hàng năm, cứ vào ngày cuối năm, theo lệ, bản xã sắm đồ lễ gồm lợn 04 phần, xôi 04 bàn, rượu 04 hũ, kim ngân 04 bàn tề tựu tại miếu đường làm lễ phụng thờ.

– Nhất, xin cho ngày sau. Hàng năm, có bốn quý, mỗi quý bản xã sắm lễ gồm lợn 01 phần, xôi 01 bàn, rượu 01 hũ, kim ngân 01 bàn cùng nhau tề tựu tại miếu đường mà cung kính phụng thờ.

– Nhất, ban cho ngày sau. Hàng năm, cứ vào tháng 2; bản xã cùng nhau ca hát chúc mừng tại miếu đường. Rồi cung kính dâng lễ gồm thịt lợn 04 phần. Lại 01 đầu lợn, xôi ???

Ngày 15 tháng 6 năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679), xã chánh Vũ Hoàn ký.

Thôn Bình Tê: Vũ Kính ký, Vũ Tính ký, Vũ Như Chiếu ký, Vũ Thế Mão ký, Vũ Đình Điển ký, Vũ Như Ngại ký, Nguyễn Lương Trọng ký, Vũ Thế Nghiệp ký, Vũ Như Kiến ký, Vũ Văn Tạo ký, Vũ Đắc Trọng ký, Vũ Văn Thiết ký, Vũ Đắc Bại ký, Vũ Hữu Hòa ký.

Thôn Phụng Viện: Vũ Nhâm Tịch ký, Vũ ? Xương ký, Phạm Văn Tu ký, Hoàng Tiến Đăng ký, Vũ Tuấn Ngạn ký, Vũ Tuấn Dật ký, Vũ Đức ? ký, Hoàng Đức Lâm ký, Hoàng Thành ký, Lê Văn ? ký, Phạm Văn Lan ký, Trần Hữu Đức ký, Vũ Khắc ? ký, Trần Văn Lễ ký, Nguyễn Văn ? ký, Vũ Đức Tăng ký, Vũ Đức Cấp ký, Vũ Ân ký, Vũ Đức Liêu ký, Vũ Tiến Tùy ký, Vũ ? ký, Vũ Chủng ký, Vũ Tài ký, Vũ Đức Khoa ký, Vũ Đức Minh ký.

Thôn Trung: Vũ Văn Đạt ký, Đỗ Nhân Tích ký, Vũ Như Lệ ký, Nguyễn Thế Khoát ký, Vũ Đô ký, Vũ Thế Nho Ký, Vũ Tri Dụ ký, Nguyễn Hoàng Đồng ký, Vũ Duy ký, Vũ Tri Bùi ký, Vũ Văn Bào ký, Vũ Văn Lộng ký, Lê Thế Khoa ký, Lê Kim Lâu ký, Lê Kim Trực ký, Vũ Tri Thắng ký, Lê Kim Khu ký, Đỗ Nhân Liêu ký, Vũ Đăng Hữu ký, Vũ Như Lý ký, Vũ Tiến Lộc ký, Vũ Văn Huyên ký, Lê Hữu Quyền ký, Vũ Nhân Huấn ký, Vũ Đắc Vinh ký.

Thôn Phục Lễ: Nguyễn Đắc Tài ký, Nguyễn Văn Tiên ký, Lê Đình Khiển ký, Nguyễn Văn Tam ký, Vũ Đình khoát ký, Trần Công Bá ký, Nguyễn Văn Đăng ký, Nguyễn Văn Thi ký, Nguyễn Văn Khoa ký, Trần Phú ký, Hoàng Văn Tín ký, Vũ Tiến Nam ký, Nguyễn Văn Lâm ký, Vũ Tiến Trọng ký, Vũ Văn Bá ký, Nguyễn Văn Khởi ký, Vũ Văn Tĩnh ký, Vũ Công Sức ký, Vũ Văn Đôi ký, Vũ Văn ? ký, Vũ Văn Nghìn ký, Vũ Văn Cường ký, Vũ Văn Ngoạn ký, Vũ Văn Cựu ký.

Xã My Thự, xã chánh Vũ Đăng Tuyển; xã lại Vũ Tài Năng; xã dục Nguyễn Văn Công và các bậc trên dưới trong toàn xã cùng ký.

Nhất, vào ngày giỗ chạp. Theo lệ, làm món ăn chín 40 bàn cùng kim ngân, rượu, trầu cau. Đến đây, lại làm thịt 08 phần, xôi 08 bàn, bánh vuông 08 bàn, rượu 08 hũ, kim ngân 8000 thỏi, trầu cau phân chia làm hai kỳ giỗ chạp. Cúng tế, thờ tự, cung kính làm theo nghi thức như đã khắc trong bia.

Ngày đẹp, tháng 12 năm Nhâm Thìn – Hoàng triều Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), các bậc trên dưới trong toàn xã cùng ký.

+ Mặt 3:     

(Trưởng công chúa bi ký)

Bia ghi về Trưởng công chúa.

Bia ghi về việc sau này thêm vào để phụng thờ.

Thường nói rằng: “ Có đức tất được báo đáp vậy! Nay dân nhớ đến cái tình mà không thể phối hưởng thờ tự. Cũng là để lại đức cho con vậy. Kính cẩn thay!

Được phong: “Thục thái, gia hạnh, trinh tiết, thuần đức, phương dung, uyên mục, hòa huệ, tề ý, an lạc, thuần thục, từ mỹ, đoan trang, cung chính, khang quốc, bảo dân” – (Là người xinh đẹp, hiền thục; đức hạnh, tốt đẹp; trinh tiết, thành thực, khoan  dung, đức hạnh, sâu rộng, hòa thuận, hòa nhã, nhân ái, chỉnh tề, yên vui, thuần thục, hiền từ, đoan trang, cung kính, giữ yên nước, bảo vệ dân),  tặng: “kim hoa, từ tiết, kính thận trưởng công chúa đại vương”. Lấy bậc thiên hoàng là chính phái, được khuôn phép làm đầu. Dáng vẻ yểu điệu như đóa phù dung, trong như nước, sáng như trăng. Ơn đức thấm nhuần bao trùm rộng khắp, nhan sắc đẹp như tiên nga. Vời vợi mà hun đúc sự linh thiêng, thần diệu. Nay có bạc 20 dật (thoi bạc), cấp cho xã My Thự, huyện Đường An, phân chia đều cho ba thôn làm của cải để chi dùng các việc trong làng. Về sau, già trẻ, lớn bé của ba thôn trong toàn xã đều hân hoan, vui vẻ mà bảo rằng: “ Thơ dùng để ca ngợi, báo đáp. Còn lễ đã được nói rõ trong ngũ kinh, đó chính là lời dạy giỗ của các bậc Thánh nhân”. Thường nói: “Một thi hành, một báo đáp cũng chính là lễ vậy!”

Huống hồ! Trưởng công chúa linh thiêng hiển hách, bảo vệ nước, giữ yên dân, ngăn hoạn nạn ???, được lập đền thờ để tế lễ phụng thờ. ???, phù giúp, cầu tất ứng, việc gì cũng được vậy!, đời sống của con người yên ổn, vật chất đầy đủ, muôn năm được hưởng đức. Ba thôn của ta chẳng há được sáng thịnh sao. Cúi xin, biết được việc tế tự, mong cầu Thần minh ở đây, hãy dùng lập thành đại ước. Hàng năm, vào ngày 02 tháng 5 cung kính hành lễ, ngày giỗ 12 tháng 12 cung kính hành lễ, lễ nhập tịch vào tháng chạp để cầu phúc, cùng nhau chuẩn bị mũ áo chính tề tiến thẳng vào trong đình cung kính hát xướng ca và bày bàn lễ phụng thờ như theo nghi thức mà hành lễ. Về sau, các năm cứ theo đó mà làm, rồi cho khắc lại thật rõ ràng để đời sau cứ thế mà theo. Hoặc một điều nói không, nói không phải thì ở sự lưu truyền việc thờ cúng sẽ sinh ra ngờ vực. Nay, người mẹ Chiêu Nghi là người hiền đức, được người đời sau mãi ghi nhớ phụng thờ. Cho nên, lập bia ghi lại, các chư vị cùng ký để lưu truyền đến muôn đời sau được biết.

Ngày đẹp, tháng 7 năm Hoàng triều Vĩnh Trị thứ 4 (1679), Vũ Thầm ký.

Nữ vương quận chúa Trịnh Thị Ngọc Giang thừa mệnh ủy thác là con rể chức cai đội Tham Đốc Thần vũ tứ vệ quân vụ. Hiển nghĩa hầu là Đinh Văn Vĩ. Phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Hữu cùng đốc thúc làm việc này .

Thôn Bình Tề: Vũ Hữu Tăng, Vũ Thế Lộc, Vũ Vi, Vũ Thế Lễ, Vũ Kính, Vũ Đình Đại, Vũ Như Chiếu, Vũ Thế Mão, Vũ Điểm, Vũ Như Ngại,

Thôn Phụng Viện: Hoàng Văn Thời, Vũ Nhâm Tịch, Vũ Cấp, Hoàng Thành, Phạm Văn Tu, Phạm Tiến Đăng, Vũ Tuấn Liêu, Hoàng Tiến Nhiêu, Phạm Hữu Đức.

Thôn Trung: Vũ Tri Tụng, Nguyễn Viết Phú, Vũ Gia Trâm, Nguyễn Như Nhiêu, Lê Kim Thông, Vũ Văn Đạt, Vũ Đắc Thành, Đỗ Nhân Tích, Vũ Như Lệ, Vũ Văn Đô, Vũ Thế Nghi, Lê Kim Phác, Vũ Như Bùi, Nguyễn Hoàng Đồng, Vũ Quyền, Vũ Văn Toán, Vũ Văn Bào, Vũ Như Lý, Vũ ? Huấn. Các bậc trên dưới ba thôn cùng ký.

– Trán bia : Các tiết tại đền thờ đều có tế văn. Bản xã cũng tùy theo mà dâng biểu hoặc ngày sau, tại từ đường, bản tộc, quan lý cũng làm theo quy ước của bản xã mà cung kính ???. Ruộng tại đền thờ một mẫu ??? hai mẫu ???.

– Diềm bên phải bia: Bản xã ứng theo mà làm lợn một con, xôi một bàn, rượu một hũ, kim ngân một nghìn, trầu cau một hộp, giá sử tiền bốn quan. Trên dưới đều dâng biểu cúng tế. Tộc quan mỗi tiết lợn một con, xôi một bàn, tổ chức ca hát một ngày. ??? bản xã ứng theo làm lợn một con, xôi một bàn, rượu, trầu cau ???. Đức Chiêu Nghi thượng quận chúa mỗi ??? xôi, rượu, trầu cau, giá sử tiền một quan.

Theo lệ, vào tiết Đoan Ngọ, sắm gà, xôi, rượu, trầu cau, kim ngân, giá sử tiền một quan, cùng nhau ca hát.

– Diềm bên trái bia: Các bậ trên dưới trong toàn xã My Thự, huyện Đường An ??? sử tiền 200 quan ??? phụng thờ.

+ Mặt 4:

Bia ghi lại việc lập đền thờ khi còn sống của Qúy Tần Chiêu nghi Vũ Thị.

Từ xưa đến nay có phong tục đều lập sinh từ, lấy đó để lưu truyền lâu dài, vững chắc. Được lòng của nhân dân là vậy! Mà mỗi lần cung nhân hay quý nhân có ơn với dân, tất được nhân dân báo đáp. Nay lại có người con gái trong gia đình trượng phu được như thế.

Theo lệnh của Vương phủ, Đệ nhất cung tần, Chiêu nghi Vũ Quý Thị, húy là Ngọc Huấn, phật hiệu là Huệ Trưởng kiên cố, lễ Đại Bồ Tát, sinh quán tại xã Minh Hạo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai. Hiển khảo (bố đã chết ) Phạm Qúy công, tự là Phúc Hiền; hiển tỉ (mẹ đã chết) là Bùi Qúy Thị, hiệu là Từ Đức. Bà sinh vào giờ Thìn ngày 08, tháng 3 năm Giáp Thìn – Hoằng Định thứ 5 (1604), nuôi dưỡng tại quê hương xã My Thự, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Hiển khảo tiền Tham đốc, quận công Vũ Qúy Công, thụy Phúc An. Hiển tỉ quận phu nhân, Lê quý thị, hiệu là Từ Tiên.

Từ nhỏ, qua nơi nuôi dưỡng để trở thành người con gái có đủ tứ đức tại nơi quyền quý. Năm đó, có năm lần vào hầu hạ phủ Đại Nguyên Soái chưởng quốc chính thượng sư thái phụ đức công, nhân uy, minh Thánh Tây vương nội cung tần. Quyết tiên trưởng công chúa Trịnh Thị Ngọc Án, người đẹp như một vầng trăng, một cành hoa trong vườn thượng uyển. Tại nước nhà, được tiến phong: “Kính thận công chúa” – (Vị công chúa cung kính, cẩn thận). Thứ công chúa Trịnh Thị Ngọc Giang là con cháu dòng dõi nhà vua, lấy chồng danh giá là bậc bề tôi, trụ cột của đất nước. Luôn lấy việc gẩy đàn, đánh trống, uống rượu làm niềm vui. Người con gái này là người có khí tiết trong sạch, kiên quyết, có chứng kiến rõ ràng.

Ân huệ ấy thấm nhuần đến khắp mọi nơi, mọi người cùng nhau tôn thờ. Thôn Ngô Xá, huyện Tiên Du cung kính phụng thờ ảnh ở đền thờ để cầu phúc. Xã Nam Mẫu, huyện Đông Triều cung kính nghênh đón tượng quý trên Hoa Yên; xã My Thự, huyện Đường An lập sinh từ; tiếng thơm ấy bao trùm suốt muôn đời. Than ôi! Điều đức đã có từ lâu rồi! mà còn gì cầu cứu. Cho nên, lấy bạch kim 300 lượng ban cho các thôn, xã của huyện Từ Liêm, phân chia đều làm của cải để chi dùng. Từ đó, ân huệ của Qúy Tần được lan tỏa khắp quê hương. Làng quê, nhà thờ nhìn nhau làm bia báo đáp công ơn bà lấy đất lập sinh từ. Hiện nay, dựa theo luật đã định.Về sau, khi trăm tuổi được phụng thờ. Một là, như theo quy ước đã lập, chiếu theo công đức đã có mà suốt đời hương hỏa phụng thờ. Bia đá được lập cũng là để lưu truyền đến trăm năm sau, hậu sinh, nhân dân, làng quê luôn ghi nhớ công ơn của bà.

2. Bia số 2: (04 mặt)

奉 祀 之 碑

 (Phụng tự chi bi)

 – Niên hiệu: Ngày đẹp mùa Hạ Tháng 4 năm Bính Tý – Hoàng triều Chính Hòa thứ 17 (1696)

– Đặc điểm: Kích thước: (175 x 65 x 63)cm, khoảng 3500 chữ. Bia hình trụ tứ diện, đỉnh chóp trụ; các mặt bia, mái vòm chép chữ Hán Nôm. Diềm xung quanh chạm dây hoa vân xoắn cách điệu. Bia được đặt trong nhà bia.

– Tạm dịch nghĩa: 

 + Mặt 1:                

 Bia ghi việc phụng thờ.

* Chữ trên mái bia:

– Ngày sinh nhật là ngày 03 tháng 3; tết Đoan ngọ vào tháng 5; ngày 15 tháng 7, tháng 8 là tết Trung thu. Sáu tiết, mỗi tiết dùng lợn 01 con, xôi một bàn, rượu 01 hũ, kim ngân, trầu cau cùng sử tiền 03 quan.

Ngày kỵ vào tháng Chạp (tháng 12), hai tiết, mỗi tiết có kim ngân 1000 thỏi, cau 01 buồng, cung kính dâng lợn chia làm bốn phần. Một đầu cùng xôi 01 bàn, bản thôn giữ lại rồi chia làm bốn phần. Vào kỳ giỗ tháng chạp (tháng 12), các tiết, mong muốn Hoàng thiên không trách phạt. Lễ vật giống như các tiết đã kê ở trên.

Ngày đẹp, tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) viết.

Các bậc trên dưới trong toàn thôn cùng ký.

* Chữ trên thân bia:

Xã My Thự, huyện Đường An lập bia ghi việc thờ cúng.

Những việc xứng đáng, ắt được theo để báo lễ. Về sau, thường qua lại để nêu ra và thấy rõ đạo lý. Kính cẩn thay!

Tôn đức Vương nữ đời sau, quận chúa húy là Ngọc Giang. Từ thời trước, mở dựng cung tần, do Chiêu Nghi phu nhân họ Vũ sinh ra. Ấp của ta chính là quê ngoại vậy. Tôn đức Thiên hoàng, là dòng chính phái, tiếng thơm được lưu truyền. Nay, nghe lờ mờ các hộ trong họ được bù đắp, xuân phong rực rỡ, ơn nhờ cậy thấm đẫm cả sân đình. Mưa móc ấm lồng, bảo vệ cả thôn làng. Vào giờ, ngày, tháng 8 năm Qúy Dậu (1694), xuất gia tư bạc 50 lượng; cổ tiền ? trăm quan; lại ruộng tốt 06 mẫu. Hứa cho ấp của ta, người người phân chia đều nhau mà dùng. Ơn nào mà chẳng trù phú, không đức không được báo đáp. Đức ấy chính là yêu làng ta vậy. Thân mật mà đợi vậy. Sau này, ấp của ta ghi như thế. Nay, nên lập quy ước, nguyên việc thờ phụng lấy tâm đức trăm năm về sau; cung kính phụng thờ tại từ đường. Hàng năm, ngày giỗ chạp cùng các tiết sắm lễ vật đầy đủ đúng như theo nghi thức, lưu truyền lại cho con cháu đời sau muôn đời gìn giữ. Dù nhận là một hào, cũng đủ biết để báo đáp mãi mãi. Nhưng cũng là nghĩ về cái tình mà ghi nhớ. Đức Tôn đức không thể đo lường được, biết được lòng tốt ấy mà vâng theo. Ấp của ta liền dựng bia trưng văn, lấy đó là sự thật mà ghi nhớ, lưu truyền mãi mãi. Ôi! Có đức ắt được người sau lưu truyền bằng miệng. Miệng là bia vậy! Có ơn tất được mọi người ghi nhớ trong lòng. Tâm là bia vậy.

+ Mặt 2:

 * Chữ trên mái bia: Thôn Phụng Viện, xã My Thự, huyện Đường An, hương trưởng Bùi Văn Cẩm, Bùi Văn Truyện, Vũ Đức Hiểu, Vũ Đức Thiệu, Vũ Quang Hoa, Bùi Văn Chi, Vũ Văn Trú, Nguyễn Tiến Lộc, Vũ Tài Năng, Đặng Văn Đạm, cùng lớn bé, trên dưới toàn thôn nay ngưỡng mến.

Trung đẳng Kim Hoa trưởng công chúa đại vương anh linh, trong sạch, giúp đỡ, nguyên được bản tộc thờ tự. Nay ban sử tiền 100 quan cùng ruộng 01 mẫu 05 sào 02 khẩu. Bản thôn cảm tạ ân đức của bà cùng nhau cung kính phụng thờ. Hàng năm, bốn mùa các tiết, ngày giỗ phụng thờ theo nghi lễ đã định. Các lễ tiết được liệt kê ở phía sau

– Nhất, vào ngày 07 tháng Giêng ???.

* Chữ trên trán bia:

Ngày 08 tháng 08 lợn 01 đầu, rượu 01 hũ, xôi 01 bàn, kim ngân (tiền vàng) 1000 thỏi, trầu cau cùng sử tiền 05 quan.

Ngày 12, lợn 01 đầu, rượu 01 hũ, xôi 01 bàn, tràu cau cùng sử tiền 04 quan.

Ngày đẹp, tháng ? năm Giáp Thân – niên hiệu Chính Hòa (1704).

* Chữ trên thân bia: Ruộng ân huệ tại các xứ được liệt kê ở phía sau:

– Một thửa gồm ruộng 01 sào 05 khẩu tại xứ Ma Quan; một thửa gồm ruộng 03 sào tại xứ Trù Gìa; một thửa gồm ruộng 04 sào 02 khẩu tại xứ Đường Bích.

– Hai thửa ruộng cùng 08 sào tại xứ Ma Xuân; 01 thửa ruộng gồm 02 sào tại xứ Cầu Cải; một thửa gồm ruộng 01 sào 05 khẩu tại xứ Bên Đình.

– Một thửa ruộng 03 sào tại xứ Cầu Nhũ; một thửa ruộng 01 sào tại xứ Ngọ Hiển; Ba thửa ruộng cùng 03 sào 08 thước tại xứ Trù Pha.

– Một thửa ruộng 05 sào tại xứ Cửa Đình Lễ; một thửa ruộng 01 sào tại xứ Ma Muộn; 01 thửa ruộng 01 sào 08 khẩu tại xứ Cầu Cải.

– Một thửa ruộng 03 sào 08 khẩu tại đồng Mi Cầu; một thửa ruộng 01 sào tại xứ Bên Trù; 01 thửa ruộng 01 sào 06 thước tại xứ Ma Hoàng.

– Một thửa ruộng 02 sào tại xứ Cửa Đỉnh Lễ; một thửa ruộng 01 sào 05 khẩu tại xứ Cửa Phủ; một thửa ruộng 01 sào 04 khẩu tại xứ Ấu Liên.

– Hai thửa ruộng cùng 05 sào tại xứ cửa Cửa Đình Mi; ba thửa ruộng cùng 08 sào 05 khẩu tại xứ Đống Hồng; một thửa ruộng 08 khẩu tại xứ Pha Cự.

Lại ruộng ở trên cùng 06 mẫu, các thôn trong bản xã luân phiên cày bừa và trồng trọt thu hoa lợi để thờ cúng, không người nào được độc quyền chiếm giữ. Các tiết tế văn cùng nhau duy trì.

Quan viên xã, hương trưởng cùng các bậc trên dưới của các thôn xã My Thự, huyện Đường An xin được cáo vu tôn đức của quận chúa Trịnh Qúy Thị, hiệu là Diệu Lan.

* Mặt 3:

+ Chữ trên mái bia: Họp bàn, cân nhắc, phân chia cho từ đường tiến hành lễ nghi, bản xã cùng góp sức. Sau, ruộng tốt 02 mẫu hứa ban cho để hương hỏa phụng thờ. Cho nên, ruộng 01 mẫu hứa cho từ đường, người chông coi là Vũ ?? như theo quy ước đã định.

Tu đức, để đức cho đời con, lòng nhân từ lớn, đức lớn không ai không cảm nhận được. Do vậy, bản xã cùng bản tộc dựng từ đường thờ phụng. Người phải tuân theo quy ước đã định, chớ làm sai thì mọi vật dồi dào, người người yên ổn. Nếu người nào không tuân theo mà bắt được lấy ruộng làm của riêng thì sẽ bị Hoàng thiên trách phạt.

Ngày đẹp, tháng 06 mùa Hạ năm Ất Tỵ – Hoàng triều Bảo Thái thứ 6 (1725).

Bài minh, sau được khắc lên bia để lưu truyền đến muôn đời sau.

Quan viên, hương lão Vũ Văn ?, Ngô Như Trí, Vũ Minh Quang, Vũ Đình Đệ, Nguyễn Công Luận, Vũ Đình Thắng, Vũ Đắc ?, Vũ Đình ?, Vũ Đình Cương, Nguyễn ? Đán, Lê Đình Hà, Vũ Danh ?, Vũ Đích Lang, Vũ ??, Nguyễn Tiến Trung, Vũ Nhân Huấn, Vũ ??, Vũ Công Đạt, Lê Công Luận, Nguyễn Hoàng ?, ???. Các bậc trên dưới trong toàn xã cùng ký.

– Chữ trên trán bia:

 + Vâng mệnh:

Ngày 10 tháng 3 năm Chính Hòa thứ 26 (1705), đến ngày 26 tháng 8 năm Nhâm Dần (1722), ???

Thánh Chủ ngự ? truyền ???. Đức vương thế tử ???, đến ngày, tháng, năm cho khắc bài minh lên đá để lưu truyền mãi mãi.

+ Tất cả đều mong muốn tôn làm Hậu Thần, cung kính nương cậy Chiêu Nghi. Về sau, lưu truyền ngày giỗ vào tháng 12. Bản thôn cung kính nhận sự ban thưởng cổ tiền 100 quan, ruộng 01 mẫu gồm 03 thửa tọa lạc tại xứ Lai Đồng. Cung kính lấy ngày giỗ vào tháng 12, muôn đời không quên. Nếu ngày sau, bản thôn không làm đúng sẽ bị Hoàng thiên trách phạt.

– Chữ trên thân bia: 

Bản xã các thôn thỉnh lập ước lệ, được kê khai ở phía bên trái.

– Nhất, tôn đức, ngày sau khảo sát làm miếu đường thì bản thôn cùng góp sức. Có chỗ nào hỏng hóc, bản xã tu sửa lại cho tốt đẹp hơn, sẽ thuận tiện cho việc phụng thờ.

– Về sau, khi trăm tuổi. Hàng năm, vào ngày giỗ, việc sắm lễ bản xã ứng theo lệ làm lợn một đôi, xôi 01 bàn, rượu 01 hũ, kim ngân 1000 thỏi, trầu cau 01 hộp cùng sử tiền 07 quan.

– Theo lệ, hàng năm vào ngày giỗ chạp, việc sắm lễ, bản xã ứng theo lệ làm lợn một con, xôi 01 bàn, rượu 01 hũ, kim ngân 1000 thỏi, trầu cau một hộp cùng sử tiền 03 quan.

– Theo lệ, hàng năm có bốn quý, vào ngày mỗi quý việc sắm lễ, bản xã ứng theo lệ làm gà một đôi, xôi 01 bàn, rượu 01 hũ, kim ngân 1000 thỏi, trầu cau 01 hộp cùng sử tiền 01 quan.

– Theo lệ, hàng năm vào ngày 15 tháng 3 kỷ niệm ngày sinh. Việc sắm lễ, bản xã ứng theo lệ làm lợn 01 con, xôi 01 bàn, rượu 01 hũ, kim ngân 1000 thỏi, trầu cau 01 hộp cùng sử tiền 03 quan.

– Theo lệ, hàng năm vào mỗi kỳ tháng 2, theo lệ có lễ đưa đón Đức Chiêu Nghi. Sau đó, bản xã cùng nhau ca hát chúc mừng cùng sử tiền 03 quan. Lễ phụng thờ có lợn 01 con, xôi 01 bàn, rượu 01 hũ, trầu cau 01 hộp cùng sử tiền 03 quan. Đến đêm ngày 05 có gà 05 đôi, xôi 05 bàn, rượu 05 hũ, trầu cau 05 hộp cùng sử tiền 03 quan. ???

– Bản xã, quan viên Vũ Đăng Đệ, Vũ Tất Tố, Vũ Danh Trứ, Phạm Minh, Nguyễn Văn ?, Vũ Đăng Hữu, Hoàng ? Nhược, Vũ Nhân Chiêu.

– Thôn Phục Lễ, hương lão Vũ Văn Uy, Vũ Đình Các, Trần Công Phách, Vũ Điển, Vũ Văn Nam, Nguyễn Văn Lâm, Ngô Văn Ký, Vũ Văn Thành,.

– Thôn Bình Tề, hương lão Vũ Văn Lãng, Vũ Văn Diệc, Vũ Như Tri, Vũ Văn ?, Vũ Như Kính, Vũ Như Ngại, Vũ Như Chiếu, Vũ Văn Kiến.

– Thôn Phụng Viện, hương lão Vũ Văn Trương, Vũ Đắc Thuyết, Vũ Đắc Danh, Vũ Đắc Vịnh, Vũ Tiến Đông, Vũ Khắc Nhượng, Bùi Kim Sảng, Vũ Văn Trị.

– Thôn Trung, hương lão Phạm Văn Tu, Vũ Tuấn Pháp, Vũ Đức Toàn, Vũ Tiến Tùy, Nhữ Viết Long, Hoàng Quang Đột (đội phó), Lê Hữu Quyền, Lê Kim Hàng, Lê Kim Phác, Vũ Tri Thắng, Vũ Thế Trụ, Vũ Đình Lộc, Vũ Gia Toán, Vũ Hữu Hằng, Nguyễn Đình Tiến, Lê Công Ân. Vũ Đắc Vinh (??), Vũ Danh ? (xã lại), Vũ Văn ? (xã dục) cùng các bậc trên dưới trong toàn xã ký.

* Mặt 4:

– Chữ trên mái bia: Xã My Thự, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, quan viên, hương lão cùng các bậc lớn bé trong toàn xã ngưỡng mến.

Trưởng quan hiển thiếu bảo Quận phu nhân Trịnh Thị Ngọc Trinh, đã xuất tư gia ruộng 04 mẫu, sử tiền 500 quan hứa cho bản xã để phân chia đều cho mọi người mang ơn. Người dân cùng nguyện tôn bà làm Hậu Thần. Quy ước bắt buộc, đến khi trăm tuổi, ngày giỗ diệu lao sắc, kim ngân, trầu cau, giá sử tiền 07 quan. Tế xong kính biếu nhất hộ làm lễ tế. Ngày sinh nhật, lễ có xôi, lợn, rượu, kim ngân, trầu cau, giá sử tiền 03 quan, tế tất kính biếu nhát nhất thủ. Ngày 12 có gà, rượu, xôi, tràu cau, kim ngân, cùng nhau ca hát một ngày ??? rượu, xôi, kim ngân, trầu cau theo Đức chiêu Quận chúa. Về sau, các tiết, mỗi tiết dùng gà, rượu, trầu cau phụng thờ. Đến các kỳ dùng gà, rượu, xôi, kim ngân, tràu cau, mỗi kỳ giá tiền là 01 quan.

– Chữ trên trán bia: Quan viên, hương lão thôn Trung, xã My Thự, huyện Đường An gồm: Vũ Đăng Hữu Toán, Vũ Nhân Chiêu, Vũ Danh Tiêu cùng các bậc trên dưới trong toàn thôn nay ngưỡng mến Tôn linh quý tộc Nguyễn Thị Ngọc Duyên, hiệu là Diệu Phác Nãi quận chúa. Mọi người cùng yêu mến, ghi nhớ công ơn của bà.

– Chữ trên thân bia:  Mọi việc ở đây, cùng khiến cho về sau mọi người luôn nhớ đến cái ơn vậy. Nghĩ ở đâu, là còn ở đó mãi vậy. Ân đức sâu nặng đó như ở trong lòng vậy. Cho nên, dù lâu mấy cũng không quên vậy. Sau này, sinh sôi ở đây là dân ở ấp đây vậy. Tốt đẹp thay! Cao quý thay! Tâm đắc thay!Có trời ứng mãi mãi vậy. Việc ghi chép lại dẫu là cũ, nhưng ân trạch của tôn đức đấy. Việc trước phải làm tín ước, tuân theo sự vật thắng mọi người, để xem xét sáng rõ việc hương hỏa nhân luân. Xa mà để lại sáng tỏ, dẫu gì cũng để lại tiếng thơm, cùng nhìn thấy việc ân đức. Trước như đổi nước trong soi hết vậy. Các bô lão ấp ta biết rằng, để người đời sau noi theo liên tục. Việc có ích là làm sáng rõ văn chương ở đây, nhân đó mà khắc cả lên đá để lưu truyền mãi mãi.

          Ngày đẹp mùa Hạ Tháng 4 năm Bính Tý – Hoàng triều Chính Hòa thứ 17 (1696) lập bia.

          Tiến sĩ đệ. Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng Hình bộ Thượng thư, Tri trung thư giám, Lai Sơ tử, Đông Sơn, Thạch Khê, ông họ Lê nhuận sắc.

Phụng thị cai hợp, tướng thần lại duệ Vũ Tất Tố xem xét việc thi công.

          Khoa Ất Mão, thí trung thư toán tọa sự lang trung ? giám chính tự đông ngạn phù quả Nguyễn Thời Danh viết.

          Xã Kính Chủ: Nguyễn Duy Hiền,Nguyễn Nhân Tề khắc lên đá.

* Chú thích:

– Dấu ?: thế hiện chữ Hán mờ không đọc được.

BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 2018
Hoàng Thị Phương Lan (dịch thuật)
Tăng Bá Hoành (hiệu đính)


[1] Cửu trùng: Nghĩa là chín tầng, dùng để chỉ nơi vua ở hoặc để gọi nhà vua với ý tôn kính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *