Vua Lê chúa Trịnh tồn tại trong lịch sử nước ta hơn hai thế kỷ, trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, có lúc hòa quyện êm đẹp có khi hậm hực oán hờn.
Duyên khởi Vua Lê chúa Trịnh
Nhà Lê trung hưng bắt đầu từ năm 1533, khi Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên làm vua, tức Lê Trang Tông. Nhà Trịnh bắt đầu từ Trịnh Kiểm, khi ông thay Nguyễn Kim, lên nắm giữ binh quyền (1545). Vua Lê phong Trịnh Kiểm làm Thái sư Lạng Quốc công, đứng đầu triều đình, nhưng tước vương thì không, nên ông cũng chưa xưng là chúa. (Tước Thế tổ Minh khang Thái vương là do đời sau truy phong.)
Năm 1573, Trịnh Tùng, con thứ của Trịnh Kiểm lập Lê Duy Đàm lên làm vua, tức Lê Thế Tông, sau khi dẹp được loạn Trịnh Cối và những người có âm mưu chống đối ông trong hoàng tộc. Ông được vua Lê phong tước Bình An vương và bắt đầu xưng chúa. Vì thế Trịnh Tùng được coi là vị chúa Trịnh đầu tiên. Cũng từ đấy bắt đầu thế “lưỡng đầu” với một bên là nhà vua và một bên là nhà chúa. Tuy nhiên, chúa mới là người nắm giữ thực quyền.
Từ đó lịch sử gọi đây là thời kỳ vua Lê chúa Trịnh.
Mối quan hệ giữa Vua Lê và chúa Trịnh
Thời gian đầu, không phải các vua Lê không có ý định phản kháng nhằm giành lại quyền lực. Tiêu biểu là vua Anh Tông cùng cận thần Lê Cập Đệ – một người trong tôn thất, vua Lê Kính Tông cùng Trịnh Xuân, con thứ của Trịnh Tùng; đã cùng người thân tín lập mưu sát hại chúa Trịnh Tùng vào các năm 1572, 1619. Cả hai lần việc đều không thành, chúa thoát chết còn vua Lê thì bị sát hại hoặc bức tử.
Từ đấy về sau, các chúa Trịnh thường chọn những người còn ít tuổi trong hoàng tộc để lập làm vua, đồng thời gả con gái họ Trịnh cho vua để ràng buộc bằng mối quan hệ họ hàng. Ví dụ như vua Thần Tông được đưa lên ngôi năm 12 tuổi, là cháu gọi Bình An vương Trịnh Tùng bằng ông ngoại, gọi Thanh Đô vương Trịnh Tráng bằng cậu ruột, đồng thời là con rể của chúa. Vì thế mặc dù cha ông là vua Kính Tông bị Trịnh Tùng bức tử, bản thân ông bị Trịnh Tráng o ép đủ bề, ông có thù có ức thì cũng khó mà chống lại Trịnh gia!
Lâu dần thành quen. Các vua Lê về sau ngày càng yên phận, họ chấp nhận cảnh “khoanh tay rũ áo” như một sự tự nhiên. Về phần mình, các chúa Trịnh cũng “quen” tự ý quyết định mọi chuyện quốc gia trọng sự, kể cả những việc trong cung vua (như việc Trịnh Tráng “tác thành” cho vua Lê Thần Tông lấy con gái mình khi ấy đã có…một đời chồng và bốn con riêng).
Có một câu nói của một vị vua Lê cho thấy hết sự phụ thuộc có tính tự giác của vua vào chúa Trịnh. Năm 1786, khi tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh Tông (còn gọi là Trịnh Khải), xoá bỏ ngôi chúa, vua Lê Hiển Tông hay tin, không những không mừng mà lại thấy lo. Vua than thở cùng cung nữ: “Trời sai nhà chúa phò ta. Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì!”
Đã đành câu nói đó thừa nhận sự bạc nhược của ngôi vua và sự chuyên quyền của ngôi chúa, nhưng mặt khác cũng phản ánh một thực tế: các chúa Trịnh thực sự là người gánh vác trách nhiệm lo toan việc nước.
Để thực thi chính sự, chúa Trịnh lập ra phủ chúa, tương tự như triều đình vua Lê, nhưng quan trọng hơn, vì phủ chúa mới là nơi ra quyết sách. Trong phủ lập ra lục phiên, tương tự như lục bộ bên triều đình. Thay vì chức bình chương thời Lê Sơ, chúa Trịnh đặt ra chức tham tụng đứng đầu phủ chúa, nắm quyền như tể tướng của triều đình.
Đấy là về bộ máy, còn riêng về phần mình, chúa Trịnh duy trì quyền thế tập giống như vua Lê. Người sẽ lên nối ngôi chúa được phong là thế tử (bên vua là thái tử), mẹ chúa gọi là quốc mẫu, con gái chúa là quận chúa, con rể là quận mã (tương ứng bên vua Lê lần lượt là thái hậu, công chúa, phò mã).
Rút kinh nghiệm từ việc tranh giành ngôi chúa giữa Trịnh Cối, Trịnh Tùng, trong đó Trịnh Cối là anh ỷ thế ăn chơi trác táng, Trịnh Tùng là em lại biết lo cho cơ nghiệp nhà chúa, các chúa Trịnh về sau thường lập con thứ làm thế tử. Lựa chọn có phần khác thường này xem ra lại khá kết quả, nhất là với các đời chúa đầu.
Nếu tính cả Trịnh Kiểm thì đến Trịnh Sâm là đời thứ chín, chỉ duy nhất có Trịnh Giang hư hỏng, còn lại đều là những người có tài năng và phẩm chất của nhà lãnh đạo, giữ vững kỉ cương, thi hành chính pháp.
Việc phần lớn các chúa Trịnh sống đến sáu, bảy mươi tuổi, ở ngôi hàng chục năm chứng tỏ họ phải sống rất nghiêm ngắn, giữ mình, làm việc và sinh hoạt điều độ thì mới bền được như thế. Chắc chắn không phải vô cớ mà nhiều chúa Trịnh đã có được bề tôi xứng đáng.
Như chúa Trịnh Doanh tin dùng Lê Quý Đôn, giao cho nhiều trọng trách nên đã được họ Lê hết lòng phò tá, cúc cung tận tụy, đồng thời ông cũng phát huy được hết tài năng, đóng góp được nhiều cho đất nước.
Công bằng mà nói, các chúa Trịnh không hề thờ ơ với quyền lợi của mình. Nhưng trong nhiều trường hợp, cái được của chúa cũng đồng nhất với cái được của cộng đồng.
Ví dụ như việc chúa Trịnh cho xây phủ chúa thành một nơi tương xứng với quyền lực của mình. Trong suốt một thế kỉ rưỡi (từ 1592 đến 1749), các đời chúa Trịnh liên tục cho xây dựng, mở rộng phủ chúa ở khu vực phía tây nam thành Thăng Long. Đó là một quần thể kiến trúc gồm nhiều cung điện, dinh thự, đền đài, ban đầu tập trung ở phía tây nam hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm ngày nay), sau mở thêm về phía đông nam, sát tới sông Hồng.
Việc xây dựng đương nhiên là tốn kém, nhiều phần là để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của nhà chúa, nhưng cũng nhờ đó Thăng Long trở nên lộng lẫy hơn, kiêu kì hơn, đáng nể trọng hơn trong mắt mọi người, nhất là người nước ngoài sang tìm cơ hội bang giao hay giao thương…
Tại sao chúa Trịnh không lật đổ nhà Lê để lên làm vua
Quyền hành hoàn toàn nằm trong tay chúa Trịnh, thế nhưng chúa vẫn để vua Lê cùng tồn tại song song. Người đời sau đặt ra câu hỏi tại sao chúa Trịnh không lên làm vua?
Bởi vì lo lắng sẽ có nội ngoại xâm, các đối phương sẽ không để yên cho mình khi nhà Trịnh tiếm ngôi nhà Lê. Bên ngoài là thế lực giặc Tàu ở phương Bắc, bên trong là nhà họ Nguyễn sẽ kiếm cớ gây sự. Đó là kết quả mà các chúa Trịnh thấy rõ.
Ngoài ra chúa Trịnh cũng có tham vấn trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vị Khổng Minh của thời đó. Nguyễn Bỉnh Khiêm sấm rằng “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” và khuyên chúa Trịnh nên dựa vào vua Lê để tồn tại.
Kết quả của Vua Lê chúa Trịnh
Phần này trong nguyên gốc bài tóm tắt vua Lê chúa Trịnh, pqt.edu.vn chỉ trình bày ngắn gọn ý chính tuy nhiên do nhiều bạn tìm kiếm yêu cầu nên chúng tôi xin dẫn thêm đoạn bên dưới.
Khởi nghĩa Tây Sơn ảnh hưởng đến Lê – Trịnh
Hòa bình lâu dài với Đàng Trong kết thúc khi cuộc nổi dậy Tây Sơn ở phía nam chống lại chúa Nguyễn bùng nổ năm 1771. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn được chúa Trịnh Sâm coi là một cơ hội để kết liễu chúa Nguyễn ở miền nam Việt Nam. Năm 1774, Trịnh Sâm cử lão tướng quận Việp Hoàng Ngũ Phúc mang quân tấn công và chiếm Phú Xuân. Quân Trịnh tiếp tục tiến về phía Nam trong khi quân Tây Sơn chiếm các thành khác ở trong nam. Các chúa Nguyễn giữ Gia Định tới tận khi nó bị chiếm vào năm 1777 và dòng họ nhà Nguyễn gần như bị tiêu diệt.
Lần đầu tiên bờ cõi của Lê – Trịnh được mở rộng đến Quảng Nam.
Họ Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Sâm là truyền được 9 đời chúa. Năm 1782, Trịnh Sâm qua đời. Ngay từ khi Sâm còn sống đã diễn ra cuộc tranh giành ngôi thế tử giữa con trưởng Trịnh Khải và con thứ Trịnh Cán.
Vì Cán còn nhỏ nên thực chất nắm quyền là phe của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tuyên phi lôi kéo quận Huy là Hoàng Đình Bảo (cháu Hoàng Ngũ Phúc). Vì Tuyên phi sủng ái nên Trịnh Cán được lập làm thế tử. Khi Sâm mất, Trịnh Cán lên thay, quận Huy phụ chính. Quân kiêu binh giúp Trịnh Khải làm binh biến giết chết quận Huy, phế bỏ Trịnh Cán và đưa Khải lên ngôi chúa.
Tuy nhiên từ khi Trịnh Khải lên ngôi, chính sự cũng không sáng sủa. Quân kiêu binh cậy công làm càn, cướp của, phá phách kinh đô, kể cả nhà các quan lại. Trịnh Khải không dẹp nổi.
Ngoài biên cương, sau khi quận Việp mất, thành Phú Xuân giao cho Bùi Thế Đạt. Sau Đạt cũng rút về bắc giao lại cho Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể. Tướng sĩ kiêu ngạo, lơ là mất cảnh giác phòng bị.
Vua Lê chúa Trịnh cùng tàn
Vài năm củng cố quyền lực ở phía nam, tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ tiến ra phía bắc Đại Việt vào giữa năm 1786 với một đội quân đông đảo. Quân Trịnh bị quân Tây Sơn đánh bại và chúa Trịnh Khải phải chạy về phía bắc rồi sau đó bị bắt và tự vẫn.
Quân Tây Sơn rút về, sau đó các bầy tôi cũ của họ Trịnh lại lập con Trịnh Giang là Trịnh Bồng lên ngôi. Vua Lê mới là Chiêu Thống muốn chấn hưng nhà Lê nên triệu Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn thủ Nghệ An ra giúp. Chỉnh đánh tan quân Trịnh, Trịnh Bồng bỏ đi mất tích.
Tuy nhiên sau đó Nguyễn Hữu Chỉnh lại lộng quyền. Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm ra giết Chỉnh rồi đến lượt Nhậm lại mưu cát cứ ở Bắc Hà khiến Lê Chiêu Thống phải bỏ đi lưu vong, chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Vua Càn Long điều một đội quân lớn tới Đại Việt, danh nghĩa là tái lập vua Lê nhưng thực ra là muốn chiếm Đại Việt. Quân Thanh chiếm được Thăng Long năm 1788 nhưng sau đó bị Nguyễn Huệ giáng cho một đòn nặng nề đầu năm 1789. Quân Thanh thua to, rút chạy. Nguyễn Huệ – lúc ấy đã là hoàng đế Quang Trung – sau đó được vua Thanh công nhận và chính thức thay họ Lê cai trị nước Đại Việt. Chiêu Thống lưu vong và mất (1793) ở Trung Quốc.
Từ đó chấm dứt thời kỳ vua Lê chúa Trịnh
Di tích còn sót lại của thời vua Lê chúa Trịnh
Tiếc rằng quần thể kiến trúc thời vua Lê chúa Trịnh nay không còn nữa. Năm 1789, khi tổng đốc nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị lấy cớ phù Lê sang xâm lược nước ta, Lê Chiêu Thống đã nhân cơ hội trả thù chúa Trịnh. Y sai tay chân đốt phá tất cả các công trình của họ Trịnh, không chỉ lăng tẩm mà cả các đền đài, miếu mạo. Đương nhiên trong số đó có phủ chúa. Chỉ trong giây lát, cả quần thể kiến trúc mà nhà chúa đã cất công xây dựng trong vòng một thế kỉ rưỡi, kết tụ biết bao mồ hôi, công sức của nhân dân, đã bị thiêu thành tro bụi.
Ngày nay, di tích liên quan đến nhà Trịnh còn rất ít. Nhưng trong số ít những gì còn sót lại, có một công trình kiến trúc đặc biệt quan trọng của nước ta. Đó là chùa Bút Tháp nằm bên sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa do Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, vợ vua Lê Thần Tông, con gái chúa Trịnh Tráng bỏ tiền của, ruộng lộc ra để trùng tu, trong thời gian bà rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Năm 1647 chùa được làm xong, có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, là ngôi chùa có quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.
Bên cạnh giá trị kiến trúc, ngôi chùa còn có pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt nổi tiếng, do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 952 tay dài ngắn khác nhau, cao 235cm tính từ đài sen lên. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng của nước ta.
Ngoài ra, ở phủ thờ phía sau Phật điện còn có hai pho tượng đáng chú ý. Đó là chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên, con gái bà, người đã cùng mẹ góp công trùng tu ngôi chùa nổi tiếng này. Phải chăng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là vợ vua Lê Thần Tông, nên tuy là con gái chúa Trịnh Tráng mà ngôi chùa đã thoát khỏi ngọn lửa hủy hoại tàn phũ cuối thế kỉ 18, chấm dứt một thời “vua Lê chúa Trịnh”?
Câu hỏi thường gặp
Vua Lê chúa Trịnh là sao?
Câu hỏi này và câu “Vì sao gọi là vua Lê chúa Trịnh” gần như nhau do đó pqt.edu.vn sẽ trả lời chung như sau:
Vua Lê chúa Trịnh ý nói nước ta thời kỳ nhà Lê trung hưng, lúc đó các vua nhà Lê tuy danh chính ngôn thuận nhưng thực ra quyền hành nằm hết trong tay các chúa Trịnh.
Bạn nên đọc hết bài viết trên để nắm rõ hơn về thời kỳ này.
Vua Lê chúa Trịnh ở đâu?
Cũng thời kỳ Lê trung hưng này, Nguyễn Hoàng vào đàng Trong dựng cơ nghiệp lập nên các chúa Nguyễn sau này thì Lê – Trịnh nắm đàng ngoài và chúa Nguyễn nắm đàng Trong tạo nên thế Trịnh Nguyễn phân tranh. Lấy Sông Gianh ở Quảng Bình ngày nay, trước đây gọi là sông Linh Giang là ranh giới.
Vua Lê chúa Trịnh ở đàng ngoài.
Chúa Trịnh đầu tiên là ai?
Chúa Trịnh đầu tiên là Trịnh Tùng.
Theo Phạm Quang Tấn (https://pqt.edu.vn/tom-tat-vua-le-chua-trinh.html)