Bà Chúa Me, tôn hiệu mà nhân dân trong vùng dành cho Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, chính phi của Chúa Trịnh Cương (1686 – 1729), thời Lê Trung hưng, quê tại My Thử, Đường An (nay là thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)[1][2][3]. Tuy nhiên, vì lịch sử lúc đó, chưa đánh giá đúng vai trò của nhà Trịnh trong việc xây dựng và phát triển đất nước nên những công lao, đóng góp của Bà không được sử sách ghi nhận như những danh nhân khác. Trên cơ sở nghiên cứu Gia phả và các tài liệu lịch sử có liên quan, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những nghiên cứu ban đầu về thân thế và sự nghiệp của Bà Thái phi, nhất là những đóng góp của Bà cho thời Lê trung hưng.

Thời xưa, xứ Đông hay trấn Hải Đông, trấn Hải Dương là tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long. Xứ Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông (nay là thành phố Hải Dương), bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc 2 tỉnh Hưng YênThái Bình. Đây là quê hương của Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh, Phạm Ngũ Lão, Lê Hữu Trác,… và nhiều danh nhân nổi tiếng khác[4].

Ở Xứ Đông, Đường An là địa danh được nhắc nhiều trong lịch sử. Đường An là tên huyện Bình Giang từ thế kỷ 12, Đời nhà Lê, Đường An thuộc phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương; đời nhà Nguyễn, thuộc phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương do phủ kiêm lý. Năm 1886 đổi là huyện Năng An, sau năm 1945 là huyện Bình Giang. Đường An là huyện có nhiều người đỗ đại khoa (44 người) từ đời Lê về trước, riêng làng Mộ Trạch có 36 người[5]. Đường An là quê hương của các danh nhân như Phạm Đình Hổ, Vũ Phong Đề, Phạm Quý Thích, Lê Cảnh Tuân, Vũ Hữu ….

Trong vùng đất cũng thuộc hàng “địa linh, nhân kiệt”, Đường An vào thời Lê Trung hưng còn có một người phụ nữ làm nổi danh cho gia tộc và quê hương: Bà Chúa Me – Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, tại thôn My Thử (nay là thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng)[6].

I. Thân thế và gia tộc của Bà Chúa Me

Bà Chúa Me – Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, chính phi của Chúa Trịnh Cương, tên Vũ Thị Tông, thụy là Từ Đức, húy là Ngọc Nguyên, được tôn phong là Quốc Thánh mẫu[7],[8],[9],[10],[11],[12].

Theo Gia phả họ Vũ và sưu khảo của tác giả Vũ Hiệp[13], Bà Thái phi sinh ngày 21 tháng 3 năm 1688 (Mậu Thìn), mất ngày 21 tháng 9 (âm lịch – năm 1751, Tân Mùi[14]), thọ 63 tuổi. Bà lấy Chúa Trịnh Cương năm 1706 (tức là lúc đó Bà 18 tuổi), khi ấy Trịnh Cương đang giữ chức Khâm Sai Tiết Chế các xứ, Thủy Bộ chư Dinh, kiêm Tổng Quốc Chính, hàm Thái Úy Phổ Quốc Công, Kinh Quốc Phủ.

Thân phụ của Bà là cụ Vũ Tất Tố được phong Tuấn (Duệ) Trạch Công[15],[16] thân mẫu là cụ bà Trịnh Thị Năm, được phong Quận phu nhân, người My Thử, Đường An[17].  Hai cụ sinh được bốn người con, hai trai, hai gái. Bà Thái phi là chị cả, hai em trai là Vũ Trạc (Đạc) và Vũ Thiết (Vũ Tất Thận), em gái Bà là Vũ Thị Sơ.

Bà là Thái phi cùng Chúa Trịnh Cương sinh ra được 3 người con:

1. Con trưởng là Đức Thái thượng vương (Đức Dụ tổ Thuận vương) Trịnh Giang (sau này là Chúa Trịnh Giang);

2. Con thứ là Đức Thánh thượng Đại nguyên súy Tổng quốc chính sự Thượng sư Thượng phụ Anh Đoán Vạn Trị Vũ công Minh vương (Đức Nghị tổ Ân vương ) Trịnh Doanh (sau này là Chúa Trịnh Doanh).

3. Con gái Thái trưởng công chúa Trịnh Thị Ngọc Cư[18], gả cho một Hoàng tử con Vua Lê Thuần Tông.

Về các người em của Bà:

1. Vũ Trạc (Vũ Đạc), được phong các tước Phụ quốc thượng tướng quân, chỉ huy sứ Trạc Quận công và được ban Quốc tính mang họ Chúa (Trịnh Đạc)[19].

2. Vũ Thị Lưu (Sơ). qui tại Chùa Kim Liên ngày 10 tháng 8 (không rõ năm), sau Trụ trì tại Chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh; được phong tặng Viên không hoà thượng, Gia phong trung khiết hiếu hạnh, Trang tĩnh từ tuệ đại bồ tát, Bồ tát vương[20],[21].

3. Vũ Thiết (Vũ Tất Thận): được phong Súy Trung Dực vận Công thần Đồng Tham tụng Trung Doanh khuôn quân doanh Đô đốc phủ chánh Đô đốc Thự phủ sự kiêm Tôn nhâm phủ Hữu Tôn chính Đại tư đồ Bính trung công, Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân – Đại Tư Đồ Quốc lão Quận Công Đốc Khánh[22], vâng cho theo họ Trịnh là Trịnh Thiết cũng như Vương thân vậy[23],[24],[25],[26].

II. Sự nghiệp của Bà Chúa Me

Bà Chúa Me, Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là một trong những Bà Chúa thông minh, mưu lược, tài năng xuất chúng. Điều này được thể hiện ở một số lĩnh vực sau:

1. Về lĩnh vực giáo dục

Sử sách cũng như Gia phả không nói về việc học hành của Bà ra sao, nhưng Bà được người đương thời đánh giá là người rất giỏi về giáo dục. Chính Bà là người trực tiếp dạy học cho các con trai của mình để nối nghiệp tổ tông nhà Trịnh mặc dù bên cạnh đó vẫn có những ông thầy được Chúa tuyển chọn vào làm thầy dạy học cho các con. Chúa Trịnh Doanh là người văn võ song toàn, còn được các nhà Hán Nôm đương đại gọi là “Ông chúa thơ Nôm” với tập thơ “Càn nguyên ngự chế thi tập” bao gồm 268 bài, trong đó có 37 bài thơ chữ Hán và 231 bài thơ chữ Nôm (Tuyển tập “Tổng tập văn học Nôm Việt Nam”, NXB Khoa học Xã hội, năm 2008, do PST. TS. Nguyễn Tá Nhí làm chủ biên). Trong Tập thơ này có một bài thơ Chúa Trịnh Doanh viết tặng Bà Thái phi với tựa đề: Kính mừng Ý Đức trồng hoa Mộc Tê, trong nhụy đâm lá, ca ngợi công đức của Bà, cầu chúc Bà sức khỏe, trường thọ, thể hiện lòng kính yêu của người con đối với mẹ.

Bà cũng là người trực tiếp nuôi dưỡng Lê Ý Tông hoàng đế khi còn nhỏ. Cũng vì lẽ đó, tình cảm, sự kính trọng của Vua, Chúa thời đó dành cho Bà là rất lớn. Bà đã được được tôn phong là: Ý Công Hậu Đức Trang Hạnh Đoan Nghi Khuông Vận Diễn Phúc Hoàng Du Dụ Trạch Sùng cơ Thái từ Quốc Thánh mẫu.

2. Về lĩnh vực chính sự

Không chỉ giỏi giang về mặt giáo dục, Bà còn là người đầy thao lược về mặt chính trị, quân sự. Bà đã từng nhiếp chính, điều khiển chính sự để lập chúa, phò vua; điều binh, khiển tướng để dẹp loạn bảo vệ chính quyền Lê Trịnh.

 Thứ nhất, điều khiển quần thần lập Chúa

Năm 1729 Chúa Trịnh Cương mất (lúc đó Bà Thái phi 41 tuổi), Trịnh Giang là con trưởng kế vị ngôi Chúa. Trịnh Giang và đại thần Hoàng Công Phụ điều hành chính sự ở Đàng ngoài. Do việc điều hành đất nước của Trịnh Giang có những chính sách không hợp lòng dân, gây bất bình khiến nông dân nổi loạn ở nhiều nơi. Trước tình hình đó, Bà Thái phi đã bàn định với quần thần lập Trịnh Doanh (con thứ của Bà) để thay Chúa Trịnh Giang (con trưởng của Bà).

Về việc lập Trịnh Doanh thay Trịnh Giang nhiều sử sách đã ghi chép lại([27]). Sách Đại Việt sử ký tục biên (trang 239)[28] đã ghi lại: “Thái phi Vũ Thị triệu Giảng thần Nguyễn Quý Kính khuyên Doanh, tính kế dẹp nội loạn cho yên xã tắc. Kính bèn đem mệnh của Thái phi đến bàn với Nguyễn Công Thái cùng nhau định kế”.

Lợi dụng lúc Hoàng Công Phụ đem toàn quân bản bộ ra dẹp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển ở ngoài, Nguyễn Quý Kính (Cảnh) đem hương binh vào kinh bảo vệ phủ chúa, nói với Trịnh Doanh về ý chỉ của Thái phi và vào chầu vua Lê, xin ra chỉ đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Sau đó hương binh của Quý Cảnh giết hết bè đảng của Hoàng Công Phụ([29]).

Năm Canh Thân (1740 – lúc đó Bà Thái phi 53 tuổi), Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, lấy hiệu là Minh đô vương tiến tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương[30],[31].

Trịnh Doanh liền ban hành nhiều quyết định hợp lòng người, được quần thần và dân chúng ủng hộ. Chính sách cai trị dưới thời Trịnh Doanh khá chắc chắn và hoàn chỉnh. Nhiều sắc chỉ được ban hành dưới thời Trịnh Cương (đã bị Trịnh Giang bỏ) nay được thực hiện.

Trịnh Doanh chăm lo chính sự, cho đặt ống đồng ở cửa phủ để nhận thư từ dân chúng tố giác việc làm sai trái của quan lại. Khi cần tuyển chọn và cất nhắc quan lại, Trịnh Doanh coi trọng thực tài nên trước khi bổ nhiệm ai, người đó phải vào phủ đường yết kiến để chúa trực tiếp hỏi về công việc, ai có khả năng mới trao cho chức quyền. Chúa thưởng phạt rất công minh. Nhiều danh sĩ xuất thân khoa bảng được trọng dụng thời đó, tiêu biểu là Lê Quí Đôn. Ngô Thì Sĩ..v.v.

Với sự hậu thuẫn đắc lực của Bà Thái Phi cùng các đại thần như: Hoàng Ngũ Phúc, Vũ Tất Thận, Phạm Đình Trọng.v.v…trong một thời gian ngắn Chúa Trịnh Doanh đã đưa xã hội Đàng ngoài trở lại ổn định và phát triển. Lịch sử đã ghi nhận những năm Chúa Trịnh Doanh cầm quyền ở Bắc Hà là thời kỳ đất nước ổn định và thịnh đạt.

Thứ hai, điều binh, khiển tướng bảo vệ kinh thành Thăng Long

Đương thời chúa Trịnh Giang tính tình bạo ngược, trong kinh ngoài trấn nông dân đứng lên dựng cờ khởi nghĩa khắp nơi, chống lại chính quyền họ Trịnh. Chúa Trịnh Doanh sau khi lên ngôi quyết tâm đánh diệt tất cả những cuộc khởi nghĩa này. Mỗi khi ngự giá của Chúa xuất kinh, đều do Vũ Thái phi lo liệu việc trong triều.

Mùa đông năm 1741, khi Chúa mang đại quân đánh dẹp bọn giặc Vũ Đình Dung ở Ngân Già, quân Ninh Xá của Nguyễn Cừ nhân sơ hở tiến quân lén về định đánh úp Kinh thành. Nhờ sự thao lược của Bà Thái phi, Kinh thành vẫn yên ổn.

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục – Chính biên Quyển XXXVIII ([32]): “…Trước kia, khi đại quân trẩy xuống mặt nam, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá cùng đồ đàng là Trần Diệu, nhân lúc sơ hở, tiến thẳng quân sát bến Bồ Đề, trong kinh thành không có quân, lòng người rất lo sợ. Lúc ấy. Thái phi Vũ Thị ở trong cung điều khiển bọn Trịnh Đạc chiểu theo địa giới giữ bốn cửa thành; lại phân phối sai quan văn là bọn Phạm Kinh Vĩ, Nguyễn Bá Quýnh đem hết dân cư ngoài thành ra bến sông bố trí hàng ngũ, để làm nghi binh, Đề lãnh Đặng Đình Mật đem quân trong cơ của mình sang qua sông, đánh Nguyễn Tuyển, Đình Mật bị bại, quay về.

Lúc Trịnh Doanh mới dẹp được giặc Ngân Già, chợt được tin báo ở kinh thành đưa đến, Doanh hạ lệnh cho các đạo quân phải tinh sương đi mau trở về để cứu nơi căn bản. Khi đạo quân kéo về đến xã Kim Lan, thì giặc đã trốn chạy xa rồi, kinh sư vẫn được yên ổn”.

III. Đánh giá

1. Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Vua Tự Đức đã có lời khen: Vũ Thị cũng là một người anh kiệt trong phái phụ nữ, cho nên mới có thể mấy lần định được kế mưu lớn.”[33], có ý khen bà Thái phi một lần chủ trương lập chúa Trịnh Doanh và một lần điều khiển các tướng bảo vệ kinh thành.

2. Xã hội Việt Nam, nhất là xã hội phong kiến rất coi trọng đạo mẫu. Do vậy, việc Bà được tôn phong danh hiệu cao quý: Ý công Hậu đức Trang hạnh Đoan nghi Khuông vận Diễn phúc Quốc Thánh mẫu, đủ thấy công lao, sự ảnh hưởng của Bà đối với đất nước thời đó. Quốc Thánh Mẫu là một tôn hiệu cao quý. Trong lịch sử phong kiến, có đến hàng trăm, hàng nghìn hậu phi của vua chúa, nhưng được phong Quốc Thánh Mẫu thì không phải là nhiều. Theo sách Lịch Triều hiến chương loại chí, lịch sử phong kiến cũng chỉ nhắc đến 4 người được phong tôn hiệu cao quý này. Sách Lịch triều hiến chương loại chí còn nhận định:Còn như vợ Dương vương [Trịnh Tạc] là họ Trịnh (người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương) có công nuôi Gia Tông, được tôn phong là Quốc Thái Mẫu, vợ Nhân vương, họ Vũ (người làng My Thữ, huyện Đường An) có công nuôi ý Tông, được tôn phong là Quốc Thánh Mẫu, vì đã là vợ chúa tôn quý, lại nuôi nấng con vua, đức ý rõ ràng, cho nên được vinh tôn huy hiệu quý như thế, cũng chả lấy gì làm quá đáng”([34]).

3. Nhà Trịnh có hơn 200 năm điều hành đất nước, trải qua 12 đời chúa. Bà Chúa Me là Thái phi của Chúa Trịnh Cương, đời chúa thứ 6, sau đó 6 đời chúa còn lại, từ vị chúa thứ 7 (Trịnh Giang) đến vị chúa thứ 12 (Trịnh Bồng) đều là con trai, cháu và chắt ruột của Bà.

4. Điều đặt biệt, cũng là hiếm có trong lịch sử, việc Bà Thái phi trực tiếp nuôi dạy cả chúa và vua và là mẹ của hai vị Chúa: Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Chúa Trịnh Giang mặc dù cũng là vị Chúa có nhiều tai tiếng, nhưng cũng là người làm được nhiều việc, nhất là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc (tự in sách để không lệ thuộc vào Trung Quốc; bắt Hoa kiểu phải nộp thuế nặng trong khai thác mỏ để giảm thuế cho dân.v.v…)[35]. Còn Chúa Trịnh Doanh là người có nhiều công lao cho sự phát triển đất nước lúc đó cũng đã được lịch sử ghi nhận.

5. Chúa Trịnh Cương mất sớm (lúc 43 tuổi), quyền hành nhà chúa chuyển giao cho trai Trịnh Giang còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên Bà Chúa Me phải tốn nhiều công sức để uốn nắn, chỉ bảo con trai. Khi thấy con trưởng (Trịnh Giang) không đủ năng lực, Bà phải tìm cách đưa con thứ (Trịnh Doanh) lên thay, đủ thấy năng lực gánh vác trách nhiệm của Bà đối với gia đình nhà chúa và đất nước.

6. Sự thu xếp, sắp đặt của Bà để chuyển giao quyền lực từ anh sang em (năm 1740), khi người anh (Chúa Trịnh Giang) không còn năng lực, đã tránh cho nhà Lê – Trịnh một cuộc đổ máu vô ích, điều quan trọng là tránh xung đột, mâu thuẫn ngay chính trong hai con của Bà, tránh được cảnh huynh đệ tương tàn như nhiều đời vua, chúa khác trong lịch sử.

7. Trong lịch sử xã hội phong kiến nước ta, những người phụ nữ tham gia chính sự, làm nhiếp chính không nhiều. Khi thành Thăng Long bị nguy hiểm do quân khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ kéo quân về đánh úp, Bà đã điều binh, khiển tướng, dàn quân ngoài thành Thăng Long, tổ chức nghi binh để đối phó (lúc đó Kinh thành bỏ ngỏ do Chúa Trịnh Doanh còn mang quân đi đánh trận ở ngoài chưa về kịp), thể hiện rõ sự mưu lược, hiểu biết binh pháp của Bà, thể hiện ý chí quyết tâm, dũng cảm bảo vệ kinh thành Thăng Long và chính quyền nhà Lê – Trịnh. Tác giả Nguyễn Bích Ngọc (2010)[36] cũng đã nhận định: “Nhờ sự giúp sức của Văn Đình Dận, kinh thành Thăng Long được bình an. Nhưng nếu không có sự mưu trí quyết đoán và tài chỉ huy của bà Vũ Thái Phi, giữa lúc kinh thành Thăng Long nguy nan, thì không biết sự thể sẽ bi đát đến thê nào”.

Ngày 27 tháng 10 năm 1751 (năm Cảnh hưng thứ 12), sau khi bà Thái phi mất, Minh đô vương Trịnh Doanh có Lệnh chỉ cho nhân dân trong vùng cùng Gia tộc họ ngoại tổ chức kính tế, thờ phụng cho Bà (nội dung Lệnh chỉ hiện còn ghi trong gia phả họ Vũ tại Vĩnh Hồng- Bình Giang- Hải Dương)[37].

Tất cả những điều đó càng khẳng định sự nghiệp và công lao của Bà không chỉ với Chúa, với Vua, với nhà Lê – Trịnh mà còn cả với đất nước thời Lê Trung hưng. Ở Bà là sự hội tụ những phẩm chất của một người Mẹ, một người Chủ, một vị Tướng và một vị Thánh. Một số tài liệu còn gọi Bà là “Bà Chúa không ngai”[38] ở thế kỷ XVIII quả thực không sai.

Lịch sử đã qua đi gần ba trăm năm, hiện nay, trên mảnh đất nơi Bà Chúa Me sinh ra vẫn còn nhiều dấu tích của Bà[39] với những câu chuyện huyền thoại được truyền miệng trong dân chúng huyện Đường An – Bình Giang, Hải Dương./.

Trịnh Vũ Anh Xuân
Tháng 2/2016


Tài liệu tham khảo

[1] Trịnh Như Tấu (1933), Trịnh Gia chính phả -Là quyển gia phả của chúa Trịnh, chép hết công việc của 12 đời chúa, từ lúc thịnh đến lúc suy

[2] Trịnh Thị Ngọc Phả ký, Gia phả của Trịnh Đình Trinh, làng Đôn Thư, xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Tây

[3] Gia phả họ Vũ, Gia phả họ 5 chi tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

[4] Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Dương Thị The và Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1981

[5] Bia văn chỉ huyện Đường An dựng năm Thiệu Trị thứ 4, triều Nguyễn Gia Long năm 1844. Bài văn bia do cụ đỗ tiến sỹ khoa Bính Tuất 1826 chức Bắc Ninh học chính, quán làng Lương Đường kêu là Vũ Như Phiên soạn. Làng Lương Đường (Lương Ngọc) nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang, Hải Dương

[6] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, trang 141, Viện Sử học Hà Nội dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội

[7] Theo Trịnh Gia chính phả

[8] Theo Trịnh Thị Ngọc phả

[9] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, trang 759, Viện Sử học Hà Nội dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội;

[10] Theo Gia phả họ Vũ

[11] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 38, trang 1

[12] Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, năm 1991.

[13] Vũ Hiệp, Những người phụ nữ họ Vũ – Võ nổi tiếng trong lịch sử, Website: http://donghovuvo.vn

[14] Theo Trịnh gia chính phả;

[15] Theo Trịnh Thị Ngọc phả;

[16] Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, trang 765;

[17] Theo Gia phả họ Vũ;

[18] Theo Trịnh gia Chính phả; Trịnh Thị Ngọc Phả, Gia phả họ Vũ và Phạm Xuân Hiên, Sự nghiệp của các Chúa Trịnh

[19] Theo Gia phả họ Vũ

[20] Theo Gia phả họ Vũ

[21] Theo Trịnh gia chính phả;

[22] Theo Trịnh gia chính phả;

[23] Theo Trịnh gia chính phả;

[24] Theo Gia phả họ Vũ;

[25] Theo Trịnh Thị Ngọc phả;

[26] Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, trang 832, “Bàn luận công bầy tôi giúp rập: cho Vũ Tất Thận được chữ hiệu “công thần”, mũ và đai lưng được trang sức bằng vàng, theo thể lệ mũ và đai của vương thân….”. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) có Sắc tôn thần hộ Quốc cho ông Vũ Tất Thận, hiện sắc phong còn đang lưu giữ tại nhà thờ của họ Vũ

[27] Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Chính biên, Quyển XXXVIII” (trang 831) còn ghi: “Doanh là người sáng suốt, quả quyết, có tài văn võ, từ khi mở phủ Lượng Quốc, tạm giữ chính quyền, được lòng người gắn bó đã lâu, nhưng bị Hoàng Công Phụ ghét, xén bớt mất quyền, nên mọi việc, Doanh không dám một mình tự quyết đoán. Trịnh Thái phi là Vũ Thị cho triệu Nguyễn Quý Cảnh, bồi tụng giữ chức hữu tư giảng, vào phủ, bảo Quý Cảnh khuyên Trịnh Doanh đứng ra thay Trịnh Giang để trừ hoạn nạn trong cung phủ”

[28] Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ tục biên (1676 – 1740), NXB Khoa học Xã hội, năm 1982

[29] Theo Nguyễn Khắc Thuần;

[30] Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 38;

[31] Theo Hoàng Lê nhất thống chí và nhiều tài liệu khác, Trịnh Giang làm lễ nhường ngôi cho em và nhận phong là Thái Thượng Vương;

[32] Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 38 (trang 842).

[33] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, trang 842. (Vũ Thị: Vợ Trịnh Cương. mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Lời phê này có ý khen Vũ Thị lần trước chủ trương việc lập Trịnh Doanh thay Trịnh Giang và lần này điều khiển các tướng bảo vệ kinh thành);

[34] Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, trang 864. Cũng theo Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ có 4 người vợ vua, chúa trong lịch sử phong kiến được phong Quốc thánh mẫu là: (1) Thứ phi Phạm Thị Trần (vợ vua Lê Lợi, mẹ đẻ của vua Lê Thái Tông), được truy phong Cung từ Quốc Thái Mẫu; (2). Chính phi Trịnh Thị Ngọc Lung (vợ chúa Trịnh Tạc), được phong Quốc Thái Mẫu; (3) Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên (vợ chúa Trịnh Cương), được phong Quốc Thánh Mẫu; (4) Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diễm (vợ chúa Trịnh Doanh), được phong Thái phi Quốc mẫu.

[35] Theo Trịnh Gia chính phả

[36] Nguyễn Bích Ngọc (2010), 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội, NXB Thanh Niên, trang 155

[37] Theo Gia phả họ Vũ

[38] Thơ “Bà Chúa không ngai” của tác giả Đinh Kim Chung

[39] Đặng Văn Lộc (2015), Những di tích ở làng Phục Lễ bị lãng quên