Ông vẫn vậy! Chỉ khi làm tốt công việc của một người thầy thuốc, một người thầy giáo, một người quản lý ông mới vui lòng. Bởi ông cho rằng, Y học có phát triển thì sức khỏe người dân mới được chăm sóc một cách tốt nhất. Vì vậy, ông luôn mang tâm huyết và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cao quý này,…Với cái tâm trong sáng ấy, PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Kinh tế Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Phổi Trung ương, nguyên Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế – Trường Đại học Y tế Công cộng luôn được đồng nghiệp tin tưởng, được học trò quý mến, và được bệnh nhân tin yêu.

Lớn lên từ truyền thống quê hương, gia đình

PGS.TS. Vũ Xuân Phú sinh ngày 10 tháng 11 năm 1964 tại xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương – vùng đất đã sinh dưỡng và hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Đó là những nhà quân sự chính trị, ngoại giao, những nhà văn hóa, khoa học, những vị tổ nghề được nhân dân cả nước ca tụng, tôn thờ. Những thế hệ anh tài đi trước của quê hương đã tô thắm và tạo nên phẩm chất, tính cách con người ông – một người thầy thuốc giàu lòng nhân ái, một nhà quản lý đầy trách nhiệm và một người thầy giáo tận tâm vì học trò.

May mắn lớn trong một gia đình có truyền thống giáo dục tốt nên ngay từ nhỏ PGS.TS. Vũ Xuân Phú đã được thừa hưởng sự thông minh, tư duy nhạy bén của cha, sự tinh tế, vị tha của mẹ. Cha ông là vốn là một cán bộ nhà nước, cụ được điều động lên xây dựng miền núi, chính tư duy một người tri thức của cha từ khi nào đã in sâu trong tâm trí của cậu bé Vũ Xuân Phú. Nhưng nếu cha là người truyền cho ông đam mê, khơi nguồn tài năng trong ông thì mẹ ông lại là người thắp sáng và nuôi dưỡng tài năng đó. Mẹ ông là một người phụ nữ hội tụ đầy đủ “công – dung – ngôn – hạnh”, điển hình của dân tộc Việt Nam. Khi cậu bé Vũ Xuân Phú mới tròn một tháng tuổi, thương con thiếu hơi ấm của cha, thương chồng công tác xa nhà, bà đã theo chồng lên Lào Cai để công tác cùng chồng. Sau này, dần tính cách kiên trì, nhẫn nại, theo đuổi mục tiêu đến cùng cũng như tính vị tha, trong sáng, nhiệt tình, tận tụy trong công việc mà ông có được có lẽ đều do sự ảnh hưởng của mẹ. Có thể nói sự yêu thương của gia đình đã đưa ông tới với con đường học tập và công tác sau này.

Duyên định trong cuộc đời

Tuổi niên thiếu của PGS.TS. Vũ Xuân Phú gắn liền với thời kỳ mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ban ngày cũng thấy máy bay chiến đấu quần thảo, bay lượn, thả những búi nhiễu bay đầy trời. Có những đêm thì rừng rực lửa cháy, bom rơi, đạn nổ. Không những thế, cuộc sống lúc bấy giờ còn vô cùng kham khổ, thiếu cơm ăn áo mặc. Tuy nhiên, khó khăn như vậy cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến con đường đến trường của ông. Thời ấy, khó khăn! Nhưng trẻ con ham học lắm, ông vẫn nhớ nhớ mãi những ngày đến trường, ban ngày trên đầu đội chiếc mũ rơm, tối về thắp đèn dầu ngồi học, thiếu sách vở phải tiết kiệm để viết. Gian khổ, vất vả là thế nhưng mỗi khi nghĩ lại ông tin rằng chính quãng thời gian ấy là động lực mạnh mẽ đưa ông vươn tới sự nghiệp hôm nay.

Với niềm say mê và sự lựa chọn dành cho y học, sau khi tốt nghiệp THPT ông quyết định thi và đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội năm 1982. Từ đây trở thành một tân sinh viên y khoa. Sáu năm dòng dã, miệt mài với đam mê dường như đã trở thành duyên nợ, vừa học lý thuyết trên giảng đường vừa đến các bệnh viện, các phòng thí nghiệm của các bộ môn trên địa bàn Hà Nội để học tập lâm sàng, thực hành, đi trực,…cuối năm 1988 ông tốt nghiệp. Đến bây giờ khi nhắc lại quãng thời gian học tập gian khó nhưng cũng đầy tự hào ấy những ký ức trong ông như sống lại. Chia sẻ với chúng tôi, ông kể rằng:“Ngày ấy đi học khá vất vả nhưng không phải vất vả vì những bài học tại giảng đường hay cuộc sống mà vì cái xe đạp. Ngày hai buổi, sáng đến bệnh viện để thực tập, chiều về Trường học lý thuyết do vậy, xe đạp là phương tiện gần như là duy nhất để đi lại, bắt buộc gần như gia đình nào cũng phải trang bị, ấy vậy mà tôi bị mất đến 4 cái xe trong thời sinh viên ấy. Lúc thì bị mất ở bệnh viện, lúc ở ký túc xá,… trong khi thời bao cấp, kinh tế khó khăn, nhà thì đông anh em, các em lại san sát nhau chính vì thế mà gia đình gần như một lúc 3 anh em ăn học đại học. Thiếu thốn bủa vây lại cộng với việc tôi thường xuyên mất xe nên gia đình khó khăn càng trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên dù cực nhọc ra sao cha mẹ vẫn cố gắng cho tôi học tập bằng điều kiện tốt nhất. Chính sự hi sinh to lớn của cha mẹ khiến tôi tự động viên bản thân phải học tập, phấn đấu để trưởng thành, còn đền đáp công ơn của cha mẹ”.

Là một trong những sinh viên khi tốt nghiệp may mắn được Bộ Y tế tuyển dụng, được tập sự tại Vụ Vệ sinh – Môi trường (nay là Cục Y tế Dự phòng). Tại đây, những kiến thức tích lũy trên giảng đường, kinh nghiệm thực tế mới bắt đầu, rồi dần dần ông quen dần với công tác nghiên cứu, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, sức khỏe trường học, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu,…đồng thời tuyên truyền, nâng cao sức khỏe người dân tại cộng đồng. Cứ miệt mài, tận tụy 5 năm như vậy song bản thân ông lại không bao giờ thấy đủ. Đây cũng là lý do ông quyết định học tiếp bác sĩ chuyên khoa cấp I tại Đại học Y tế Công cộng (1993-1995), cũng trong khoảng thời gian này ông còn được tập huấn ngắn hạn tại Đại học Tổng hợp Mahidol, Bangkok – Thailand, chuyên ngành Quản lý Giáo dục và Y tế công cộng (1994). Với ông để phục vụ cho cộng đồng nhiều hơn, tốt hơn thì không còn con đường nào khác ngoài học, học nữa, học mãi. Ông cũng luôn nhận thức rằng kiến thức nhân loại là vô tận mà trình độ con người thì có hạn. Vì thế ngọn lửa say mê học hỏi trong ông mãi được thắp sáng và là nguồn động lực để ông khơi nguồn sáng tạo.

Sau khi được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I cũng là lúc ông được Đại học Y tế Công cộng, nơi mà ông theo học sau đại học giữ lại làm giảng viên. Nhưng vốn là người cầu toàn, đặc biệt là trên hành trình chinh phục tri thức nên dù làm thầy ông vẫn theo học các lớp học ngắn và dài hạn khác nhau. Bên cạnh kiến thức về Y học ông còn mở rộng thêm các kiến thức khác. Từ năm 1994 đến 1997, ông theo học Cử nhân Kinh tế chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (đây là bằng 2 Đại học). Tháng 4 đến tháng 5 năm 1996 ông học chuyên ngành Quản lý Tài chính công tại Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp Đại học Tổng hợp Canberra, Úc. Tiếp đến tháng 8, tháng 9 ông theo học chuyên ngành Thống kê và Dịch tễ ứng dụng trong xây dựng chính sách y tế tại Bộ Y tế và SIDA Thụy Điển phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Ba tháng cuối năm 1996, ông tiếp tục bổ sung vào kho tàng tri thức của mình khi học ngành Quản lý đào tạo hệ thống y tế tại Viện Đại học quốc tế (Inter University Institute for Training and Development – I.I.T.D), tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Vào tháng 6 năm 1999 ông nhận chứng chỉ khi theo học Cải cách hệ thống y tế và khả năng duy trì tài chính tại Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Chulalongkorn, Bangkok, Thailand và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức tại Bangkok. Từ năm 1999 đến năm 2000, ông học tập trung ngành Kinh tế Y tế tại Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Chulalongkorn, Bangkok, Thailand và bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ khoa học Kinh tế Y tế. Hành trình trau dồi nguồn tài nguyên vô tận của ông vẫn cứ kéo dài không có điểm dừng khi vào năm 2001, ông học chuyên ngành Dịch tễ ứng dụng do Đại học Y tế công cộng phối hợp Đại học Tổng hợp Massachusetts – Mỹ. Cũng trong năm này, ông tham gia chương trình Đào tạo giảng viên, hợp tác Việt Nam – Australia – Trình độ IV các phương pháp đào tạo. Sau đấy một năm ông lại ghi tên mình ở chuyên ngành Truyền thông kết quả nghiên cứu khoa học tới các nhà hoạch định chính sách của Đại học YTCC và Văn phòng Tư liệu Dân số Mỹ – Washington DC phối hợp tổ chức. Trong chặng đường học tập kéo dài hơn chục năm, năm 2004, ông quyết định thi nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Y xã hội học – Tổ chức y tế tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – Bộ Y tế. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chẳng có gì có thể làm khó được ông và đầu năm 2008, sau bốn năm đèn sách ông đã bảo vệ thành công và được cấp bằng Tiến sĩ Y học. Là người làm công tác quản lý, ông còn phải tham gia nhiều khoá học bắt buộc phục vụ công tác quản lý nhà nước, như Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng an ninh – Đối tượng 2 tại Trường Quân sự Quân khu 2 – Bộ Quốc phòng, năm 2009 và khoá học Cao cấp Lý luận chính trị – Hành chính tại Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia HCM. Hành trình theo đuổi tri thức của ông chỉ tạm khép lại khi năm 2012, bằng những gì đã làm, phấn đấu và đạt được trong chặng đường dài hơn 20 năm ông vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư.

Cần mẫn với vai trò của một người tích lũy tri thức nhưng khi đã đảm nhiệm bất kỳ vị trí, cương vị nào PGS.TS. Vũ Xuân Phú cũng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc công việc. Với vai trò là một người làm công tác giảng dạy trong Ngành Y tế, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tư vấn ở Đại học Y tế Công cộng và nhiều trường Y trên cả nước, bản thân ông thường xuyên trau dồi tư cách, đạo đức và tác phong, lối sống, chấp hành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Thực hiện tốt công tác quản lý và giảng dạy kể cả khi là giảng viên biên chế chính thức hay khi là giảng viên kiêm nhiệm. Chủ trì, tham gia xây dựng chương trình cho các môn học, khóa học khác nhau cho các đối tượng cử nhân, thạc sĩ và chuyên khoa I. Ngoài việc giảng dạy cho sinh viên Việt Nam, ông cũng đã tham gia giảng dạy, trợ giảng cho một vài khóa tập huấn quốc tế tại Trường và ở nước ngoài về Kinh tế Y tế. Trong hoạt động giảng dạy, ông luôn lấy phương châm đào tạo cơ bản, hiện đại gắn với thực tiễn Việt Nam. Ông luôn cố gắng giúp cho sinh viên biết kết hợp tốt giữa các phương pháp, giữa cơ sở lý luận, lý thuyết và thực hành, trau dồi kiến thức, thái độ và kỹ năng của một cán bộ y tế nói chung và của chuyên ngành Y tế Công cộng nói riêng để có thể đóng góp hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt khi được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế của Trường Đại học Y tế Công cộng khi còn rất trẻ, ông hoàn toàn có thể tự hào là một trong những người đầu tiên xây dựng và phát triển Bộ môn. Ông đã cố gắng là tấm gương mẫu mực cho học viên, sinh viên noi theo.

Với vai trò một người quản lý, một người thầy thuốc tại Bệnh viện Phổi Trung ương với cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến của Bệnh viên, ông đã phát huy các mối quan hệ và hợp tác tốt với các đơn vị trong và ngoài Ngành, giữa nhà trường và Bệnh viện. Tham mưu và trực tiếp chỉ đạo nhiều lĩnh vực thuộc công tác kinh tế y tế, quản lý, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tạo điều kiện cho các thầy thuốc lâm sàng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người bệnh. Góp phần thực hiện các can thiệp và dự phòng, sử dụng tiếp cận đa ngành phù hợp cho việc cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe Phổi của Quốc gia, thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng chống Lao và Bệnh phổi, vận động các nhà quản lý và hoạch định chính sách hướng đến việc tạo ảnh hưởng trên quy mô rộng lớn hơn nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Giữ nhiều vai trò, vị trí khác nhau đã khiến bản thân ông rất hiếm thời gian dành riêng cho mình, ấy vậy mà ông vẫn còn theo đuổi nghiên cứu khoa học, một con đường chẳng dễ dàng gì. Các nhóm nghiên cứu chính của ông bao gồm:

Thứ nhất là Nhóm nghiên cứu về Chức năng của Y tế Công cộng và nhu cầu đào tạo Y tế Công cộng (YTCC) trong hệ thống y tế gồm các nghiên cứu như Cấu trúc và các chức năng YTCC cơ bản ở Việt Nam; Nghiên cứu nhu cầu đào tạo để thực hiện các chức năng YTCC của CBYT các tuyến.

Thứ hai là Nhóm nghiên cứu chính về chính sách và QLYT gồm các nghiên cứu Tác động của hút thuốc đến sức khỏe: Khía cạnh kinh tế; Chi phí của ba bệnh viện liên quan đến hút thuốc, do quỹ Rockerfeller, Chương trình hợp tác nghiên cứu kiểm soát thuốc lá ở Đông Nam Á, quỹ nâng cao sức khỏe Thái Lan (ThaiHealth) tài trợ.

Thứ ba là Nhóm nghiên cứu về dịch vụ y tế và hệ thống cung ứng DVYT gồm Đánh giá một số lợi ích kinh tế – xã hội của chương trình Tiêm chủng mở rộng ở tỉnh Gia Lai (1997-2006); Chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; Thực trạng chi trả dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở 2004 – 2005 do tổ chức Ford Foundation, Mỹ tài trợ; Đánh giá ban đầu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em và sức khỏe sinh sản tại 2 huyện tỉnh Hòa Bình (2008); Nghiên cứu chi phí điều trị nội trú của một số bệnh thường gặp tại bệnh viện Phổi Trung ương (2009); Phân tích chi phí điều trị lao phổi AFB (+) mới tại Việt Nam. Nghiên cứu ứng dụng giải pháp quản trị mạng nội bộ (L.A.N) tại Bệnh viện Phổi Trung ương (2010 – 2011); Thực trạng và giải pháp quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Phổi Trung ương (2011 – 2012),…

Thứ tư là Nhóm nghiên cứu về dịch tễ học, hành vi sử dụng DVYT và các can thiệp y tế gồm những nghiên cứu Sử dụng chỉ số DALYs trong đo lường gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, trên thực địa Dân số – Dịch tễ học Chí Linh – Hải Dương (2003 – 2005); Nghiên cứu tỷ lệ mắc lao và đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao tỉnh Lai Châu (2010 – 2011); Điều tra tình hình kháng thuốc của vi khuẩn lao tại Việt Nam (2011); Đánh giá thực trạng công tác quản lý thuốc, vật tư, hoá chất trong Chương trình Chống lao Quốc gia (2010 – 2011); Đánh giá gánh nặng kinh tế của lao phổi mới từ góc độ chính phủ và hộ gia đình tại Việt Nam; Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong chẩn đoán và điều trị lao: Đánh giá các can thiệp phù hợp với bối cảnh Việt Nam,…

Hiện tại PGS.TS. Vũ Xuân Phú đã Chủ nhiệm, tham gia rất nhiều đề tài NCKH đã nghiệm thu, điển hình như: “Chi phí cho các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản”; “Nghiên cứu nhu cầu đào tạo để thực hiện các chức năng y tế công cộng của cán bộ y tế các tuyến”; “Xây dựng quy trình sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư phế quản” trong đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị đích Ung thư phế quản tại Việt Nam”… Ông còn chủ trì và tham gia nhiều dự án, đề tài trong nước từ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cơ sở và liên kết với nước ngoài về Y tế công cộng và Kinh tế Y tế, tham gia nhiều hội đồng các cấp, trong và ngoài Ngành Y tế. Ông đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động, tư vấn về Kinh tế Y tế và Y tế Công cộng cho WHO và NGO tại các nước khác nhau như: Malaysia, Fiji, Hà Lan. Đã hướng dẫn trên 20 học viên cao học chuyên ngành Y tế Công cộng, Quản lý bệnh viện và ngoài ra còn một số học viên Chuyên khoa cấp I đều đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ và luận văn chuyên khoa cấp I.

Ông và nhóm tác giả cũng đã xuất bản 12 cuốn sách, giáo trình, trong đó có 2 cuốn ông vừa là tác giả vừa là chủ biên; 52 bài báo ở các tạp chí khác nhau, 7 bài xuất bản quốc tế với vai trò tác giả và đồng tác giả như: Sách giáo khoa về Kinh tế Y tế” – Nhà xuất bản Y học, năm 2008. Sách Khái niệm cơ bản về Kinh tế Y tế và Tài chính Y tế, Tài liệu đào tạo liên tục cho cán bộ quản lý Ngành Y tế tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, Nhà xuất bản Luck House Graphics, Hà Nội, 2012,…và một số nhà xuất bản khác nhau, với nhiều ấn phẩm khoa học khác.

Bằng những cống hiến không ngừng, PGS.TS. Vũ Xuân Phú đã vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014); 5 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế (2011, 2013, 2015, 2016); Bằng khen của UBND tỉnh Lai Châu (2011); Bằng khen của BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2015); Bằng khen của BCH Công đoàn Y tế Việt Nam (2011, 2012, 2016); Bằng khen của BCH Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội (2012); Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”; Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”; Giấy khen của các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể, đơn vị khác.

Sẽ còn rất nhiều điều để viết, để nói về ông, bởi những cống hiến của PGS.TS. Vũ Xuân Phú đâu có thể khắc họa đủ qua một vài trang giấy. Dẫu vậy, chúng tôi thấy vui khi viết về ông dù chỉ là một chút, và tin rằng: với trí tuệ và niềm tin, kinh nghiệm sống, ông sẽ thành công hơn nữa trên mỗi cương vị đảm trách của mình.

Băng Tâm