Tâm linh là một khoa học thần bí mà khoa học hiện đại ngày nay chưa thể tiếp cận để làm sáng tỏ bản chất như mọi khoa học khác. Việc giao tiếp với người âm, tìm mộ thất lạc, gọi hồn những người đã khuất, việc bói toán, xem thẻ, xem quẻ.v.v… là những ví dụ sống động về biểu hiện của khoa học này.

Tôi là người không thuộc tip người đồng bóng, không mê tín dị đoan, nhưng tôi vẫn luôn tin vào khoa học tâm linh, tin vào việc con người chưa thể hiểu hết về khoa học này. Câu chuyện tôi kể dưới đây về việc tìm mộ của Tổ tiên nhà tôi (người mà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên gọi là cụ) góp thêm một ví dụ về tâm linh mà tôi trực tiếp được trải nghiệm.

Vào cuối năm 2021, nhân một chuyến công tác tại Phú Thọ, tôi cùng mấy anh em cơ quan đi thắp hương Đền Mẫu Âu cơ. Tại đây, không hiểu năm đó tại sao, tôi lại có ý định xin một quẻ thẻ xem thế nào (tôi cũng hay đi đền chùa nhưng ít khi làm việc này). Quẻ thẻ khá tốt, tuy nhiên tại phần Gia trạch của quẻ lại có hai câu:

“Phần mộ quê xưa ai để lạnh;

Xem chừng gia cảnh vẫn chưa yên”.

Xem đi xem lại câu này tôi cứ băn khoăn mãi. Nói về “quê xưa” thì chắc là đúng với trường hợp của mình, tức là mình không ở nhà, là người rời xa quê, nhưng “phần mộ ai để lạnh”, tức là không khói hương thì mình không hiểu. Tôi có 1 vài lần về quê được đi tảo mộ nhân dịp Tết Thanh minh cùng các cụ trong họ, cũng thấy mồ mả các cụ tổ tiên đầy đủ cả, từ ông bà nội, các cụ, các kỵ…. (đến 5 đời), còn xa nữa thì mình làm sao biết được. Với lại mình không là trưởng chi hay trưởng họ gì cả, chỉ là trưởng một gia đình mà gia đình mình, bác mình, bố mẹ mình còn sống cả, nếu có liên quan đến mồ mả thì mình cũng chẳng phải lo. Tuy nhiên, nghĩ đến việc mồ mả tổ tiên để lạnh lẽo, không người hương khói làm cho tôi cũng chạnh lòng.

Tại thời điểm này, anh em tôi có nhờ một người anh con nhà bác ruột giúp xây dựng, quy hoạch một khu mộ cho gia đình sau này ở trong khu nghĩa trang của thôn. Mấy ngày trước, khi quy hoạch, tìm kiếm thăm dò ô đất mà chúng tôi chọn được đã tìm thấy 5 tiểu sành của 5 cụ nằm sâu dưới đất. Chúng tôi đã di chuyển các cụ đến một khu ngay sát khu mộ gia đình và xây dựng mồ mả gọn đẹp, đặt bia các cụ để tiện việc thờ cúng mỗi khi đi tảo mộ. Khi bốc được quẻ thẻ, tôi nghĩ có thể trong khu đất này vẫn còn ai đó ở dưới chưa được đưa lên, nên tôi đề nghị anh con bác thuốn kỹ lại một nữa nhưng không tìm thêm được cụ nào. Sau này tôi có nhờ Thầy ngoại cảm có khả năng tìm mộ về xem lần nữa thì cũng khẳng định, bên dưới ô đất đó, không còn cái tiểu hoặc mộ của cụ nào nữa. Nhờ vậy, tôi cũng yên tâm về việc này và tạm lãng quên về quẻ thẻ đã bốc trước đó.

Đầu năm 2023, nhân dịp Tết Thanh Minh (mùng 3/3), tôi có bố trí, tranh thủ về quê để tham gia đoàn các cụ, anh em, con cháu đi tảo mộ cho các cụ, ông bà tổ tiên, vì mọi năm tôi không phải lo việc này, do bố tôi còn sống (bố tôi mất năm 2022, đến nay đã được hơn 1 năm). Ngay buổi đi thăm mộ, thấy một số ngôi mộ của các cụ, có tên mà mình cũng không biết cụ ấy là như thế nào trong họ tộc; một số ngôi mộ thì xuống cấp và thấy bảo một số ngôi đã mất… tôi đã nảy ra ý định ghi lại tọa độ các mộ để sau này tìm trên Google Map cho dễ, đồng thời đề xuất làm Gia phả cho Chi tộc và nghĩ lúc nào có điều kiện thì sửa sang một số ngôi mộ đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Sau đó, tôi bắt tay vào biên soạn cuốn gia phả, cố gắng chắp nối được từ đời Thủy tổ phát tích đến ngày nay là 21 đời. Qua việc này, tôi đã xác định được chính xác cụ Thủy tổ của Chi tộc và các cụ tổ tiên của chi tộc theo đúng thứ bậc 9 đời (Thủy tổ, Viễn tổ, Thái tổ, Liệt tổ, Thiên tổ, Cao tổ, Tằng tổ, Tổ, Phụ).

Cuối năm 2023, nhân ngày chủ nhật được nghỉ, tôi về quê, rủ thêm mấy anh em trong họ đi xem thử một cái mộ của tổ tiên bị mất xem có manh mối gì không, tiện thể ghé qua 2 cái mộ bị xuống cấp, xem có thể sửa chữa, tu bổ được không. Nào ngờ, việc chính tìm mộ của cụ bị mất thì ít thấy phương hướng nhưng việc tu sửa 2 ngôi mộ xuống cấp chỉ là phụ thì lại cực kỳ thuận lợi, thậm chí như có người chuẩn bị, hỗ trợ cho mình để thực hiện. Nên ngay buổi tối ngày hôm đó, tôi quyết định mời các cụ trong dòng họ, anh trưởng chi cùng mấy anh em đến nhà bố mẹ tôi họp bàn việc tu bổ, sửa sang. Tất cả đều đồng thuận, nhất trí cao về việc này.

Sau đó một tuần, vào ngày 16/12/2023 (tức ngày 4/11 âm lịch), gia đình chúng tôi làm lễ kính cáo gia tiên, tiền tổ cho phép tu bổ, tôn tạo một số ngôi mộ đã xuống cấp, sửa chữa một số bia mộ ghi sai và hư hỏng …. Ngôi mộ đầu tiên tu bổ, sưa chữa là mộ cụ Thái tổ Vũ Danh Liêu (theo thứ bậc 9 đời). Tuy nhiên, bia mộ trước đây lại ghi nhầm là cụ Thủy tổ. Sau một tuần, ngôi mộ của cụ Vũ Danh Liêu đã được sửa sang, tu bổ hoàn thiện. Anh em chúng tôi, tiếp tục bước vào sửa chữa, tu bổ ngôi mộ cụ Vũ Đại Đức Hiền. Theo Gia phả tôi đã xác định đây mới là cụ Thủy tổ của Chi tộc chúng tôi.

Cụ Thủy tổ Vũ Đại Đức Hiền sinh thời đã được tiền Lê triều phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thần vũ tứ vệ quân vụ sự, Tổng binh sứ, Tham nghị trung doanh, Tả trưởng phủ đô đốc; gia phong Anh liệt đại vương Vũ Tướng công, hiệu Đại Đức Hiền.

Theo các cấp bậc được phong nêu trên xưa thì cụ là quan võ (võ tướng), hàm từ Chánh Tam phẩm (Tổng binh sứ) (tương tự như Tư lệnh Quân khu ngày nay) rồi đến Tòng Nhất phẩm (tương đương như Thứ trưởng, Bộ Quốc phòng hiện nay). Cụ mất ngày 28 tháng 5, không rõ năm, mộ tọa tại Mả Thừa, My Thử (nay là thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng). Cụ được phong là Thành Hoàng làng tại xã Trung Mâu, tổng Phù Đổng, Phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Theo Gia phả ghi lại là có thần sắc, vị hiệu nhưng không còn giữ được đến ngày nay.

Mộ của Cụ trước đây là mộ đất. Vào khoảng năm 2013, các cụ hậu duệ và con cháu trong Chi tộc đã tôn tạo, xây dựng lại khu mộ của Cụ trên nền khu mộ đất cũ, có diện tích khoảng 55m2 (xây vuông, trát phẳng, trên mặt phẳng 55m2 có đặt nấm mộ). Nghe các cụ trong Chi tộc kể lại, trước đây khu mộ có diện tích lớn hàng trăm mét vuông, nhưng do khu mộ nằm giữa cánh đồng nên khi canh tác, người dân cứ lấn dần, lấn dần và cuối cùng chỉ xây được 55m2 là hết đất. Đến gần đây, do dồn điển, đổi thửa, khu lăng mộ không còn cả lối đường vào.

Ngày 21/12/2023, chúng tôi bắt tay vào việc tu bổ, xây dựng lại mộ của Cụ. Khi đào đất để chuẩn bị cho việc làm hàng rào khu lăng mộ thì phát hiện một quách bằng gỗ Ngọc Am dài hơn 1m, rộng khoảng hơn 0,3m, nằm cách lăng mộ khoảng 3m về phía trái trên đầu lăng mộ cũ (không nằm trong lăng mộ). Chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng, không biết thế nào và dự đoán, có thể là mộ của cụ Vũ Đại Đức Hiền, theo thời gian bị trôi mộ hoặc mộ của nhà khác thấy đất đẹp nên đã táng người thân vào cùng khu đất đó. Thấy vậy, tôi đã liên hệ với Thầy Lập tại Uông Bí, Quảng Ninh, là một thầy phong thủy, cũng là một nhà ngoại cảm có khả năng tìm được mộ để nhờ giúp đỡ.

Từ cơ quan ở Hà Nội, tôi gọi điện cho Thầy hỏi về việc này và nhờ Thầy về xem giúp, Thầy nhận lời và đã nói luôn, ngôi mộ này nó liên quan đến 3 ngôi mộ ở gần đó; ngôi mộ này nằm cạnh chỗ có nước hay gì đó tương tự (rãnh, ao hồ….). Ngoài ra, Thầy còn nói, việc này nó cái gì đó làm cản trở, làm chậm lại công việc, sau đó thì Thầy dặn dò tôi chuẩn bị các lễ để ngày hôm sau Thầy đến để xác định xem ngôi mộ chúng tôi mới đào thấy có phải là mộ Tổ bị trôi hay trong mộ có còn không?….

Ngày 23/12/2023, trời trở rét đậm, rét hại ở miền Bắc, thời điểm buổi sáng ở quê tôi (Hải Dương) nhiệt độ xuống đến 8độ C. Khoảng 8h30 sáng, tôi đưa Thầy ra cánh đồng có khu lăng mộ, trời rất lạnh, gió Bắc thổi mạnh, nên việc thắp hương, đốt nến rất khó khăn. Sau khi sắp lễ xong, Thầy đọc cho tôi ghi bài khấn để tôi tự đọc bài khấn, sau đó dặn dò mọi người về cách làm.

Phương pháp của Thầy thực hiện là dùng một chiếc đũa cắm xuống đất nơi nghi có mộ và đặt quả trứng gà sống nằm ngang trên đầu chiếc đũa đó. Nếu quả trứng đứng yên trên đầu đũa thì nơi đó có mộ của tổ tiên.

Trong trường hợp cụ thể của chúng tôi, Thầy dặn dò gia đình chúng tôi, lần lượt mỗi người tay trái cầm 1 quả trứng, tay phải cầm 1 chiếc đũa lần lượt cắm từng nơi: (1). Chỗ thắp hương ở mộ cũ và (2). Chỗ mộ mới tìm thấy, nếu chỗ nào, người nào cắm chiếc đũa, sau đó đặt trứng đứng được trên đầu đũa nơi đó là mộ của tổ tiên muốn tìm.

Theo hướng dẫn, sau phần nghi lễ của Thầy, 7 người trong gia đình chúng tôi lần lượt từ các cụ cao tuổi trước, trẻ tuổi sau, tai trái cầm quả trứng, tay phải cầm chiếc đũa đi cắm lần lượt từng nơi. 7 người thay nhau, mỗi người làm 3 lần cho một lượt.

Hết lượt thứ nhất, 7 người không ai có kết quả như mong đợi. Trong khi đó, tại thời điểm cùng với gia đình chúng tôi, Thầy cũng đang giúp, hướng dẫn từ xa một gia chủ gia khác ở Quảng Ninh tìm mộ người vợ. Trong khi gia đình chúng tôi chưa thực hiện hết một lượt thì ở Quảng Ninh, gia đình tìm mộ người vợ báo tin quả trứng đã đặt được vào đầu đũa. Chúng tôi hy vọng lượt tới, gia đình mình cũng sẽ tìm được mộ của Tổ tiên như gia đình kia.

Lần thứ hai, kết quả cũng như lần trước, không ai đặt được quả trứng trên chiếc đũa, mặt dù ai cũng nghĩ ngôi mộ mới tìm thấy đúng là mộ của chúng tôi. Gia đình tôi, ngay cả tôi cũng bắt đầu hoang mang, không biết do cái gì mà không làm được. Hầu hết mọi người đều nghĩ, gió to như thế này thì làm sao đặt được quả trứng trên đầu đũa. Có người còn không tin vào việc này ngay từ đầu nên sau 2 lần không đặt được trứng, niềm tin đó lớn dần và bắt đầu xì xào. Có người nghĩ rằng do gió to quá, cứ thắp được hương xong là tắt thì các cụ không phù hộ.v.v…

Lần thứ 3, 7 người lại tiếp tục làm như quy trình trên nhưng cũng không ai đặt được quả trứng.

Ngay từ ban đầu, khi đang vào lễ được một lúc, Thầy đang lễ đã phải nói luôn rằng, hôm nay việc tìm kiếm có thể khó khăn, các cụ và mọi người phải kiên trì, có thể phải đến qua 12h thậm chí đến 13h mới có thể tìm được. Nếu sau 3 lần đầu không tìm được thì sẽ phải thực hiện vòng thứ hai vào lúc 11h.

Do vậy, sau 3  thực hiện không thành công, Thầy nói chúng tôi nghỉ ngơi, đợi đến 11h sẽ làm tiếp. Ở lần đặt trứng thứ 3, có một chú em trong gia đình đã nói nhỏ với tôi hay là hôm nay không có anh trưởng họ nên không đặt được, tôi gạt đi và cho rằng, điều đó không quan trọng, quan trọng nhất là mọi người ở đây thành tâm là được rồi. Tuy nhiên, khi nghỉ giải lao, tôi có nói điều đó với Thầy, Thầy nói phải gọi người trưởng họ đến đây, tôi nói anh ấy yếu không ra được. Thầy hỏi, anh ấy có con trai không thì bảo đến. Thấy vậy, tôi đã gọi điện cho cháu Quý là con trai của anh trưởng, cháu đích tôn của Chi tộc nhà tôi, đang đi làm công trình ở Thị trấn Kẻ Sặt trở về Khu lăng mộ.

Khi cháu trưởng về đến nơi, Thầy đã làm lễ cho cháu để đặt trứng, giống như chúng tôi đã làm trước đó, nhưng vẫn không được. Tất cả lại nghỉ giải lao, ngồi chờ đến 11h.

Đúng 11h, Thầy lại châm hương, bắt đầu làm lễ trở lại. Lại lần lượt từ người cao tuổi đến người ít tuổi, cháu trưởng là người cuối cùng. Khi đến lượt cháu đặt trứng ở ngôi mộ mới tìm thấy, thì trứng đứng được mấy giây, sau đó lại rơi xuống. Thầy đề nghị tất cả chúng tôi xuống dưới cùng lễ, trợ duyên cho cháu, để đặt lại. Cháu đặt lại nhưng vẫn không được. Chúng tôi tiếp tục làm lần thứ hai. Cháu trưởng lại là người cuối cùng đặt trứng. Kỳ lạ thay, ở lần này, quả trứng cháu đặt trên chiếc đũa ở ngôi mộ mới tìm đã đứng yên, không nhúc nhích. Thầy kêu to, đặt được rồi.

Tất cả chúng tôi đang đứng trên mộ đều ùa xuống phía dưới, quỳ lạy nơi ngôi mộ mới tìm thấy và nơi quả trứng đang đậu trên chiếc đũa một cách kỳ lạ. Gió vẫn thổi ràn rạt, giật liên hồi theo từng cơn, làm bay mọi đồ đạc, túi tắm đựng đồ, nhưng quả trứng trên cây đũa như có keo dính chặt. Thật vô tình, chiếc đũa mà cháu trưởng chọn lại là chiếc đũa bé, khi cắm xuống đất lại hơi nghiêng, vậy mà quả trứng vẫn đứng vững như bàn thạch, không hề suy chuyển.

Theo chỉ dẫn của Thầy, chúng tôi lại dọn đồ lễ ở ngôi mộ cũ xuống dưới ngôi mộ mới tìm thấy, Thầy lễ, chúng tôi lễ theo. Thầy nói sẽ phải đợi 1h, tức là khoảng 12h30 sẽ hạ lễ, hạ trứng trên đầu đũa. Sau lễ, tất cả mọi người tản ra ngoài chờ đợi để hạ lễ.

Việc đến đây tưởng như là xong, những ngày sau, chúng tôi tiếp tục dỡ bỏ ngôi mộ cũ vì cho rằng trong đó không có mộ, vì mộ của cụ Tổ đã bị trôi ra ngoài không còn ở trong nữa. Nào ngờ, 2 ngày sau dỡ bỏ mộ cũ và đào móng khu mộ mới, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm 1 quách khác, lớn hơn quách cũ, cũng gỗ Ngọc Am. Ban đầu anh em nói, cái Quách mới phát hiện nằm ở phía trên đầu hướng Bắc của cái Quách đã tìm thấy trước đó. Tôi ngay lập tức gọi điện cho Thầy phong thủy tôi đã nhờ trước đó, Thầy nói, cái Quách mà chúng tôi tìm thấy trước đó khẳng định 100% là tổ tiên của chúng tôi, không phải người ngoài. Tuy nhiên, nếu cái Quách mà chúng tôi mới phát hiện thêm mà nằm đúng trong cái mộ xây cũ, đồng thời có cái gì chỉ báo, giống như là đánh dấu và trong khu đất đó còn phải có một cái Quách nữa (tổng số có 3 cái) thì đó mới chính là ngôi mộ chúng tôi đang định xây cho cụ (tức là cụ Vũ Đại Đức Hiền). Còn không như vậy, thì cái Quách chúng tôi phát hiện hôm trước, đã đỗ quả trứng chính là ngôi mộ của cụ Vũ Đại Đức Hiền. Thầy nói thêm, dù gì đi nữa thì cái Quách này vẫn là các cụ tổ tiên của gia đình chúng tôi, chứ không phải của người ngoài táng vào đó.

Theo Thầy nói, chúng tôi rà soát, xác định lại thì thấy cái quách thứ 2 mới tìm thấy đúng là quách của cụ Vũ Đại Đức Hiền, người mà chúng tôi gọi là Thủy tổ và đang định xây lại mộ cho Cụ. Cái Quách của Cụ cũng bằng gỗ Ngọc Am nhưng kích thước lớn hơn, có vẻ mới hơn cái Quách thứ nhất đã tìm thấy trước đó. Cái Quách này không phải nằm ở hướng trên đầu cái Quách thứ nhất mà nằm ở chính giữa nấm của mộ xây cũ (thỏa mãn điều kiện thứ 1). Gần Quách chúng tôi đã phát hiện thấy một Bia bằng xi măng, ghi tên của Cụ để đánh dấu, do chính tay các cụ của chúng tôi đã đặt cách đây gần 30 năm. Trên nắp của Quách có đặt một cái tiểu nhỏ màu gạch đỏ (thỏa mãn điều kiện thứ hai). Như vậy, nếu tìm thấy thêm 1 quách nữa (đủ 3 điều kiện) thì đây là mộ của cụ Thủy tộc Chi tộc của chúng tôi.

Chúng tôi tiếp tục đào bới theo khuôn viên để làm hàng rào. Đến buổi chiều, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm một quách thứ 3. Quách này cũng bằng gỗ Ngọc Am, có kích thước, niên đại (cũ kỹ) giống như cái Quách thứ nhất đã phát hiện. Tức là so với cái Quách thứ 2, quách thứ 1 và quách thứ 3 giống nhau về kích thước, hướng đặt và cũ kỹ hơn (nhiều năm hơn) so với Quách thứ 2. Như vậy, theo Thầy phong thủy, đã thỏa mãn đủ 3 điều kiện để khẳng định đây là Quách của cụ Thủy tổ Chi tộc Vũ Đại Đức Hiền, người mà chúng tôi đang định xây dựng lại mộ cho Cụ. Buổi tối, tôi lại tranh thủ gọi điện cho Thầy, nói về tình hình đã tìm thấy cái Quách thứ 3 và với những đặc điểm như Thầy nói. Thầy nói, như vậy, cái Quách thứ 2 chính là mộ mà chúng tôi đang tìm kiếm để xây lại (cụ Vũ Đại Đức Hiền) và chỉ có 3 cái như vậy thôi, không thể có cái thứ 4 được nữa.

Ngày hôm sau, anh em chúng tôi lại tiếp tục đào bới khắp khu mộ để xem còn cái Quách nào nữa không nhưng tuyệt nhiên như Thầy phong thủy đã nói, không còn cái Quách nào khác.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã điều chỉnh lại thiết kế Khu lăng mộ. Thiết kế mới, điều chỉnh lại lấy theo tâm của Quách thứ 2, tức là Quách của cụ Vũ Đại Đức Hiền làm trung tâm, đồng thời bổ sung 2 ngôi mộ mới là 2 Quách thứ nhất và Quách thứ ba trong quy hoạch, tôn tạo, xây dựng lại Khu lăng mộ.

Do bận rộn và ngay lúc đó cũng không nghĩ ra, khoảng một tuần sau đó, tự nhiên tôi nghĩ đến việc xem lại Gia phả, xem lại ở Khu đó có ghi chép gì về việc chôn cất các cụ của tổ tiên ở đó không. Khi xem kỹ lưỡng hết toàn bộ Gia phả, tôi giật mình, vì không thể ngờ được, 2 cái quách mà chúng tôi mới tìm được lại chính là 2 vợ chồng cụ Thủy tổ của dòng họ Vũ thôn Phục Lễ là cụ Vũ Quảng Nghị, cách đây gần 500 năm, là người đã khai sáng ra dòng họ Vũ thôn Phục Lễ.

Theo sách Gia phả của cụ Trịnh Danh Mai biên soạn bằng chữ Hán năm 1914, khu Mả thừa, thôn Me Thữ có đặt lăng mộ của 5 cụ trong Tổ tiên gồm:

(1). Cụ Vũ Tất Phù, được coi là Dưỡng tổ của dòng họ Vũ; cụ là bố nuôi của cụ Trịnh Quảng Nghị (quê quán Tổ Hỏa, Yên Mỹ, Hưng Yên) và cụ Vũ Thị Ngọc Xuyến (vợ của chúa Trịnh Tạc).

(2). Cụ Vũ Quảng nghị, quê quán Tổ Hỏa, Yên Mỹ, Hưng Yên, là con nuôi cụ Vũ Tất Phù, sinh ra dòng họ Vũ tại Phục Lễ (Đời thứ 3 tính từ Tổ Hỏa). Theo Gia phả, Cụ cũng là võ tướng của triều đình, được phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, bao phong Thái Bảo, gia phong Thái phó Nghị Quận công, tự Quảng Nghị, thụy Phúc Diễn, húy Trung Lịch. Mộ theo hướng tây nam. Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là cháu gọi cụ Vũ Quảng Nghị là cụ

(3). Cụ bà, vợ cụ Vũ Quảng Nghị tên là Vũ Thị Vân, thụy Từ Nhã Quận phu nhân. Mộ đặt theo hướng đông nam.

(4). Cụ Vũ Đại Đức Hiền, cụ Thủy tổ của Chi tộc Vũ – Trịnh (Đời thứ 12); được phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Thần vũ tứ vệ quân vụ sự, Tổng binh sứ Tham nghị trung doanh, Tả trưởng phủ đô đốc; gia phong Anh liệt đại vương.

(5). Cụ bà Trịnh Thị Văn, vợ cụ Liệt tổ Trịnh Danh Thước (Đời thứ 15).

Theo đó, trong 5 ngôi mộ thì có 3 ngôi mộ, trước thời điểm tôn tạo, xây dựng đang hiện hữu, đã được các con cháu hương khói, gồm:

(1). Mộ cụ Vũ Danh, nằm ở khu ruộng khác, nhưng trong khu Mả Thừa. Bia mộ chỉ ghi chung là mộ cụ chi tộc Vũ Danh;

(2). Mộ cụ Vũ Đại Đức Hiền. Bia mộ ghi rõ tên, chức vụ;

(3). Mộ cụ Vũ Thị Văn, vợ cụ Trịnh Danh Thước. Bia mộ ghi rõ tên cụ, nằm ở Nghĩa trang thôn My Thữ (trước đây cũng gọi là Mả Thừa).

Như vậy, theo Gia phả so với thực tế trước khi tôn tạo, xây dựng thì có 3 ngôi mộ táng ở Mả Thừa không rõ thông tin và bị mất tích không có dấu vết, gồm:

(1). Mộ cụ Vũ Tất Phù, Dưỡng tổ của dòng họ;

(2). Mộ cụ Vũ Quảng Nghị, Thủy tổ của dòng họ.

(3). Mộ cụ bà vợ cụ Vũ Quảng Nghị

Căn cứ vào Gia phả dòng họ, các cứ liệu thực tế khi phát hiện 3 quách trong Khu lăng mộ cụ Hiền và cả yếu tố tâm linh, chúng tôi đã đi đến kết luận, xác định được mộ của cụ Vũ Tất Phù và vợ chồng cụ Vũ Quảng Nghị như sau:

(1) Trong Khu lăng mộ của cụ Vũ Đại Đức Hiền, là lăng mộ của vợ chồng cụ Vũ Quảng Nghị (cách đây gần 500 năm), vì:

– 2 quách tìm thấy thực tế đều có cùng vật liệu là gỗ Ngọc Am. Cụ Vũ Quảng Nghị là quan võ, được phong Nghị Quận công hàm Chánh nhất phẩm. Do vậy, khi mất cả hai ông bà được triều đình quan tâm, chôn cất chu đáo bằng gỗ Ngọc Am. Đây là loại gỗ quý, chuyên việc chôn cất vua chúa, hoặc các vị quan có quyền cao, chức trọng trong triều đình.

– Hình dáng, kích thước giống nhau (dài khoảng 1,3m; rộng 0,3m);

– Hai quách đặt xa nhau, nhưng song song, ngược chiều. Theo Gia phả thì cụ ông Vũ Quảng Nghị hướng tây nam; cụ bà hướng đông bắc. Thực tế khi phát hiện 2 quách có chiều đúng như vậy.

– Hai quách cùng thời với nhau (cũ kỹ giống nhau) và cũ kỹ hơn so với Quách của cụ Vũ Đại Đức Hiền.

(2) Từ đó, suy ra, ngôi mộ táng tại Mả Thừa còn lại mà bia ghi là cụ Vũ Danh là mộ của cụ Vũ Tất Phù, Dưỡng tổ của dòng họ Vũ, cách đây khoảng 500 năm.

Như vậy, từ ý định tôn tạo, xây dựng lại mộ của cụ Thủy tổ Vũ Đại Đức Hiền, Chi tộc chúng tôi đã phát hiện thêm 02 ngôi mộ của tổ tiên, là Thủy tổ của dòng họ Vũ thôn Phục Lễ. Đây là một cơ duyên tiền định, là một vinh dự cho Chi tộc Vũ Trịnh chúng tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao, Thủy tổ khai sinh ra chúng tôi họ Trịnh, gần 500 năm đã có thêm bao nhiêu chi, nhánh, ngành…, bao nhiêu hậu duệ nhưng chỉ có Chi tộc chúng tôi là mang tên Vũ Trịnh vì có người mang họ Trịnh, có người họ Vũ và cuối cùng được vinh dự, tự hào hương khói, thờ phụng cụ Thủy tổ dòng họ Vũ 5 chi Phục Lễ, người chính danh họ Trịnh (Trịnh Quảng Nghị), nguyên quán từ Tổ Hỏa, Hưng Yên người khai sáng ra dòng họ Vũ 5 chi tại thôn Phục Lễ.

Quay lại với khoa học tâm linh, Thẻ quẻ mà tôi bốc được cách đây 3 năm trước tại Đền Mẫu Âu cơ đã được làm sáng tỏ. Thật không thể tin được, hậu duệ Đời thứ 20, chúng tôi lại có cơ duyên tìm được mộ của Tổ tiên là Thủy tổ của dòng họ cách đây gần 500 năm để thờ phụng. Chỉ có tâm linh mới dẫn dắt chúng tôi làm được điều như vậy. Xét về mặt khoa học khảo cổ, những quách và hài cốt của tổ tiên chúng tôi tìm thấy xứng đáng là di sản văn hóa, là cổ vật không chỉ riêng của dòng họ, chi tộc mà còn cả một vùng đất địa linh, nhân kiệt cần phải được gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần cho con cháu hôm nay và mai sau./.

Ảnh: Phả đồ Tổ tiên dòng họ Vũ thôn Phục Lễ
(Cụ Trịnh Quảng Nghị, Đời thứ 4 và cụ Vũ Đại Đức Hiền, Đời thứ 12 trong Gia phả)

Trịnh Vũ Anh Xuân, tháng 01/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *