LBT. Ngày 10 tháng 1 năm 2010, tại Hội trường lớn Thư viện Quốc gia (Số 31, phố Trường Thi, thủ đô Hà Nội) đã tiến hành hội thảo khoa học về Chúa Trịnh Cương nhân lễ kỷ niệm 281 năm ngày Nhà Chúa băng hà (1729 – 2010). Cuộc hội thảo đã được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các vị đại biểu và quý khách, đặc biệt là các nhà khoa học ở trung ương và địa phương thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn học, quân sự, kinh tế, nghệ thuật… Hơn 30 báo cáo khoa học đề cập tới cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Trịnh Cương đã được gửi tới ban nội dung hội thảo, đi sâu giới thiệu, phân tích, đánh giá tài năng và sự nghiệp của Chúa Trịnh Cương trong lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ XVIII.

Chúng tôi xin giới thiệu Báo cáo đề dẫn của GS.Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tại Hội thảo.

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Thưa các Nhà khoa học

Hy tổ Nhân Vương Trịnh Cương sinh năm Bính Dần (1686). Ông là tằng tôn của Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn. Năm Quý Mùi (1703), theo chế độ ngành trưởng thế tập, với sự hỗ trợ đắc lực của các trọng thần là Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng…, Trịnh Cương được chọn lập làm người kế vị ngôi Chúa. Năm Kỷ Sửu (1709), Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn mất, Trịnh Cương được tiến phong làm Tổng Quốc chính An Đô Vương, chính thức nối ngôi Chúa, trực tiếp điều hành chính sự đất nước.

Ảnh các nhà khoa học chủ trì Hội thảo

Trịnh Cương là người đầy tâm huyết, có trách nhiệm cao đối với sự hưng vong của quốc gia. Ông rất quan tâm đến chính sự: “sớm đã thay áo, khuya mới ăn cơm, canh cánh lo lắng, siêng năng càng hơn. Một ngày muôn việc, thế nào cũng cẩn thận giữ gìn….”

Với tư cách là người trực tiếp điều hành và quản lý đất nước, Trịnh Cương là người có ý chí, bản lĩnh, năng động và thực sự lo toan đến sự hưng vong của đất nước. Được sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ trí thức quan lại đầy tâm huyết như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn…, Trịnh Cương đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính khá toàn diện.

Thời kỳ vua Lê Dụ Tông trị vì (1705 – 1729), Nhân Vương Trịnh Cương phò tá (1709 – 1729) được coi là thịnh trị nhất thời Lê Trung hưng. Sử cũ từng ghi nhận: “Bấy giờ Vua thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc, pháp độ rất đầy đủ, kỷ cương thi hành tốt, các nước phương xa đến nạp cống, thượng quốc trả lại đất, đáng gọi là đời cực thịnh…”.

Nhân Vương Trịnh Cương mất ngày 28 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 16 tháng 1 năm 1730), hưởng thọ 44 tuổi. Nhân dịp kỷ niệm 281 năm ngày mất của Nhân Vương Trịnh Cương, Hội đồng họ Trịnh Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Hà Nội tổ chức cuộc Hội thảo khoa học Chúa Trịnh Cương – cuộc đời và sự nghiệp với mục đích ghi nhận và khẳng định những cống hiến to lớn của Ông đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng trong ba thập niên đầu thế kỷ XVIII. Trên cơ sở những kết luận khoa học, Hội thảo sẽ đề xuất các kiến nghị tới chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan để có hình thức tôn vinh xứng đáng.

Nội dung các tham luận tập trung vào những chủ đề chính sau đây:

1. Nhân Vương Trịnh Cương – Nhà cải cách tiêu biểu thế kỷ XVIII

Cuộc cải cách của Trịnh Cương tập trung chủ yếu trên hai lĩnh vực: cải cách bộ máy hành chính (tổ chức nhân sự) và cải cách kinh tế – tài chính. Quá trình cải cách diễn ra theo một trình tự hợp lý: xuất phát từ mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh của nền kinh tế đất nước, Trịnh Cương đặt trọng tâm của cuộc cải cách trên lĩnh vực kinh tế – tài chính với việc cải tiến chế độ tô thuế là cốt lõi. Tuy nhiên để cho cuộc cải cách kinh tế-tài chính có hiệu quả, vấn đề nhân sự được Trịnh Cương đặc biệt coi trọng, đặt lên hàng đầu. Do vậy, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn tổ chức nhân sự phải được đi trước một bước. Chính vì lẽ đó mà nhu cầu hoàn thiện và cải tạo định chế cung vua – phủ Chúa với mục đích tập trung quyền lực vào một mối, vào phủ chúa, đã được đặt ra.

2. Sự nghiệp chính trị của Nhân Vương Trịnh Cương

Kế thừa những thành quả có được từ thời Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn, từ sau khi lên cầm quyền, Trịnh Cương tiếp tục thi hành những chính sách tích cực nhằm ổn định nền chính trị xã hội ở Đàng Ngoài, kiện toàn và hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính các cấp, ban hành và thực thi nhiều chính sách tuyển dụng quan lại (qua thi cử, qua tiến cử và bảo cử) nhằm tạo ra một đội ngũ liêm quan, có năng lực. Chính sách đối ngoại thời Trịnh Cương vừa cứng rắn kiên quyết, vừa mềm dẻo đã tạo nên vị thế của Đại Việt đối với các quốc gia trong khu vực và đặc biệt đối với Trung Hoa. Thành quả lớn nhất có được dưới thời Trịnh Cương được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận là việc đấu tranh với nhà Thanh (Trung Quốc) thắng lợi, bảo vệ, gìn giữ và giành lại chủ quyền đối với một phần lãnh thổ miền biên giới Tuyên Quang, Quảng Ninh từng bị người Thanh chiếm giữ.

3. Trên lĩnh vực quân sự

Trên thực tế, lực lượng quân sự thời Trịnh Cương khá hùng hậu, đó là do chính quyền Lê – Trịnh có những chủ trương và biện pháp tích cực trong việc tăng cường sức mạnh của quân đội. Trong tham luận Chúa Trịnh với đường lối quốc phòng, xây dựng quân đội để bảo vệ vương quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Đại tá Trịnh Xuân Tốn (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) đã nêu rõ đường lối quốc phòng, xây dựng quân đội thời Trịnh Cương được nhất quán với ba chủ trương lớn là: chú trọng xây dựng quân sự vững mạnh; Quan tâm đến chế độ tuyển chọn, huấn luyện và đãi ngộ; bên cạnh đấu tranh ngoại giao, sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ lãnh thổ và thu hồi những vùng đất bị nhà Thanh xâm lấn…

Đặc điểm nổi bật nhất trong chính sách đối với quân đội thời Trịnh Cương cầm quyền là coi trọng võ học. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quy chế về thi Sở cử và Bác cử được ban hành. Năm 1723, khoa thi Sở cử được tổ chức lấy đỗ 13 người. Khoa thi Bác cử (Tiến sĩ võ) được tổ chức vào năm 1724 lấy đỗ 11 Tạo sĩ. Những người đỗ Bác cử được hưởng ân tứ như những người đỗ Tiến sĩ bên ngạch văn.

4. Trên lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật

Đây là mảng đề tài khá phong phú và đa dạng được nhiều tác giả để tâm nghiên cứu. Nội dung này được tập trung trong các tham luận: Lê triều ngự chế quốc âm thi – tác phẩm thơ Nôm của Trịnh Cương của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Tư tưởng khuyến nông của Trịnh Cương qua hai bài thơ “Phong niên thi” và bài “Phong niên vịnh” của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học)..v.v..

Trước đây, chúng ta mới biết đến các dòng văn Ngô Thì (Tả Thanh Oai, Hà Nội), Phan Huy (Can Lộc – Hà Tĩnh) hay văn phái Trường Lưu của dòng họ Nguyễn Huy (Can Lộc)… Qua cuộc Hội thảo này, chúng ta biết thêm về dòng văn Trịnh phủ – mà tác giả là các Chúa Trịnh và tôn thất họ Trịnh.

Dưới góc độ nghệ thuật kiến trúc, tác giả Trịnh Quang Vũ qua bài viết Chúa Trịnh Cương với những cải cách ở Phủ Đình, văn hóa nghệ thuật trong lịch sử đã khẳng định: Trong 20 năm trị vì đất nước Chúa Trịnh Cương đã để lại nhiều dấu ấn về văn hóa, mỹ thuật tạo hình, tạo ra một phong cách truyền thống tạo đà phát triển mỹ thuật sau này. Mỹ thuật thời Trịnh Cương là biểu hiện một đất nước thái bình, cường thịnh và phát triển mạnh về văn hóa nước ta.

5. Trịnh Cương với quê ngoại cũng như những di tích lịch sử liên quan đến ông,

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được các tham luận Chúa Trịnh Cương và dòng họ ngoại của nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung; Tìm lại hành cung Cổ Bi xưa của TS. Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).v.v…

6. Trịnh Cương trong quan hệ quốc tế

Ngoài các tham luận đã nêu trên trực tiếp nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể liên quan đến thời kỳ Nhân Vương Trịnh Cương chấp chính, còn một số tham luận tập trung nghiên cứu tìm hiểu một số vấn đề lịch sử chung trong thời gian hơn hai thế kỷ (tức thời Lê Trung hưng). Nội dung các tham luận này cho thấy chính sách cởi mở của chính quyền Lê – Trịnh đối với các nước Phương Tây thông qua hoạt động ngoại thương, một trong những biện pháp phát triển nền kinh tế đất nước thời bấy giờ.

Đối với Nhân Vương Trịnh Cương, từ xưa đến nay các sử gia và các nhà nghiên cứu đều giành cho ông nhiều trang viết với những quan điểm đánh giá chân xác, thỏa đáng. Bước đầu tìm hiểu chân dung Trịnh Cương qua nhận xét của người đương thời và hậu thế đã tổng hợp lại toàn bộ những nhận xét đánh giá của các sử gia phong kiến các triều đại về Nhân Vương Trịnh Cương.

Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu, kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.(Chi tiết bài viết được đăng tải trên Website: http://trinhtoc.com)

Theo http://trinhtoc.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *