Thế kỷ 18 làng My Thử (Phục Lễ ngày nay) còn được gọi với cái tên: “Nơi ở của quí tộc đương triều”(1), bởi nơi đây là quê hương của 2 Bà chúa và của nhiều vương quan, đại thần thời Lê – Trịnh.

1. Bà Vũ Ngọc Huấn (vợ Chúa Trịnh Tạc) (4): Bà có công với đất nước cho nên triều đình phong kiến đã lập Bia sinh từ (1679) ghi công lao của bà. Bà là nhân vật chính trong bài viết của tác giả Đặng Văn Lộc: “Văn bia hơn 300 tuổi bị lãng quên” (đăng trên báo Hải Dương và báo Người đại biểu nhân dân) (4b).

2. Bà Vũ Thị Ngọc Nguyên – (vợ Chúa Trịnh Cương 1680 – 1729). Bà là mẹ của Chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Các đời chúa Trịnh về sau (Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Khải, Trịnh Bồng đều là cháu ruột của bà). Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã được triều đình phong kiến đánh giá và phong tặng: “Ý công hậu đức trang hành đoan nghị đức Quốc thánh mẫu” (5). Thời phong kiến Việt Nam chỉ có 02 người được phong Quốc thánh mẫu: 01 là mẹ của Lê Lợi và người thứ hai là Bà.

3. Ông Vũ Công Bính (1705 – 1764), tên húy là Thiết Trấn, tự là Như Tông, thụy là Trung Hậu, sinh ngày 25 tháng 9 năm Đinh Hợi (1705); mất ngày 28 tháng 9 năm Bính Tuất (1766), hưởng thọ 61 tuổi. Đương thời ông là một nhân vật chính trị quan trọng “Tứ kim chính trị” (6). Đương thời, Ông được phong: “Bính trung quân Vũ Tất Thận; được cấp mũ, đai trang sức bằng vàng”(10a); “mùa thu tháng 7 năm ất sửu – Cảnh hưng thứ 6 (1745) thăng Bính Quận công…” (10b). Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng soi cho hậu thế (7). Ông làm quan triều Lê – Trịnh đối lập với nhà Nguyễn nhưng Ông không bị nhà Nguyễn thù ghét mà ngược lại Ông còn được ca ngợi, truy tặng nhiều sắc phong “bảo dực trung hưng”(8) “tôn thần hộ Quốc tý dân”(9).v.v…

4. Ông Vũ Tất Nhậm thi võ đỗ “Tạo sĩ” (1763). Khi mất Ông được nhân dân tại Hoang xá – Thượng Nguyên tôn thờ làm thành hoàng (11).

5. Ông Vũ Đại Đức Hiền, Tả trưởng phủ đô đốc Tỉnh Bắc Ninh, sau khi mất nhân dân Trung Mầu – Phù Đổng – Từ Sơn – Bắc Ninh tôn thờ làm Thành hoàng (12).

6. Ông Vũ Phúc Đạt (Thạch Lộc Hầu) Tổng binh Đồng tri (13). Ngôi mộ táng nơi ông yên nghỉ tại cánh đồng thôn Me trai, năm 1990 do máy cầy đụng tới, 6 gia tộc trong làng đều nhận, sau đó phòng văn hóa Huyện Bình Giang phải vào cuộc để giải quyết.

Ngoài ra, theo Bia văn chỉ huyện Đường An (dựng năm Thiệu Trị thứ 4, triều Nguyễn Gia Long năm 1844), làng My Thứ còn có 3 đồng tiến sỹ là: Lê Kim Quế, Lê Kim Bàng và Phạm Minh.

Đây là những nhân vật lịch sử được sinh ra từ làng Phục Lễ, cuộc đời và sự nghiệp của họ đã tạo nên lịch sử bi – hùng một vùng đất xứ Đông, họ mãi mãi là niềm tự hào của làng Phục Lễ, những gương mặt góp phần làm nên lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chú dẫn:

– (1)* Sách Giai thoại Người Họ Vũ của Giao sư Vũ Ngọc Khánh Viết về Vũ trác Oánh.
– (3), (6), (7), (8), (9)* Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm 1924 của Vua Khải Định tại nhà thờ họ Vũ Thôn Phục Lễ.
– (2), (4), (5), (11), (12), (13)* Sách Vũ Tộc Phả ký tại Thôn Phục Lễ.
– (4) “Văn bia hơn 300 năm tuổi bị bỏ quên”, “Những di tích của làng Phục Lễ bị lãng quên – Tác giả Văn Lộc, Ngọc Hùng (đăng trên báo Hải Dương và Người đại biểu nhân dân).
– (5) Kim tỏa thực biên của Vương tộc họ Trịnh.
– (10a), (10b) Đại việt Sử ký tục biên 1676 -1789 trang 160; 162.

Trịnh Danh Quê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *