Lời tự sự của Bia Sinh từ

Âu cũng là lẽ của trời đất, tuổi già kèm theo sức yếu là điều đương nhiên, vậy mà dạo này chúng tôi thấy khỏe lên rất nhiều, thấy vui, tinh thần phấn chấn lên rất nhiều, quên hết cả bệnh tật tuổi già, quên hết cả tấm thân “sập sệ”, quên cả mình đang ở 336 năm tuổi. Chắc mọi người sẽ hỏi, sao tôi lại vui vậy?

Hơn ba trăm năm qua, tôi yên lặng đứng đây như một chứng nhân, chứng kiến bao thăng trầm, bể dâu của một vùng đất và của cả một dân tộc. Ngay bản thân tôi vẫn còn mang trên mình vết tích của những cuộc chiến tranh ngày xưa trong những cuộc khởi nghĩa của nông dân và cả vết tích đạn, pháo dữ dội của những cuộc chính tranh vệ quốc vĩ đại ngày nay.

Có lúc tôi đã nghĩ, thế là đủ rồi, đã hết sứ mạng, tôi có thể yên tâm, thanh thản để trở thành một hạt bụi trong sa mạc của thời gian, 336 tuổi rồi còn gì nữa. Quả thật, hàng trăm năm nay, tôi cũng không có tích sự gì với mọi người, cùng lắm cũng chỉ là chỗ trú chân tạm lúc nắng mưa của người dân đi làm đồng, nên cũng chẳng có ai quan tâm đến sự có mặt của mình. Những cuộc thay đổi bể dâu, những cuộc chiến, sự tàn phá của thời gian, thậm chí là sự tàn phá của con người, kèm theo tuổi tác, tôi đã không muốn sống thêm nữa.

Thật đáng trách cho tôi, có lẽ vì tuổi già, hay ốm đau bệnh tật triền miên, vì cô đơn, không ai quan tâm chăm sóc hàng trăm năm mà đã quên đi sứ mạng của mình, sứ mạng của Bia Sinh từ. Không phải ngẫu nhiên mà tôi được sinh ra. Tôi đứng đây là một sự sắp đặt của tạo hóa, của những vị thần không gian và thời gian, một chứng tích cho thân thế, sự nghiệp của một người phụ nữ tài ba, xuất chúng ở Vùng đất này: Bà Chúa Me, trong một giai đoạn lịch sử thời Lê Trung hưng. Sứ mạng tôi là phải sống ở đây cùng thời gian để luôn là một minh chứng sống của Bà.

336 năm trước đây tôi đã được quan đại thần là Tiến sĩ, Đông các Đại học sĩ đệ nhị anh Hồ Sỹ Dương, chức vụ Tham tụng, Thượng thư Công Bộ (Bộ trưởng Bộ Công) tạo dựng và sau đó 17 năm sau, em tôi Văn bia thứ 2 sau tôi do Tiến sĩ Lê Phủ, chức Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng, Thượng thư Hình bộ (Bộ trưởng Bộ Hình) tạo dựng.

Ở xứ Đông ngày nay (nay người ta gọi là Hải Dương), chúng tôi cũng còn 2 người bạn khác đó là Bia Sinh từ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thuộc đời Trần, hiện là vị chủ thần tại đền Kiếp Bạc và Bia Sinh từ Thiếu úy, Thái bảo, Quận công Đinh Văn Tả ở Hàm Giang (Hàn Giang) Thành phố Hải Dương. Cả hai người bạn của tôi đều được nhân dân thập phương biết đến, thờ phụng, viếng thăm đều đặn, được ghi nhận là một chứng tích lịch sử.  Chỉ có chúng tôi Bia Sinh từ Vương phủ đệ nhất cung tần Chiêu nghi họ Vũ ở thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang là bị quên lãng…, thậm chí mảnh đất dung thân chắc rồi chắc cũng chẳng còn, có khi mình còn bị bỏ vào lò vôi. Nghĩ đến đó mà toát mồ hôi hột.

Chúng tôi không thể tự kêu cứu cho mình, vì chúng tôi cũng chỉ là những tấm đá vô tri, vô giác với con người và vì xét cho cùng cũng là “thiên cơ”, là sự sắp đặt của tạo hóa. Có lẽ chúng tôi phải chấp nhận số phận của mình, mãi mãi bị mọi người quên lãng, không ai coi mình là chứng tích cả…., thậm chí nếu phải trở thành vôi …Chúng tôi không dám nghĩ nữa. Rất buồn, nhưng biết làm sao?

Cứ tưởng rồi sẽ bị quên lãng mãi mãi, nào ngờ, thời gian gần đây, chúng tôi thấy có nhiều người đến, ngó nghiêng, đo đạc, xem xét, tính toán… Ban đầu, chúng tôi nghĩ thôi kệ, chắc lại là một nhóm sinh viên chuyên ngành văn hóa, bảo tàng đến thực tập như những lần khác. Nhưng lần này không phải, chúng tôi như không tin vào tai, mắt mình nữa (không có tai mắt nhưng chúng tôi biết hết mọi sự!!!) khi thấy họ bàn bạc về việc bảo tồn, giữ gìn chúng tôi, coi chúng tôi như những báu vật của một vùng đất, của cả quốc gia.

Chúng tôi đứng đây đã mấy trăm năm hôm nay mới thấy người ta thực sự quan tâm đến mình, người ta làm việc có ích cho mình. Mình đứng đâu, đâu phải đá để nung vôi. Bữa đó, nhìn lên bầu trời thấy 6 chữ sao sáng: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Thế là đã đến lúc trời cho chúng tôi được tiếp tục sống để làm chứng tích của lịch sử, chứng tích của Bà Chúa Me.

Chúng tôi đã được nằm trong quy hoạch Khu Di tích Đền Bà Chúa Me với tổng diện tích quy hoạch lên đến hơn 13ha. Còn gì vui bằng!!!

Trịnh Vũ Anh Xuân