Cung phi Vũ Thị Ngọc Xuyến là một trong 36 hoàng hậu, hoàng phi được tác giả Nguyễn Bích Ngọc trình bày trong cuốn sách ” 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội”, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2010. Dưới đây là bài viết trong cuốn sách đó

Bà sinh ngày mồng 8 tháng 3 năm Giáp Thìn (1604) lúc nhỏ họ Phạm, vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, đi làm con nuôi cho gia đình họ Vũ. Do có nhan sắc nên được chúa Trịnh Tạc lấy làm vợ, phong Chiêu nghi, rồi lên Đệ nhất cung Tần. Ngày 15 tháng 3 năm Đinh Sửu (1637), 34 tuổi, bà sinh quận chúa Ngọc Lan.

Khi về thăm quê hương, Chiêu Nghi cám cảnh dân tình nghèo khổ, bà đã bỏ tiền ra mua 10 mẫu, 2 sào, 8 thước ruộng tặng làng. Quận chúa Ngọc Lan cũng theo gương mẹ mua 6 mẫu, 2 sào ruộng và ao, cúng hậu các chùa. Sau đó, Chiêu Nghi lại xin nhà chúa cho mua 529 mẫu ruộng nữa để hiến dân cày và cải tạo đất đai. Làng Xuân Tảo tên Nôm là Táo. Thời Lê Trịnh là Quả động, Minh quả, nhiều ruộng trũng, đầm lầy, hoang hóa. Trước thường dùng nhốt tù binh Chiêm Thành (Thời Lý – Trần). Nên lúc đó, Chiêu Nghi cho cải tạo đất đai, sau trở thành màu mỡ, nang cao được thành quả lao động của dân nghèo.

Những năm tháng cuối đời, bà dốc tâm sức của cải trùng tu Đền Sóc (thờ Thánh Gióng), một công trình văn hóa quy mô ở Thăng Long.

Bà mất ngày mồng 8 tháng 6 năm Bính Dần (1686), thọ 82 tuổi.

Nhớ ơn bà, dân làng Xuân Tảo và vùng ven đô bên Hồ Tây đã lập Châu Cung Quế Phủ và dựng tượng thờ bà.

Hơn ba trăm năm qua, trải qua bao phen nắng mưa, binh lửa, trải qua bao thế cuộc thăng trầm, có khi phiêu tán, ẩn dật đó đây, để tránh sự tàn phá của khói lửa chiến tranh. Kết cục, cho tới ngày nay, pho tượng Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến vẫn trở về ngự tại Châu cung Quế phủ, nơi thờ bà Chúa, trong khu Lộc, tại làng Xuân Tảo (nay là Xuân Đỉnh, thuộc Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

(Ảnh. Tượng bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến, vợ chúa Trịnh tạc, hiện thờ tại Đền Sóc, Xuân La, Xuân Đỉnh, Hà Nội – Ảnh của: họa sĩ Trịnh Quang Vũ, trong “Trang phục triều Lê Trịnh” của NXB Từ điển Bách Khoa)

Tác phẩm tượng Chiêu nghi tại Khu Lộc, làng Xuân Tảo (hiện để trong hậu cung) thuộc loại điêu khắc chân dung quý hiếm, đan bằng mây song sơn mài bên ngoài. Đó là một tác phẩm di tích có giá trị của Thủ đô còn lưu giữ được đến ngày nay. Nếu tính cả pho tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Láng mới là cái thứ hai của nước ta.

Nhân vật Chiêu Nghi được tạo hình rất sinh động thông thế ngồi thanh nhàn, đế vương (Mahafalilasana). Hai bàn tay bà đang ấn quyết bằng ngón trỏ và ngón cái, tượng trưng cho những ý nguyện thực hiện và sự hoàn thiện của trí tuệ, của tâm linh. Về giá trị nghệ thuật cũng nêu bật được những chuẩn mực về vẻ đẹp của phụ nữ Á Đông, biểu lộ được vẻ: “mặt hoa da phấn”, nét thông minh, kiêu sa và cương nghị, lại rất phúc hậu. “Cổ kiêu ba ngấn”, làn môi dày tươi tắn, lông mày lá liễu, mắt đen, to và sáng, vừa nhìn vào cõi vô định xa xăm, vừa có vẻ trầm tư, đầy nội tâm. Làn tóc mai tha thướt uốn hơi cong và dải tóc dài buông rủ sau gáy, dưới chiếc mũ miện vương giả. Tượng bà Chiêu Nghi đẹp đến quý phái, cao sang.

Đến nay, hàng năm, dân làng Xuân Tảo và vùng ven đô bên Hồ Tây vẫn làm lễ những ngày húy kỵ của bà, và gọi là bà Chúa Châu cung Quế phủ. Bà rất linh ứng.

Nguyễn Bích Ngọc
(Trích trong tác phẩm: “36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *