Vũ Thái Phi được chúa Trịnh Cương rất mực sủng ái, là người quyền lực nhất chốn thâm cung, có vai trò lớn trong việc duy trì vương quyền họ Trịnh ở Đàng Ngoài nửa đầu thế kỷ XVIII
Mưu lược của “Bà chúa không ngai”
Vũ Thái Phi là vợ của chúa Trịnh Cương (tại vị 1709-1729), đồng thời là mẹ của hai chúa Trịnh Giang (tại vị 1729-1740) và Trịnh Doanh (tại vị 1740-1767). Bằng tài năng và mưu lược của mình bà đã giữ vững quyền lực cho gia đình, dòng họ.
Về thân thế của Vũ Thái Phi không có nhiều tài liệu ghi chép. Theo Vũ trung tùy bút cho biết, bà họ Võ, người làng Mi Thữ (Hải Dương). Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã theo mẹ đi làm thuê trong vùng. Có một sự lạ về Thái Phi như sau: Vào một trưa nắng mùa hè, Thái Phi theo mẹ ra ruộng cấy, tuy nhiên, ở trên bờ, bà đứng đâu là có đám mây che rợp đất ở đó, không sai chỗ nào.
Ông chủ thuê cấy bấy giờ là Võ Công lấy làm lạ và xin nhận làm con nuôi. Được ít lâu, bà mẹ đi làm thuê và qua đời, Thái Phi đổi sang họ Võ. Lớn lên, nhờ tài sắc vẹn toàn, bà được vào phủ hầu chúa Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương, và rất được sủng ái.
Năm 1729, Trịnh Giang lên nối ngôi chúa, khác với con 4của Cha trước đó, ông lại mải miết với yến tiệc, và thưởng ngoạn, đẩy tình hình chính sự đến mức rối loạn. Sau một lần bị sét đánh không chết, từ đó ông sợ sấm sét đến mức nghe lời tâu của nịnh thần xây dựng hành cung và sống dưới lòng đất. Trong những lần thiết triều, các quan đại thần phải xuống hầm tâu bày, các thế lực, đặc biệt là hoạn quan ra sức lũng đoạn triều chính. Xã hội ngày càng khủng hoảng do nạn cát cứ nhiều năm, nay vua, chúa lại ít quan tâm khiến tình hình càng tồi tệ, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi.
Trước tình hình đó, Vũ Thái Phi đã triệu tập một cuộc họp của quần thần, tiêu biểu có Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Công Thái, Trịnh Đại, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đình Hoàn… cùng nhất chí lật đổ chúa Trịnh Giang và phò tá chúa Trịnh Doanh lên ngôi ổn định tình hình chính trị.
Kế hoạch được nhanh chóng thông qua và tiến hành sau khi xin chỉ dụ của vua Lê (lúc này vua Lê chỉ là trên danh nghĩa, thực quyền trong tay các chúa Trịnh ở Đàng ngoài).
Trịnh Doanh lên ngôi chúa, xếp đặt cho Trịnh Giang làm Thái Thượng vương, tổ chức, sắp xếp lại triều đình, đồng thời tiêu diệt các nịnh thần, lộng thần sâu mọt đất nước.
Tình hình đất nước ổn định trong thời gian ngắn (chiến tranh liên miên 7 lần giữa lực lượng vua Lê chúa Trịnh ở Đàng ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng trong làm kinh tế kiệt quệ, thêm vào đó là thiên tai, mất mùa, các làng xã tiêu điều, kinh tế xơ xác) khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Thế kỷ XVIII còn được biết đến là thế kỷ của khởi nghĩa nông dân.
Cuối năm 1740, chúa Trịnh Doanh đích thân cầm quân về vùng Lạc Dạo (thuộc Hà Nam ngày nay) để tiêu diệt lực lượng của Vũ Đình Chung (lãnh tụ kiệt xuất của khởi nghĩa Ngân Già).
Vào đúng lúc này, kinh thành Thăng Long đang ở thế bỏ ngỏ khi lực lượng quân đội hầu hết đều hộ giá chúa đánh dẹp phía Nam.
Nguyễn Tuyển lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa nông dân bấy giờ (hoạt động chủ yếu ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) đã nhanh chóng kéo quân về uy hiếp chiếm thành Thăng Long.
Thời gian gấp, tình hình nguy hiểm cho cả vua Lê và phủ chúa, các quan văn chưa có đối sách gì, một lần nữa Vũ Thái Phi tiếp tục bộc lộ thiên tài của mình. Bà trực tiếp huy động tất cả vệ binh, lính hầu và dân chúng ra chặn đánh ở cửa thành, cầm chân quân khởi nghĩa, mặt khác cho sứ giả hỏa tốc báo về các trấn xin cứu viện, tình thế nước xa đang sắp không cứu được lửa gần.
Cuộc hành binh kỳ lạ
Thời điểm bấy giờ, các cánh quân có thể cứu viện cho Thăng Long đều ở xa và đều bị vướng vào chiến sự, ví như Kinh Bắc đang phải đối phó với phong trào Ninh Xá, đường về Thăng Long bị bao vây; trấn Sơn Nam đang cùng chúa chống quân khởi nghĩa của Ngân Già; còn lại trấn Sơn Tây do Tướng Văn Đình Dận trấn thủ, nhận được tin, ông nhanh chóng đưa quân về ứng cứu.
Tuy Sơn Tây cách kinh thành không quá xa, nhưng so với quân khởi nghĩa từ Thuận Thành Bắc Ninh về thì lại gấp đôi quãng đường và hành binh trong điều kiện khó khăn (không đủ kỵ binh, chủ yếu bộ binh).
Vì vậy, viện binh cần cấp tốc về kinh cứu giá bằng bất cứ giá nào. Vị tướng lão luyện này đã có một sáng kiến “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử Việt Nam.
Ông lệnh cho mỗi cơ lính mang theo một chiếc nồi lớn, ngâm gạo sẵn ở trong đó. Hai người khỏe gánh chạy theo đoàn quân, một người cầm bó đuốc lớn vừa đi vừa đốt dưới nồi, cháy hết bó này thì thay bó khác. Lúc cơm chín, mọi người lại chia nhau, vừa hành quân vừa ăn, không ngừng nghỉ.
Nhờ cách hành binh sáng tạo, quân cứu viện từ Sơn Tây đã kịp hộ giá Thăng Long khi trời vừa sẩm tối, cũng lúc đó quân khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển đã tập kết bên bờ sông Hồng.
Một trận kịch chiến đã không diễn ra, quân Nguyễn Tuyển buộc phải rút lui khi quân tiếp viện đến. Công đầu thuộc về Vũ Thái Phi, tiếp đó là tài dụng binh của Tướng quân Văn Bình Dận.
Liên hệ lịch sử
Về việc hành quân chớp nhoánh, thần tốc và hiệu quả trong lịch sử không phải không có. Thế kỷ XIII, vó ngựa Mông Nguyên tung hoành và trở thành nỗi khiếp sợ cho nhiều quốc gia, dân tộc và nhân dân trên thế giới.
Quân Mông Nguyên được ví là một đạo quân khổng lồ, thiện chiến, đi đến đâu sông cạn, núi mòn. Để thuận tiện trong việc hành binh và giao chiến trên sa trường, mỗi kỵ binh đều được trang bị đầy đủ vũ khí (cung, tên, đao, kiếm dài, đoản kiếm, dao nhọn… các đồ dùng cá nhân) và 02 ngựa chiến, một ngữa cưỡi và một ngựa dùng để tải đồ.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới, chiếc yên ngựa bằng đồng được các kỵ binh Mông Nguyên sử dụng có tác dụng làm chín bột mì và thịt bò do quá trình cưỡi ngựa, ma sát tạo ra sức nóng làm chín đồ ăn. Nhờ thế, hiệu quả chiến đấu và hành quân càng nhanh gọn, thiện chiến hơn.
Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) cũng có một cuộc hành binh thần tốc từ Phú Xuân (Huế) ra kinh thành Thăng Long (trong thời gian khoảng 20 ngày hành quân gần 700km). Và, trong 05 ngày (từ 30/12 đến mùng 5/1 Tết Kỷ Dậu tức ngày 25-30/1/1789) dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung nghĩa quân anh dũng chiến đấu, đánh tan 29 vạn quân Thanh cùng tay sai, giành lại kinh đô Thăng Long và độc lập dân tộc. Cuộc hành binh bí ẩn này cho đến hiện tại vẫn còn có nhiều kiến giải khác nhau.
Lời bình
Nhờ có sức mạnh của kỵ binh, bộ binh tiếp viện kịp thời mà Thăng Long được giữ vững, nhưng, trước đó nếu không có sự mưu trí, quyết đoán và tài chỉ huy của Vũ Thái Phi kéo dài, cầm chân quân khởi nghĩa giữa lúc kinh thành bị uy hiếp thì không thể lường trước được sự thể sẽ ra sao.
Vũ Thái Phi đã từng phế chúa cũ, bầu minh chúa mới cho họ Trịnh. Đây há chẳng phải một người phụ nữ mưu lược, uy quyền, một “Bà chúa không ngai” hồi thế kỷ XVIII hay sao.
Tài liệu tham khảo chính:
Bích Ngọc (2010), 36 Hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long Hà Nội, Nxb Thanh Niên, HN, Tr 157-159.
Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2005), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Tr 295-302.
Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Giáo dục, HN, Tr 342-352.
Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 291-292
Vũ Yến Anh biên tập