Làng Phục Lễ thuộc xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Phía Đông của Làng giáp thôn Phụng Viện – Me Vàng – Lý Dương, phía Đông Bắc giáp thôn Bằng Trai – Đỗ Xá, phía Nam giáp đường 20 – xã Tân Hồng, phía Tây giáp thôn My Thữ – My Khê – thị trấn Kẻ Sặt.

Làng cổ Phục Lễ gọi là Phục Lễ Khu hay là làng “Me”, là 1 trong 9 làng Me. Làng ở vị trí trung tâm xã Vĩnh Hồng, cách thi trấn Kẻ Sặt là Thủ phủ huyện Bình Giang 3 cây số về phía Tây, do vậy có nhiều lợi thế về kinh tế, giao thông đi lại.

Làng Phục Lễ có 1 ngôi miếu thờ vị cố thần thành hoàng làng từ đời Hùng Vương thứ 18, tên thần hoàng là Nguyệt Thai Công chúa. Sau này, làng đã xây dựng thành ngôi Đình và đã được 7 sắc phong của các triều đại phong kiến. Đình và Chùa làng Phục lễ là nơi tôn nghiêm thờ thánh, thờ phật, là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống lịch sử của nhân dân trong làng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi Đình ngoài và ngôi Chùa đã bị phá hủy, còn lại 3 gian hậu cung của Đình. Đến nay dân làng đã xây dựng lại Đình và Chùa bằng bê tông cốt thép, tại nơi Đình cũ, nay cũng là trung tâm văn hóa của làng. Năm 2010, Đình làng đã vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Làng Phục Lễ có 23 dòng họ, 317 hộ gia đình, 1408 nhân khẩu.

Tổng số diện tích đất đai tự nhiên là………..ha, trong đó………ha đất ở, còn 71 ha đất canh tác.

Làng có 1 Chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam với 35 Đảng viên. Làng Phục Lễ có truyền thống Cách mạng kiên cường, dung cảm, giàu lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cần cù lao động, thong minh và sang tạo.

Trong các triều đại phong kiến, làng Phục Lễ đã có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong triều đình. Theo nghiên cứu của nhiều sử gia, làng Phục Lễ có 3 người đỗ tiến sĩ, 01 người đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), nhiều người là võ quan, võ tướng. Có 8 vị giữ chức Thượng Thư, 7 vị làm quan võ được phong hầu tước, 4 vị làm quan võ cấp lãnh binh, giám binh, đốc binh để dẹp giặc phương Bắc, đã được các triều đại ban sắc phong ghi trong chính sử quốc gia và gia phả của Chi họ Vũ Tất hiện còn lưu trữ cả sắc phong tại nhà thờ trưởng tộc họ Vũ Tất.

Được sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ kính yêu, trong kháng chiến chống thực dân Pháp nhân dân thôn Phục Lễ rất kiên cường, dũng cảm, lập làng du kích chiến đấu gan dạ, đánh giặc giữ làng, làm thất bại nhiều cuộc càn quét của giặc Pháp và đã từng phục kích tiêu diệt được tên chỉ huy Bia Đờ Khang (Quan 3 của giặc) đến càn quét tại làng.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Phục Lễ đã đóng góp hàng trăm người con cùng tài sản, lương thực, thực phẩm cho hai cuộc kháng chiến, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Thời kì chống Pháp đã có 21 anh em thanh niên xung phong tình nguyện tòng quân lên đường đi đánh giặc cứu nước, đã có 2 đồng chí hi sinh là liệt sỹ, 1 đồng chí mất tích, 5 đồng chí là thương bệnh binh, đều là sỹ quan, hạ sỹ quan.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, làng Phục Lễ đã có 73 anh chị em thanh niên tòng quân lên đường nhập ngũ vào chiến trường giải phóng miền Nam giúp 2 nước bạn là Lào và Campuchia. Đã có 16 anh em hy sinh, 12 anh em mang thương tật và bệnh tật trên người, 2 anh là tử sỹ, còn lại 25 anh em đã trở thành sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Như vậy trong 2 thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Pháp, Mỹ và Tàu. Trong 30 năm chiến tranh làng Phục Lễ đã đóng góp cho Tổ quốc 18 liệt sỹ, 17 thương bệnh binh, 2 tử sỹ, 1 mất tích, 2 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Tổng số 94 người con ưu tú tham gia vào bộ đội tòng quân đi bảo vệ tổ quốc. thực hiện với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc. Trong tổng số 25 đồng chí trở thành sỹ quan thì có 5 đồng chí cấp tá, 20 đồng chí cấp úy và hàng trăm đồng chí đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý các loại, 5 huy hiệu 40 năm, 50 năm tuổi Đảng, lão thành cách mạng, 2 huân chương độc lập tặng cho 2 gia đình liệt sỹ độc nhất.

Về văn hóa những năm gần đây có nhiều người đỗ đạt, có cả những học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Số những người có bằng Cử nhân và đang theo học các trường đại học thì nhiều và ở nhiều các lĩnh vực khác nhau.

Hiện nay, ở làng có một Anh hùng lao động, nhiều người đang giữ những chức vị nhất định trong một số cơ quan Bộ như: Bộ Quốc Phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nhiều người là cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của tỉnh, huyện và các cơ quan, ban ngành khác.

Người dân Phục Lễ ngoài nghề trồng trọt còn có thêm nghề phụ: Nghề Thợ mộc, Thợ nề từ xa xưa truyền lại. Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với cả những bí quyết gia truyền, người Thợ Me đã nổi danh cả Vùng và đi khắp mọi nơi trên đất nước từ Bắc chí Nam, góp phần xây dựng đất nước.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều người trong Làng đã trở thành những Giám đốc Công ty, những doanh nhân thành đạt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Ngày nay trong thời kỳ đổi mới, nhân dân làng Phục Lễ đang tiếp rục vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh và đã hoàn thành toàn bộ đường làng ngõ xóm bê tong hóa và sẽ hoàn chỉnh nốt 1800m kênh mương hóa bê tong phục vụ cho sản xuất phát triển.

Phạm Văn Thái
Bí thư chi bộ thôn Phục Lễ