Trong Gia phả họ Vũ, thôn Phục Lễ có ghi danh một cụ ở Đời thứ 8 có tên Vũ Tất Nhậm, được phong Nhiệm Trung hầu, cũng được ghi tên trong sử sách.

Cụ Vũ Tất Nhiệm (Nhậm), sinh năm tự Cương Duệ, thụy Mẫu Nhuệ phủ quân, là con trưởng của Bính Quận công Vũ Tất Thận, cháu của Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) khoa Quý Mùi; được phong làm Thành hoàng làng Hoàng Xá, huyện Thượng Nguyên[1].

Cụ Vũ Tất Nhậm và vợ là cụ Nguyễn Thị Tĩnh, Quận phu nhân sinh được ba trai một gái, một trai nuôi

(1) Vũ Thị My, con gái cả lấy chồng là Thọ Trung Hầu;

(2) Đường Xuyên hầu, là con trai lớn;

(3) Mai Trung hầu, là con trai thứ hai;

(4) Hiệu Trung hầu, là con trai thứ ba;

(5) Thọ Trung hầu, là con trai nuôi

Cụ Vũ Tất Nhậm được phong Thần vũ Tứ vệ quân vụ sự, Đô đốc đồng tri Nhiệm Trung hầu; bao phong Đương chu Đại tướng quân, gia phong Cương nghị Quả đoán Đại vương[3].

Theo tác giả Vũ Hiệp[4], trong cổ thư chữ Hán có một bản có nhan đề : “Lê Triều Tạo sĩ Đăng Khoa Lục”, (không đề tên tác giả), trong kho sách Hán Nôm còn có bản ký hiệu A. 1176, đã cung cấp cho đời sau một danh sách gồm hơn 200 vị Tạo sĩ, Đồng Tạo sĩ thuộc đời Hậu Lê, từ năm Thái Bảo thứ 5, khoa Giáp Thìn – 1724 đến khoa Ất Tỵ – 1785 (61 năm) đời vua Cảnh Hưng (Hiển Tông) thứ 46, trong đó có ghi tên cụ Vũ Tất Nhậm, quê quán ở xã My Thử, tổng Tông Tranh, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (dòng dõi Vũ Thái phi).

Trong sách “Võ cử và người đỗ các võ khoa ở nước ta”[5] cũng đã sưu tập danh sách và thông tin về các vị đỗ võ khoa cao cấp của Việt Nam thời Lê và thời Nguyễn, trong đó có tên và thông tin về cụ Vũ Tất Nhậm (thứ tự số 95): “Vũ Tất Nhậm (1735 -?) người xã My Thự huyện Đường An, nay thuộc xã Vĩnh Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. 29 tuổi đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng khoa Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng 24 (1763) đời Lê Hiển Tông. Làm quan cai cơ”.

Năm Bảo Thái thứ 2 (1721), chúa Trịnh Cương quyết định mở Võ học sử (trường Võ học) tại Thăng Long và đặt chức quan giáo thụ dạy võ học, chính thức khởi đầu cho sự nghiệp đào tạo võ học, và từ đây bắt đầu có các nhà khoa bảng võ nghiệp Đại Việt. Sự kiện này mở đầu cho một thời kỳ nở rộ võ học chính quy của nước Đại Việt không chỉ có trình độ võ nghệ giỏi mà còn thông thạo võ kinh (lý thuyết quân sự) bài bản. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chính thức công nhận và vinh danh các nhà khoa bảng võ học với danh xưng là Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), nâng tầm võ nghiệp lên ngang hàng với văn nghiệp. Tổng số thời Lê trung hưng đã tổ chức 19 kỳ thi võ học trong vòng 69 năm, lấy đỗ 199 tạo sĩ

Năm Bảo Thái thứ 2 (1721), chúa Trịnh Cương quyết định mở Võ học sử (trường Võ học) tại Thăng Long và đặt chức quan giáo thụ dạy võ học, chính thức khởi đầu cho sự nghiệp đào tạo võ học, và từ đây bắt đầu có các nhà khoa bảng võ nghiệp Đại Việt. Sự kiện này mở đầu cho một thời kỳ nở rộ võ học chính quy của nước Đại Việt không chỉ có trình độ võ nghệ giỏi mà còn thông thạo võ kinh (lý thuyết quân sự) bài bản. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chính thức công nhận và vinh danh các nhà khoa bảng võ học với danh xưng là Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), nâng tầm võ nghiệp lên ngang hàng với văn nghiệp. Tổng số thời Lê trung hưng đã tổ chức 19 kỳ thi võ học trong vòng 69 năm, lấy đỗ 199 tạo sĩ

Tạo sĩ là học vị cao nhất về Võ khoa đời xưa, tương tự như Tiến sĩ ban Văn và cũng phải trải qua các khoa thi võ nghệ từ thấp lên cao, thường phải đậu Sơ cử (tức là Cử nhân Võ) xong mới được vào thi Bác cử để lấy Tạo sĩ.

Kỳ thi Sơ cử (Cử Võ) và Bác cử cũng phải thi viết lý thuyết khá gay go qua các kỳ thi. Do đó Tạo sĩ phải khá giỏi về chữ nghĩa văn hóa mới đọc được binh thư, kinh điển và làm được văn bài sát hạch trong khoa thi Tiến sĩ Võ. Vì thế, Tạo sĩ tuy rất giỏi thập bát ban võ nghệ và trải qua nhiều pha thi đấu các loại binh khí và coi như được xếp vào hàng võ nghệ cao cường rồi. Triều đình và Binh Bộ còn bắt các thí sinh phải lầu thông kinh sử, binh pháp và sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bắc Sử, Nam Sử nữa, bằng cách trả lời qua văn bài các câu hỏi rất chi tiết về chính trị, quân sự thời xưa và hiệntại khá ngoắt ngoéo để thử tài kiến thức, văn hóa của thí sinh võ. Ai có giỏi chữ nghĩa, thông hiểu các sách Tôn Ngô binh pháp, Hổ Trướng xu cơ, Binh thư yếu lược, Kinh, Sử, Tử, Tập,… mới viết được các bài văn nghị luận có cơ sở võ lược, chính trị quân sự xuất sắc.

Có thể nói, Tạo sĩ đời Hậu Lê cũng như triều Nguyễn (thế kỷ 18 và 19) là các bậc văn võ kiêm toàn cả. Đậu Tạo sĩ xong thường trở thành các tướng lĩnh và giữ chức vụ quan trọng ngoài biên ải, các trấn, doanh hoặc võ quan cao cấp trong triều đình.

Sách Bình nam thực lục[6] có ghi chép lại việc bình định phía Nam của Chúa Trịnh Sâm. Trong cuộc bình định này, Chúa giao cho Việp công Hoàng Ngũ Phúc giữ chức Bình Nam Thượng tướng quân, kiêm thống suất các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Hải Dương, An Quảng đem quân dinh và các tướng thực hiện việc bình định ở phía Nam. Trong số các tướng lĩnh, quân cơ theo Việp Quận công có cụ Vũ Tất Nhậm, lúc đó đang ở chức Thị nội Hữu hiệu Nhậm Vũ hầu Vũ Tất Nhậm (cụ đứng thứ 7 trong danh sách 20 tướng lĩnh trong đội quân của Việp Quận công), tham gia vào công cuộc Nam chinh gian khổ của nhà Trịnh./.

Trịnh Vũ Anh Xuân
Tháng 8/2023


[1] Trịnh Đình Mai (1914), Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ;

[2] Nguyễn Thúy Nga (2019), Võ cử và người đỗ võ khoa ở nước ta, NXB Khoa học xã hội, trang 134.

[3] Theo Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ;

[4] Vũ Hiệp, http://www.hovuvo.com/Default.aspx?View=ViewNews&NewsID=109

[5] Nguyễn Thị Nga (2019), Võ cử và những người đỗ võ khoa ở nước ta, NXB Khoa học xã hội

[6] Đinh Văn Thuân, chủ biên (2012), Bình Nam thực lục, Quyển II, trang 116 (được in trong tuyển tập Văn thơ Phủ chúa Trịnh), Viện Nghiên cứu Hán nôm, NXB Văn hóa thông tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *