Chúa Trịnh Cương – Vị chúa tài năng, đức độ

LBT: Bà Chúa Me là Thái phi của chúa Trịnh Cương, vị chúa được đánh giá là có nhiều tài năng, đức độ, người đã tiếp tục sự nghiệp nhà chúa sau này.

An Đô Vương Trịnh Cương (chữ Hán: 鄭棡, 1686 – 1729) là vị chúa Trịnh thứ 6 thời Lê Trung Hưng, cầm quyền từ tháng 5 năm 1709 đến tháng 10 năm 1729. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Ông là chúa Trịnh duy nhất có cuộc đời và sự nghiệp trong thời thái bình, thịnh trị không hề có nạn binh đao.

1. Khái quát thân thế

Trịnh Cương là con trưởng của Tấn Quan Vương Trịnh Bính, chắt của Định Nam Vương Trịnh Căn. Ông nội Trịnh Cương là Trịnh Vĩnh và cha là Trịnh Bính đều mất trước cụ nội Trịnh Căn nên theo quy định trực hệ, ông được chọn làm người kế vị. Năm 1704, hai người chú là Trịnh Luân và Trịnh Phất định làm loạn để tranh ngôi kế vị nhưng bị Trịnh Căn dẹp ngay.

2. Sự nghiệp

a) Tôn trọng vua Lê

Năm 1709, Trịnh Căn qua đời, Trịnh Cương lên nối ngôi, tức là An Đô Vương. Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714) Trịnh Cương lại được tiến phong Đại Nguyên soái tổng quốc chính Thượng sư An vương. Nhân dịp tiến phong, ông vào bái yết thái miếu và chầu vua Lê Dụ Tông ở điện Vạn Thọ. Đây là cử chỉ được đánh giá là đúng mức theo lễ nghĩa vua tôi, không tỏ ra quá lấn át các vua Lê như các chúa trước.
Có lần bàn về nghi thức triều phục cho các quan, quần thần khuyên ông dùng màu vàng để tiếp kiến bề tôi, nhưng ông từ chối vì màu vàng chỉ dành cho vua mà ông là chúa chỉ dùng màu tía để phân biệt với các quan là được.
Đầu năm 1724, Trịnh Cương được thay mặt vua Lê tế đàn Nam Giao[1] nhưng ông không đứng vào chỗ vua Lê để làm lễ. Do những việc làm có phần giữ lễ của Trịnh Cương, người đời rất tin phục ông.

b) Cải cách thuế

Thời kỳ ở ngôi chúa, Trịnh Cương rất chǎm chỉ lo toan việc trị nước. Ông trọng dụng ba đại thần trẻ tuổi, có tài là Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ và Nguyễn Công Hãng. Ông đã bàn định và cùng các đại thần ban hành hàng loạt cải cách thuế khoá, áp dụng thuế Tô dung điệu học của Trung Quốc nhằm hạn chế những bất công về thuế khoá từ đời trước. Sử ghi rằng có lần nửa đêm nghĩ tới việc cải cách, Trịnh Cương sai người đến đánh thức hai quan tể tướng Công Hãng và Anh Tuấn mời vào phủ bàn việc.

c) Tổ chức quân đội

Người trong gia thuộc họ Trịnh đều có quân riêng, Trịnh Cương ra lệnh giải tán, chỉ giữ lại một lực lượng thống nhất do phủ chúa cai quản nhằm đề phòng các thân thuộc đánh nhau tranh quyền. Sau đó ông tổ chức lại quân ngũ của phủ chúa, đặt sáu doanh, lựa chọn đinh tráng từ 4 trấn và lính Thanh – Nghệ. Mỗi doanh biên chế 800 người, bổ dụng 6 tướng chia nhau thống lĩnh.

d) Với bộ máy quan lại

An Đô vương Trịnh Cương chú trọng đến việc bổ dụng và làm trong sạch đội ngũ quan lại. Năm 1723, theo lời bàn của Nguyễn Công Hãng, ông cho phép dân chúng được yết bảng góp ý kiến quan lại địa phương. Bố cáo gửi các địa phương có ghi rõ: “Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả loạt đều cùng một giọng. Người nào yết ghép theo ý mình, khen chê bậy bạ sẽ bị tội”.
Năm 1726, nghe Nguyễn Công Cơ tâu việc thi cử có gian lận, phần lớn con em quyền thế đỗ hương cống, không có tài, Trịnh Cương bèn hạ lệnh cho thi lại, đánh hỏng 28 người, trong đó có con của Tham tụng Lê Anh Tuấn, con Huân quận công Đặng Đình Giám, con nuôi nội giám Đỗ Bá Phẩm. Những người này bị giao xuống pháp đình xét hỏi trị tội. Công Cơ dám tâu thẳng được phong làm Thiếu bảo.

3. Người kế nghiệp

Tháng 10 năm 1727, Trịnh Cương phong cho con trưởng là Trịnh Giang làm Tiết chế, tước Uy Quận công, mở phủ đệ riêng gọi là phủ Điện Quốc. Những năm cuối đời, An Đô vương thường đi tuần du vãn cảnh các nơi, cho sửa dựng nhiều chùa ở núi Độc Tôn và Tây Thiên để đến du ngoạn. Cổ Bi vốn là đất nổi tiếng vùng Kinh Bắc, tiếp giáp xã Như Kinh là quê mẹ của Trịnh Cương nên ông hay về thăm, còn cho xây phủ đệ mới tại đó, lấy tên là phủ Kim Thành và có ý định đóng phủ chúa ở đấy.

Tháng 10 năm 1729 Trịnh Cương đi chơi chùa Phật Tích rồi Như Kinh, lâm bệnh và qua đời ngay tại đó, quan quân bí mật đưa về phủ phát tang. Bấy giờ ông mới 44 tuổi, cầm quyền 21 năm (1709-1729), được tôn là Hy Tổ Nhân Vương.

4. Nhận định

Không giống như các chúa Trịnh trước và sau mình, Trịnh Cương sinh ra, trưởng thành cũng như cai trị trong thời hoà bình, tuyệt nhiên không hề có chiến tranh hay bạo loạn dù nhỏ xảy ra trong dân chúng và hàng ngũ tướng sĩ. Ông là vị chúa Đàng Ngoài duy nhất được hưởng điều đó.
Nhưng xét cho kỹ, các dòng họ cầm quyền thường chỉ có vua khai quốc và các thế hệ vua phải trải qua chiến tranh, trau rèn qua gian khổ mới có ý thức giữ gìn xã tắc. Con em các triều đại lớn lên trong cảnh đất nước đã thái bình, no đủ khi được nối ngôi thường sa vào hưởng lạc mà những vua trước đây như Lý Cao Tông, Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực và chính Trịnh Giang sau này đã mắc phải. Trịnh Cương trái lại đã sớm tỏ ra là người chín chắn, tận tụy khi tiếp quản cơ nghiệp của Trịnh Căn và củng cố thêm nền cai trị ở Bắc Hà. Trưởng thành từ nhung lụa, không được trau rèn qua chiến trận mà vẫn không có biểu hiện xa hoa hưởng thụ, không có thái độ hống hách kiêu căng. Ở điều kiện như Trịnh Cương mà làm được như Trịnh Cương không phải dễ và cũng không có nhiều trong lịch sử Việt Nam.

Chúa Trịnh Cương mất sớm và đột ngột khiến lịch sử Bắc Hà chuyển sang bước ngoặt mới.
Cũng chính vì chúa mất sơm, quyền hành nhà chúa chuyển giao cho trai Trịnh Giang còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên Bà Chúa Me phải tốn nhiều công sức để uốn nắn con trai. Khi thấy con trưởng (Trịnh Giang) không đủ năng lực, Bà phải tìm cách đưa con thứ (Trịnh Doanh) lên thay, đủ thấy năng lực gánh vác trách nhiệm của Bà đối với gia đình nhà chúa và đất nước./.

Tham khảo và chú thích

1. Việt Nam sử lược
2. Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
3. Các triều đại Việt Nam – Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, 2001