Hơn hai trăm năm, mười hai đời, các Chúa Trịnh liên tiếp thay nhau phò Vua Lê trị vì 12/13 xứ đất nước Đại Việt, làm nên trang sử triều đại Lê Trung hưng trong lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc. Chúa Trịnh Cương là một trong những vị Chúa thao lược trong các vị Chúa thời đó.

Chúa Trịnh Cương nên ngôi chúa được 20 năm (1709 – 1729), trong 20 năm cầm quyền Ông đã làm lên nhiêu thành tích trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật v.v… Hai mươi năm cầm quyền là hai mươi năm đất nước thái bình, thịnh đạt, kinh tế phát triển. Những thành công của Ông được nhiều nhà khoa học xã hội đánh giá trong nhiều cuộc hội thảo. Có thể nói, Ông là một trong những vị chúa thành công nhất trong mười hai vị Chúa Trịnh, thời Lê Trung hưng. Phía sau Chúa Trịnh Cương, bậc quân vương đứng đầu thiên hạ, có rất nhiều người song tôi chỉ viết về một người, người đó là Trịnh Thái phi họ Vũ (húy Ngọc Nguyên), trong truyền thuyết quê tôi vẫn thường gọi là: Bà Chúa Me. Thật may mắn Bà Vũ Thị Ngọc Nguyên đã được các sử gia đương thời ghi chép trong Đại Viêt sử ký toàn thư (thực biên 1689 -1786).

Gần ba trăm năm trôi qua với bao sự biến đổi, thăng trầm của lịch sử, cái đúng, cái sai chưa hẳn đã nhận ra, thậm chí nhận ra rồi cũng chưa đủ khả năng để bảo vệ vì điều đó liên quan đến miếng cơm, manh áo và sinh mệnh chính trị. v.v… . Thật mừng, gần đây, các nhà khoa học, nhất là các sử gia đương đại đã có cái nhìn cởi mở, khách quan hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam từ Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê -Trịnh, Nguyễn….. Do vậy, những đóng góp của nhà Trịnh trong lịch sử thời Lê Trung hưng đã ghi nhận, đánh giá cao, thậm chí tổ chức nhà nước thời đó còn được coi là một mô hình mới cho một mô hình nhà nước hiện đại hiện nay: Chúa – Chính phủ, Vua – Quốc hội, chứ không còn là quan điểm: Chúa lấn quyền của Vua theo quan niệm phong kiến, trong lịch sử phong kiến.

Tại gia phả họ Vũ Thôn Phục Lễ – Vĩnh Hồng – Bình Giang – Hải Dương có ghi tên một cụ bà sinh ngày 21 tháng 3 (không rõ năm) mất ngày 21 tháng 9 năm (1750 hoặc 1751). Cụ thuộc đời thứ bảy của gia tộc họ Vũ. Tên cụ là Vũ Thị Tông, tên húy là Ngọc Nguyên. lấy chồng là Hy Tổ nhân Vương Trịnh Cương, sinh hạ hai trai, trai lớn là Nghi tổ Ân Vương Trịnh Giang, trai thứ là Minh đô Vương Trịnh Doanh.

Trong Kim tỏa thực biên có ghi công bà: ‘Bảo Dưỡng Lê Ý Tông vi Hoàng đế. Bà được vinh phong “Y công hậu đức trang hành đoan nghị Quốc thánh Mẫu”.

Năm 1729 Chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời, Trịnh Giang con trai trưởng kế vị. Trong thời gian mười năm cầm quyền, Trịnh Giang cho thi hành những chính sách không hợp lòng dân, ham chơi bời, bị đại thần Hoàng Công Phụ thao túng; thiên tai sẩy ra liên tiếp, đời sống nhân dân khó khăn; nông dân Đàng ngoài nổi dậy ở nhiều nơi … chính quyền Lê – Trịnh đứng trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc….. Trịnh Doanh thay thế Trịnh Giang, Hoàng Công Phụ bị loại bỏ, sự kiện này tạo cho Trịnh Doanh có cơ hội thể hiện tài trí kéo dài sự tồn tại của chính quyền Lê – Trịnh.

Chủ trương phế truất Trịnh Giang lập Trịnh Doanh do công của nhiều người trong đó vai trò của Bà Thái Phi có thể coi là quyết định. Sự kiện này thành công tránh cho nhân dân một cuộc đổ máu, vì khi chuyển giao quyền lực trong lịch sử thường đi kèm với cuộc tàn sát đẫm máu. Vương nghiệp nhà Trịnh được tồn tại. Sự phát triển tiếp theo thuộc về con cháu của bà cùng các quần thần. Tuy nhiên có một sự kiện cần phải đề cập để bạn đọc biết được năng lực của Bà:

Chúa Trịnh Doanh được kế thừa truyền thống gia phong tư chất thông minh Văn – Võ đều giỏi. Mười sáu tuổi đã thay anh điều hành chính phủ. Khi nghiên cứu lịch sử ta có thể nhận ra Bà thái phi có ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời và sự nghiệp của chúa Trịnh Doanh vì chín tuổi thì cha mất cho nên có thể nói Trịnh Doanh không có thời cơ để học hỏi từ cha mình. Hai mươi tuổi chính thức lên ngôi chúa.

Giai đoạn đầu khi mới lên ngôi Chúa Trịnh Doanh trực tiếp cầm quân đi dẹp loạn, Bà Thái phi nhiếp chính. Có thời điểm, khi kinh thành bỏ trống, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ chỉ huy quân nổi loạn đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long. Bà Thái phi trực tiếp điều binh, khiển tướng dàn trận nghi binh, quân nổi loạn không dám tiến vào, kéo dài thời gian cho đại quân quay về ứng cứu, kinh thành được bảo vệ an toàn…

Hai mươi bẩy năm điều hành chính phủ Trịnh Doanh đã để lại trong lịch sử dân tộc một dấu ấn quan trọng. Đối với Vương tộc nhà Trịnh ông là người có công lớn. Có thể nói, đằng sau sự nghiệp của hai bậc quân vương, có đóng góp rất lớn của người phụ nữ, Bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên.

Cám ơn các nhà sử học đã có những đánh giá khách quan về vị trí, vai trò các Chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam. Nhân dân xã Vĩnh Hồng nói chung, dân làng Phục Lễ nói riêng quyền tự hào về Bà, về những đóng góp của Bà cho dân tộc, được sử sách ghi nhận.

Bà Chúa Me xuất giá theo chồng nhưng những dấu tích nơi bà đã sinh ra vẫn còn và được hậu duệ con cháu, nhân dân gìn giữ thờ cúng hàng năm.

Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, hậu duệ, các con cháu và nhân dân trong làng có nguyện vọng xây dựng Đền thờ Bà ngay tại Di tích trong thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, coi đó là sự tri ân đối với các bậc tiền nhân có công với đất nước, tôn vinh tấm gương người Phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Trịnh Quốc Tính
Tháng 01/2012