Danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), người làng Đọc, xã Đan Loan, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Ông đã để lại nhiều tác phẩm, công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị thuộc đủ mọi lĩnh vực, trong đó có tác phẩm “Vũ trung tùy bút” (Viết ngẫu hứng trong mưa). Trong tác phẩm này, có bài viết về “Võ Thái phi”[1] viết về Bà chúa Me. Tuy nhiên, trong thời Lê Trung hưng, tại My Thử, Đường An (Phục Lễ, Vĩnh Hồng ngày nay) có hai bà chúa Me. Vì vậy có thể có sự nhầm lẫn giữa người này với người kia làm cho hậu thế ngày nay hiểu nhầm về thân thế của Bà Chúa Me Vũ Thị Ngọc Nguyên.

1. Về sự nhầm lẫn giữa con nuôi và con đẻ của hai bà chúa

Trong bài viết về bà “Võ Thái phi”, tức Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên, Ông cho rằng Võ Thái phi là con nuôi Võ công. Xin được trích nguyên văn một đoạn trong bài như sau:

Võ Thái phi nguyên người làng Mi Thữ, huyện ta, tổ tiên trước là người Tử Dương, huyện Thượng Phúc. Cha đi ăn trộm, bị người làng đem giết đi. Khi ấy, bà mới ba bốn tuổi, mẹ xuống tỉnh Hải Dương làm thợ cấy thuê ở nhà Võ công làng Mi Thữ. Võ công một hôm ra ngoài ruộng, bấy giờ mùa hè đương nắng. Phi theo mẹ đứng trên bờ ruộng, hễ đứng chỗ nào thì có đám mây theo che rợp đất, không sai bước nào. Võ công lấy làm lạ, bảo người mẹ cho phi làm con gái nuôi. Được ít lâu, người mẹ đi làm thuê nơi khác và chết, phi mới đổi theo họ Võ. Khi phi lớn lên, được vào hầu chúa Trịnh là Hi Tổ Nhân Vương (Trịnh Cương) đẻ ra được hai người con gái là Dụ Tổ (Trịnh Giang) và Nghị Tổ (Trịnh Doanh)”.

Căn cứ vào nhiều tài liệu lịch sử cho thấy, trong bài viết về Võ Thái phi có thể có sự nhầm lẫn về một số cứ liệu giữa hai bà chúa: Bà Vũ Thị Ngọc Huấn và bà Vũ Thị Ngọc Nguyên.

Thứ nhất, tại Phục Lễ có hai bà chúa, trong đó có một bà chúa là con nuôi của họ Vũ nhưng không phải là bà Vũ Thị Ngọc Nguyên mà là bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn (Ngọc Xuyến), vợ chúa Trịnh Tạc.

Bia Sinh từ tại thôn Phục Lễ[2] (lập năm 1679) ghi lại bà chúa Ngọc Xuyến là con nuôi của gia đình họ Vũ (Vũ Phúc An), cụ thể như sau:

“Theo lệnh của Vương phủ, Đệ nhất cung tần, Chiêu nghi Vũ Quý Thị, húy là Ngọc Huấn, phật hiệu là Huệ Trưởng kiên cố, lễ Đại Bồ Tát, sinh quán tại xã Minh Hạo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai. Hiển khảo (bố đã chết) Phạm Qúy công, tự là Phúc Hiền; hiển tỉ (mẹ đã chết) là Bùi Qúy Thị, hiệu là Từ Đức. Bà sinh vào giờ Thìn ngày 08, tháng 3 năm Giáp Thìn – Hoằng Định thứ 5 (1604), nuôi dưỡng tại quê hương xã My Thự, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Hiển khảo tiền Tham đốc, quận công Vũ Quý Công, thụy Phúc An. Hiển tỉ quận phu nhân, Lê quý thị, hiệu là Từ Tiên”.

Thứ hai, Võ Thái phi mà Vũ trung tùy bút nêu có 2 con là Trịnh Giang, Trịnh Doanh, tức là bà chúa Vũ Thị Ngọc Nguyên, nhưng Bà lại là con gái của Tuấn Trạch Công, chứ không phải là con nuôi như tác giả nêu. Điều này đã được khẳng định trong hai tài liệu rất quan trọng là Trịnh gia chính phả của Trịnh Như Tấu[3] (gia phả của các đời chúa Trịnh) và các cuốn gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ (có cuốn biên soạn năm 1914, có cuốn không ghi năm nhưng đều biên soạn bằng chữ Hán)[4].

Trịnh gia chính phả (trang 92)[5] ghi lại như sau: “Bà Thái phi họ Vũ tên húy là Ngọc Quyến, tên tự là Ngọc Nguyên. Tôn phong là Ý – Công Hậu – Đức Trang – Hạnh Đoan – Nghi Khuông – Vận Diễn – Phúc Quốc – Thánh – Mẫu. Tên thụy là Từ Đức. Người xã Úc -Thự (huyện Quảng An). Con gái ông Ruệ – Trạch – Công Vũ – Tất – Ru”. Bà sinh ra 3 người con: Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Thị Ngọc Cư.

Các cuốn gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ ghi lại Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là đời thứ 7 trong gia phả, là con cụ Vũ Tất Tố (Tuấn Trạch công), trùng với ghi chép của Trịnh gia chính phả.

Như vậy, có thể khẳng định Võ Thái phi không phải là con nuôi của họ Vũ ở My Thữ như Vũ trung tùy bút đã nêu mà là con gái của dòng họ Vũ thôn Phục Lễ.

2. Về thân phận của bà chúa Vũ Thị Ngọc Huấn (Ngọc Xuyến)

Theo những cứ liệu nêu trên, về chi tiết Bà Chúa là con nuôi của Võ công như tác giả Phạm Đình Hổ nêu thì lại là bà Vũ Thị Ngọc Xuyến chứ không phải là bà Vũ Thị Ngọc Nguyên. Tuy nhiên việc mô tả thân phận của Bà là “Cha đi ăn trộm, bị người làng đem giết đi. Khi ấy, bà mới ba bốn tuổi, mẹ xuống tỉnh Hải Dương làm thợ cấy thuê ở nhà Võ công” rồi được Võ công nhận làm con nuôi thì không đúng với một số cứ liệu, tài liệu lịch sử khác.

Thứ nhất, Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ[6] có ghi chép lại sự tích của dòng họ như sau:

“Trộm nghe Tổ Tiên xưa truyền lại rằng: Ngày xưa có người làng My Thử là Vũ Tất Phù làm ở Cục vàng bạc. Nhân lúc ngồi nhàn trông thấy một người ở huyện Từ Liêm, xã Minh Tảo làm nghề bán cỏ lại dắt theo một cháu bé gái ước chừng mười tuổi, vừa đi vừa nói rằng, mày cha mẹ đều đã không còn, mày nên tìm nơi mà gửi thân cho qua cơn đói khát, còn theo ta, ta cũng không đủ sức cung nuôi mày được. Rồi Vũ Tất Phù nghe thấy nói thế, mới hỏi xin làm con nuôi mình.

Một hôm Thế tử đi chơi qua xem công nhân đang mài ngọc, trông thấy người con gái hình dáng đoan trang, tư cách ôn nhuần, trong lòng rất yêu mến mới hỏi thợ mài ngọc rằng, cô bé con nhà ai? Vũ Tất Phù vội đứng dậy thưa rằng, cháu là con gái tôi, cháu còn nhỏ dại lắm. Thế tử rất là vui vẻ mừng nói rằng, khi nào ta lên ngôi ông cho ta nhé. Vũ Tất Phù thưa, Thế Tử nói vui thôi, xin người lượng thứ, chẳng phải là con gái vua Nghiêu làm sao sánh cùng Vua Thuấn được. Thế tử nói rằng, thiên duyên xe tóc tự nhiên mà gặp, chính là do tiền định mà nên há phải nói vui mà thôi đâu. Đến khi Thế tử nối ngôi, lập tức triệu tuyển vào đệ nhất cung tần, phong làm Chiêu nghi phu nhân (nên cùng Tổ họ ta, Nghị quận công là cùng anh em nuôi); gia phong cha nuôi làm Thái phó Phù Quận công”.

Thứ hai, theo tác giả Hồ Phương Lan (2004)[7], bà Ngọc Xuyến nhà ở khu Trung làng Xuân Tảo, tên nôm là làng Cáo, lúc vừa đến tuổi rất đẹp, một hôm vào vùng Thập Tam Trại phía Tây nội thành cắt cỏ tình cờ gặp thế tử Trịnh Tạc thấy cô gái nông thôn đẹp bèn cưới làm vợ.

Theo tác giả Nguyễn Bích Ngọc (2010)[8], bà Chiêu nghi “lúc nhỏ họ Phạm, vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, đi làm con nuôi cho gia đình họ Vũ. Do có nhan sắc nên được chúa Trịnh Tạc lấy làm vợ, phong Chiêu nghi”.

Theo tác giả Vũ Thanh Sơn (2004)[9]: bà Chiêu nghi Lúc nhỏ mồ côi cha mẹ, làm con nuôi một gia đình họ Vũ nên mang họ bố mẹ nuôi. Truyền thuyết  kể rằng ở tuổi dậy thì thì bà rất xinh đẹp, vào thành Thăng Long cắt cỏ, vừa cắt vừa hát rằng: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang; Bao nhiêu cây cỏ lai hàng tay ta”. Chúa Trịnh Tạc khi đó còn là thế tử đi chơi nghe thấy gọi đến hỏi, thấy bà xinh đẹp, hát hay có chí khí, nên lấy về làm vợ.”

Theo tác giả Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết (2004)[10], “Tương truyền Phạm Thị Ngọc Xuyến lúc nhỏ mồ côi cha mẹ, phải đi làm con nuôi một gia đình họ Vũ. Nhờ có nhan sắc nên được chúa Trịnh Tạc lấy làm vợ, phong Chiêu nghi rồi đệ nhất cung tần”.

Như vậy, bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Huấn có cha mẹ đẻ đều đã mất sớm sau đó mới đi làm con nuôi họ Vũ đã được lịch sử, nhất là Bia sinh từ tại thôn Phục Lễ, Gia phả họ Vũ và các tài liệu lịch sử khác ghi chép nhưng không có tư liệu như trong Vũ trung Tùy bút của tác giả Phạm Đình Hổ (cha đi ăn trộm bị đánh chết, mẹ đi cấy thuê, sau đó mẹ chết mới đổi theo họ Võ).

3. Về thân phận của Bính Trung công Vũ Tất Thận

Cũng trong bài “Võ Thái phi”, danh sĩ Phạm Đình Hổ cho rằng Bính trung công (tức là Vũ Tất Thận) là em nghĩa đệ của bà Thái phi, do có công phù lập nhà chúa nên được phong tước đến cửu phẩm. Ở đây có hai nội dung có thể có sự nhầm lẫn:

Thứ nhất, Bính Trung công là Vũ Tất Thận là em trai của bà Võ Thái phi, chứ không phải là em nuôi (nghĩa đệ) như tác giả nêu.

* Theo Trịnh gia chính phả (trang 92) có ghi lại về thân thế của bà Thái phi, vợ chúa Trịnh Cương, kèm theo tên của các em của Bà, cụ thể:

Em ruột bà là:

1) Suy-Trung Dực-Vận Công-Thần Đồng-Tham-Tụng Trung- Roanh Khuông – Quân – Roanh Đô – Đốc – Phủ Chánh – Đô Đốc, Thự – Phủ – Sự kiêm Tôn-Nhân-Phủ Hữu-Tôn-Chính Đại-Tư-Đồ Bính-Trung-Công Vũ Tất Trấn vâng cho theo họ Trịnh là Trịnh Thiết cũng như Vương thân vậy;

2) Bà Vũ Thị Sơ ra ở chùa phong là Bồ-Tát-Vương.”

* Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[11](trang 869): “Tháng 7, mùa thu. Trịnh Doanh gia phong cho cậu là Vũ Tất Thận làm đại tư đồ, cho đổi họ tên là Trịnh Áo.”, kèm theo ghi chú: “Vũ Tất Thận, em ruột Vũ Thị, vợ Trịnh Cương”.

* Theo Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ[12] ghi lại Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là đời thứ 7 trong gia phả, là con cụ Vũ Tất Tố (Tuấn Trạch công). Tuấn Trạch công có 4 người con là: Vũ Thị Ngọc Nguyên, Vũ Trạc, Vũ Thị Lưu và Vũ Tất Thận.

Thứ hai, tác giả nêu rằng Bính trung Công (Vũ Tất Thận) có công phù lập nhà chúa, tước vị đến Cửu phẩm, có thể là chưa chính xác, vì:

* Theo Lịch triều hiến chương loại chí[13] của Phan Huy Chú, về quan chức chí, đời Bảo Thái (năm 1720) có điều chỉnh, bổ sung nhưng cũng tương tự như các đời trước gồm có 9 bậc: Cao nhất là Chánh nhất phẩm, rồi đến Nhị phẩm, Tam phẩm, Tứ phẩm, Ngũ phẩm, Lục phẩm, Thất phẩm, Bát phẩm và Cửu phẩm. Trong mỗi bậc đó lại quy định các chức tước cụ thể. Theo đó, Cửu phẩm là bậc quan thấp nhất trong thang bậc về quan chức. Ở bậc này có các chức như các chức: Phó sứ các kho, Sinh dược khổ sứ, Thị mãi ty ty sứ, các thuế sứ, độ trưởng, độ tư ở các bến đò; thị trưởng, thị bình ở các chợ …..;

* Theo Trịnh gia chính phả[14], Bính Quận công Vũ Tất Thận được phong, giữ nhiều chức vụ quan trọng, phẩm hàm ở bậc Nhất, Nhị phẩm, cụ thể: “Suy-Trung Dực-Vận Công-Thần Đồng-Tham-Tụng Trung- Roanh Khuông – Quân – Roanh Đô – Đốc – Phủ Chánh – Đô Đốc, Thự – Phủ – Sự kiêm Tôn-Nhân-Phủ Hữu-Tôn-Chính Đại-Tư-Đồ Bính-Trung-Công”;

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (trang 832)[15] có nêu: “Quan chế triều Lê có 24 bậc để đặc ân vinh phong cho bầy tôi có công “Suy trung”, và “dực vận” là hai bậc đứng đầu trong 24 bậc”.

* Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[16]:

“Tháng 7, mùa thu. Trịnh Doanh gia phong cho cậu là Vũ Tất Thận làm đại tư đồ, cho đổi họ tên là Trịnh Áo”.

Theo Từ điển quan chức Việt Nam[17], chức Đại tư đồ ở vào hàng Tam công (Đại Tư mã, Đại Tư đồ, Đại Tư không), trong đó Đại Tư mã làm Thừa tướng (Tể tướng), Đại Tư đồ, Đại Tư không tương tự như Tể tướng và đều có phẩm hàm cao nhất (Chánh nhất phẩm).

4. Bàn luận và đánh giá

Hiện nay, khi nghiên cứu về bà chúa me Vũ Thị Ngọc Nguyên, một số tác giả, tài liệu có căn cứ vào tác phẩm “Vũ trung tùy bút” của Nho gia Phạm Đình Hổ (bài Võ Thái phi) dẫn đến có sự nhìn nhận sai lệch hoặc là có những nghi vấn về thân thế của bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên và bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến. Tuy nhiên, việc có thể nhầm lẫn trong “Vũ trung tùy bút” cũng là điều dễ hiểu, bởi một số lý do sau đây:

Thứ nhất, “Vũ trung tùy bút” là một tập truyện bằng chữ Hán, viết theo lối ký, là một tác phẩm văn học nổi tiếng phản ánh nhiều sự việc xảy ra, có tính hiện thực vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn (thế kỷ 18), chứ không phải là cuốn sách sử. Vì vậy, những thông tin, tài liệu của tác giả viết mang tính văn chương thời sự nhiều hơn là ghi lại sự kiện lịch sử.

Thứ hai, thật dễ nhầm lẫn khi bối cảnh xã hội lúc đó rất khó khăn trong việc khai thác, tra cứu thông tin, nhất là thông tin về lịch sử. Mặt khác, tại một mảnh đất thôn quê, xa kinh thành, ít ai ngờ lại có đến hai bà vợ chúa Trịnh, đều là bậc mẫu nghi thiên hạ (Chiêu nghi và Thái phi), đều mang họ Vũ (Võ) cùng nội tộc, nhưng có người là con đẻ, có người con nuôi, nên hoàn toàn có thể nhầm lẫn từ người này sang người khác, từ sự kiện này sang sự kiện khác. Ngoài ra, bà chúa Vũ Thị Ngọc Huấn còn cách bà chúa Vũ Thị Ngọc Nguyên khoảng trên dưới 100 năm, không phải ai cũng biết ở đó có bà chúa Vũ Thị Ngọc Huấn, nên cứ nghe nói về Bà Chúa Me, hay bà Ngọc Nguyên thì mọi thông tin về hai bà chúa đều dồn cả vào bà Vũ Thị Ngọc Nguyên.

Hy vọng với những lý giải và cứ liệu cung cấp ở bài viết này, độc giả sẽ có thông tin chính xác hơn, đầy đủ hơn về thân thế của bà Võ Thái phi (Vũ Thị Ngọc Nguyên) trong tác phẩm “Vũ Trung tùy bút” của danh sĩ Phạm Đình Hổ./.

Trịnh Vũ Anh Xuân
Tháng 8/2023


Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Wikipedia

[2] Bia sinh từ hơn 300 năm tuổi của Hoàng Thị Phương Lan, Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

[3] Trịnh Như Tấu (1933), Trịnh gia chính phả, Nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội

[4] Cuốn phả họ Vũ thôn Phục Lễ biên soạn năm 1914 của Trịnh Danh Mai.

[5] Theo Trịnh gia chính phả;

[6] Theo Gia phả họ Vũ của Trịnh Danh Mai biên soạn năm 1914 bằng chữ Hán;

[7] Hồ Phương Lan (2004), Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long – Page 156-158, NXB Lao động, Hà Nội, Bài “Đền Sóc và bia “Báo Đức”, trang …..

[8] Nguyễn Bích Ngọc (2010), 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long, Hà Nội, NXB Thanh Niên, trang 121

[9] Vũ Thanh Sơn (2004), Những vị thấn được thờ ở Hà Nội, NXB Hà Nội, Bài “Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến”, trang 341

[10] Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết (2004), Từ điẻ̂n địa danh văn hóa và thá̆ng cảnh Việt Nam, trang 220, 221

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (PDF), Hà Nội), trang 869

[12] Theo Gia phả họ Vũ thôn Phục Lễ của Trịnh Đình Mai và gia phả khác

[13] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều Hiến chương loại chí, tập một (Tổ phiên dịch viện sử học phiên dịch và chú giải)Hà Nội: NXB Giáo dục, trang 547

[14] Theo Trịnh gia chính phả, trang 92

[15] Theo Quốc sử quán triều Nguyễn 1988, trang 832

[16] Theo Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 894.

[17] Đỗ Văn Ninh (2012). Từ điển quan chức Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, trang 183

[18] Xem thêm các bài viết khác: Trịnh Tạc, Vũ Thị Ngọc Huấn; Trịnh Cương, Vũ Thị Ngọc Nguyên, Vũ Tất Thận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *